Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ai kiểm soát dòng tiền ở Mỹ?

Fed coi như là ngân hàng trung ương của Mỹ, gồm 12 thống đốc ngân hàng cùng nhau kiểm soát dòng tiền luân lưu trong nước.

[...]

Đơn vị tiền tệ của Mỹ là đồng đôla Mỹ. Các nước khác cũng có đồng đôla của họ, như đôla Canada, đô la Úc, nhưng thông thường nói đến đôla là người ta nói đến đôla Mỹ - USD. Năm 1792, chỉ vài năm sau khi giành được độc lập từ Anh quốc, Quốc hội Mỹ ra đạo luật phát hành đồng đôla Mỹ, trị giá bằng một đồng đôla bạc của Tây Ban Nha. Thoạt đầu đồng đôla Mỹ cũng được bảo chứng bằng vàng bạc nhưng sau đó chỉ dựa vào vàng. Cứ 35 đô đổi được một troy ounce vàng (31 gram).

Thế rồi Mỹ phải đương đầu với những thế lực quốc tế thích trữ đôla Mỹ. Lúc nào nổi hứng muốn “chơi” Mỹ hay muốn đeo vàng đỏ tay cho vui thì các anh ý nộp đô la tích tụ trong tay đòi đổi lấy vàng khối. Năm 1971, Thụy Sĩ đổi đôla lấy vàng trị giá 50 triệu đô, tiếp theo đó Pháp cũng đổi 191 triệu đôla lấy vàng của Mỹ.

Tổng thống Nixon nổi cáu bãi bỏ chế độ đôla bảo chứng bằng vàng, tiền Mỹ chỉ được bảo chứng bằng giá trị nền kinh tế thôi, chịu thì chịu, không chịu thì thôi! Từ đó đến nay dân ngoại quốc tích trữ đôla Mỹ càng tăng chứ không giảm đi, đổi được vàng hay không đổi vàng cũng vậy.

[…]

Lượng tiền của Mỹ đang lưu hành hiện nay là 2.000 tỷ đôla, trong đó 500 triệu là đồng xu còn lại là giấy xanh. Tiền giấy của Mỹ cùng kích thước và một mặt màu đen và mặt kia màu xanh lá cây, chỉ khác nhau mệnh giá in tại bốn góc và hình Tổng thống hay danh nhân in trên tờ giấy bạc.

Tiền xu thì có mệnh giá 1 đồng trở xuống đến 1 xu bằng các dạng kim loại khác nhau. Ngày nay người tiêu dùng ít ai cầm tiền mặt để mua bán trao đổi. Đi đâu họ cũng rút thẻ “quẹt”, hay dùng phone “gõ”, thậm chí có những cửa hàng không nhận tiền mặt để nhân viên không phải động tay vào “đồng tiền nhớp nhúa” theo đúng nghĩa đen, tránh việc phải mang bao tay vào sờ sờ đếm đếm rồi lại phải dùng tay sạch động vào thức ăn bán cho khách chẳng hạn.

Thanh toán các hóa đơn điện nước, thuê bao di dộng đều lên mạng bấm nút, click một cái là tiền rót từ tài khoản của mình sang công ty dịch vụ. Nhanh gọn nhẹ. Chẳng viết ngân phiếu mà cũng chẳng cầm tiền mặt ra văn phòng nộp.

[…]

Cuc du tru lien bang anh 1

Trụ sở Cơ quan Dự trữ Liên bang Mỹ.

Ai kiểm soát dòng tiền ở Mỹ?

“Ai” ở đây không nằm trong tay Tổng thống, quốc hội, hay tòa án, ba quyền hành độc lập trong hệ thống tam quyền phân lập của Mỹ.

Cơ quan Dự trữ Liên bang (Federal Reserve -Fed) thuộc ngành hành pháp nhưng tương đối độc lập với chóp bu hành pháp là ông bà Tổng thống. Fed được Tổng thống bổ nhiệm và quốc hội phê chuẩn, nhưng không tuân lệnh Tổng thống và không bị đuổi khi làm Tổng thống phật lòng.

Fed coi như là ngân hàng trung ương của Mỹ, gồm 12 thống đốc ngân hàng cùng nhau kiểm soát dòng tiền luân lưu trong nước bằng cách “bơm” thêm tiền khi kinh tế cần phát triển và chặn bớt dòng tiền khi có quá nhiều tiền luân lưu và lạm phát tăng vọt.

Khi kinh tế co thắt thì Fed thúc đẩy tăng trưởng bằng cách giảm lãi suất, các nhà thương mại vay tiền từ Fed giá hạ và sẽ cho người tiêu dùng vay giá rẻ, doanh nghiệp tha hồ vay vốn làm ăn.

Khi kinh tế lạm phát thì Fed tăng lãi suất khiến những ai muốn vay bạo để làm ăn chùn tay lại, kinh tế đang sôi sùng sục từ từ trở lại trạng thái “liu riu”. Nhiều hợp đồng mua nhà trả góp 30 chục năm không chịu lãi suất nhất định mà thả nổi tùy theo thị trường thì sẽ ấn định lãi suất là “Treasury rate plus two”, tức là lãi suất của công phiếu cộng thêm 1 đến 2 % chẳng hạn.

Fed mua công phiếu vào thì trả tiền ra cho dân chúng, lượng tiền lưu chuyển tăng lên hay rút bớt lượng tiền luân lưu bằng cách bán ra để thu tiền từ dân chúng về kho bạc.

Thời Trump tại vị, nhiều lần ông bực tức vì Fed đã tăng lãi suất khi nền kinh tế trên đà tăng trưởng ngoạn mục. Ông cho rằng việc này đã hãm tăng trưởng và giảm thành tích của ông. Báo chí bàn luận ồn ào khả năng Trump có thể cho giám đốc Fed về vườn, nhưng Trump cuối cùng không đuổi Jerome Powell, và trong lịch sử chưa có giám đốc Fed nào bị Tổng thống đuổi việc cả.

Trong nửa thế kỷ này, tiền lãi vay nợ mua nhà có khi chỉ còn 2 chấm (2%/năm) như đầu năm 2022, nhưng cũng có lúc lên đến gần gấp 10 lần là 18 chấm trong thập niên 1980, đủ chứng tỏ quyền lực của Fed trong việc lèo lái lượng tiền và kinh tế Mỹ.

Người dân thấp cổ bé họng cứ hồn nhiên làm việc kiếm tiền và tiêu xài. Lãi suất cao thì tiền vay nợ mua nhà, mua xe, xài thẻ tín dụng sẽ cao, nhưng bù lại tiền để dành trong ngân hàng cũng “ngon” hơn.

Ngược lại khi lãi suất hạ thấp lè tè nhưng những năm 2020-2022 thì tha hồ vay tiền mua nhà to, xe xịn vì chỉ trả lãi chút ít, nhưng tiền để dành về hưu hầu như cũng đông cứng lại nên lo xa thì liệu mà dè sẻn cho tuổi già.

Khi nào bí tiền thì ta nhớ câu thần chú “Money talk - đồng tiền biết nói” của người Mỹ, alo hỏi tờ đôla xem nó nằm chỗ nào trong nhà có khi lại được việc.

Hiệu Minh / NXB Phụ nữ Việt Nam

SÁCH HAY