Kỹ thuật lặp
Khi được nghe lặp lại nhiều lần một điều gì đó, não bộ chúng ta tự khắc nhớ điều đó dù không chủ ý. Đó là điều các nhà quảng cáo tận dụng trong các chiến lược quảng cáo của mình. Họ luôn tìm cách lặp đi lặp lại nhiều lần nhãn hiệu và thông điệp sản phẩm trong các mẫu quảng cáo, poster, banner,... để khách hàng có thể bật nhớ ngay khi có nhu cầu.
Lặp lại nhiều lần một điều nào đó cũng là cách chúng ta học thuộc lòng những kiến thức cơ bản, những bài thơ, bảng cửu chương, công thức toán học,... Hay nói cách khác, học thuộc lòng, lặp đi lặp lại giúp chúng ta ghi nhớ thông tin để có thể nhớ lại nhanh chóng như phản xạ, một cách tự động.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: BBC. |
Tục ngữ, ca dao là kho tàng văn hóa, giúp chúng ta kết nối với văn hóa, lịch sử, và truyền thống của dân tộc. Đó là những lời dạy được chắt lọc, những kinh nghiệm cuộc sống, những bài học ý nghĩa, sâu sắc của ông cha ta ngày xưa. Ngôn ngữ tinh tế, hình ảnh gần gũi thân thuộc, câu từ ngắn gọn, có vần, có điệu làm cho ca dao, tục ngữ trở nên dễ nhớ, dễ đi vào lòng người và lặp đi, lặp lại, lưu truyền từ đời này qua đời khác.
Trong âm nhạc, phần điệp khúc là phần quan trọng trong một bài hát. Đây cũng là phần tràn đầy năng lượng nhất, hấp dẫn nhất khiến khán giả dễ nhớ lại khi nhắc đến bài hát đó. Điệp khúc thường có giai điệu, lời ca khác biệt so với các đoạn nhạc khác để tạo dấu ấn trong tâm trí người nghe.
Trong điệp khúc, nhạc sĩ sẽ sắp xếp, lặp đi lặp lại cụm từ liên quan đến chủ đề, thông điệp chính của bài hát để người nghe dễ nhớ. Ví dụ như trong bài hát Đi về nhà của ca sĩ Đen Vâu, cụm từ về nhà được tác giả lặp lại 22 lần, còn tiêu đề của bài hát được lặp lại 10 lần trong phần điệp khúc.
Các doanh nhân cũng áp dụng kỹ thuật lặp trong các bài phát biểu. Họ thường tận dụng cơ hội đưa tên thương hiệu vào câu trả lời như “Tại công ty ABC, chúng tôi luôn.... ” hay “Công ty ABC chúng tôi luôn chú trọng....”. Các nhà thuyết trình cũng thường lặp lại ý quan trọng, thông điệp chính trong những mốc chuyển cảnh hoặc nhắc lại trong phần kết thúc. Khi được nghe nhiều lần các ý chính, điểm quan trọng, khán giả sẽ ghi nhớ một cách thụ động các ý đó.
Trong buổi ra mắt iPhone năm 2007, ngay phần mở đầu, Steve Job đã vận dụng kỹ thuật lặp: “Hôm nay chúng tôi sẽ giới thiệu ba sản phẩm mang tính cách mạng. Đầu tiên là một iPod màn hình rộng với điều khiển cảm ứng. Thứ hai là một chiếc điện thoại di động mang tính cách mạng. Và thứ ba là thiết bị liên lạc Internet mang tính đột phá”.
Ông tạm dừng và rồi nhắc lại: “Chúng ta có ba thiết bị: một chiếc iPod màn hình rộng có điều khiển cảm ứng; một chiếc điện thoại di động mang tính cách mạng; và một thiết bị liên lạc Internet đột phá”. Sau đó ông lặp lại lần nữa: “iPod, điện thoại và thiết bị kết nối Internet. Đây không phải ba thiết bị riêng biệt, đây là một thiết bị và chúng tôi gọi nó là iPhone. Giờ đây Apple sẽ phát minh lại điện thoại và nó đây.”
Ông đã lặp đi lặp lại như lời khẳng định, nhắc nhớ với khách hàng đây không phải là một sản phẩm mà là ba sản phẩm chất lượng mang dấu ấn của Apple. Màn ra mắt iPhone ấn tượng, đánh dấu sự ra đời của một sản phẩm đã làm thay đổi hoàn toàn giới công nghệ, định hình một tiêu chuẩn mới cho cả thế giới điện thoại thông minh. Kết quả là mọi người đều háo hức muốn được sở hữu iPhone. Một bài trình bày hay bậc nhất của thời đại.
Trong bài diễn văn “Tôi có một giấc mơ” đi vào lịch sử của nhà dân quyền có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, mục sư Martin Luther King Jr. cũng sử dụng hiệu quả kỹ thuật lặp:
- Tôi có một giấc mơ rằng một ngày nào đó trên những ngọn đồi đỏ của Georgia, con trai của những người từng là nô lệ và con trai của những người chủ nô trước đây sẽ có thể ngồi cùng nhau bên bàn ăn của tình anh em.
- Tôi có một giấc mơ rằng một ngày nào đó ngay cả bang Mississippi, một bang đang oi bức vì sức nóng của áp bức, cũng sẽ biến thành ốc đảo của tự do và công lý.
- Tôi có một giấc mơ rằng một ngày nào đó bốn đứa con nhỏ của tôi sẽ sống ở một quốc gia nơi chúng sẽ không bị đánh giá bởi màu da mà bằng tính cách của chúng.
- Tôi có một giấc mơ...
- Tôi có một giấc mơ...
Ngày 2/9/1945, tại vườn hoa Ba Đình (nay là quảng trường Ba Đình), Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay mặt Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập tuyên bố nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.
Trong bài tuyên ngôn, Bác đã nhắc lại nhiều lần cụm từ “tự do, độc lập” như để khẳng định những giá trị chân lý vĩnh cửu và phổ biến, mà toàn dân Việt Nam đã chiến đấu anh dũng trong hơn tám mươi năm mới có được. “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập.“
Ngay sau đó là lời khẳng định quyết tâm, lời thề thiêng liêng của toàn dân tộc trong ngày Lễ độc lập. “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.”
Kỹ thuật lặp kết hợp với phép tăng tiến là cách hiệu quả để ý tưởng trở nên mạnh mẽ hơn, khắc sâu vào bộ não người nghe hơn.
Bình luận