Hoàn chỉnh nội dung câu chuyện dữ liệu
Làm sao để câu chuyện dữ liệu trở nên sống động, cuốn hút khán giả? Làm sao để họ biết được đằng sau những con số đó là “chuyện” gì đáng để quan tâm? Làm sao để khán giả không rời mắt khỏi các biểu đồ, hình ảnh minh họa mà chúng ta đã bỏ nhiều công sức xây dựng, chăm chút? Chúng ta cần thêm một số kỹ thuật để “có dữ liệu là có chuyện”.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Timur Saglambilek/Pexels. |
Kỹ thuật tương phản
Hãy tưởng tượng nếu chúng ta đi phượt trên cung đường mà cảnh vật giống nhau không có khác biệt gì, không có gì đáng chú ý từ điểm bắt đầu đến điểm kết thúc thì liệu chúng ta có hào hứng, muốn quay lại cung đường đó?
Điều làm cho các phượt thủ không thể quên sau mỗi chuyến đi là những thử thách đã vượt qua, là những cảnh đẹp đến ngỡ ngàng và những điều tưởng như không thể mà lại có thể. Những điều xảy đến càng bất ngờ, khó đoán trước càng mang lại cảm xúc đáng nhớ cho những ai trải nghiệm chuyến đi đó.
Tương tự như vậy, nếu trong câu chuyện dữ liệu, các sự kiện xảy ra cứ đều đặn, lần lượt hết sự kiện này đến sự kiện khác, không có sự kiện nào nổi bật hơn, thì câu chuyện đó sẽ khó mang lại cảm xúc đặc biệt cho người xem. Cảm xúc chỉ xảy ra khi trong câu chuyện có nút thắt, có điều gì đó làm thay đổi trạng thái của “nhân vật”, khiến “nhân vật” căng thẳng, và rồi có yếu tố giải tỏa căng thẳng.
Các nút thắt như các neo cảm xúc, giúp người xem chú ý, hòa mình vào diễn biến của câu chuyện dữ liệu. Kỹ thuật tương phản là kỹ thuật hiệu quả giúp chúng ta tạo ra các mâu thuẫn, nút thắt trong câu chuyện dữ liệu.
Kỹ thuật tương phản được Nancy Duarte, Giám đốc điều hành của Duarte, Inc., một công ty thiết kế chuyên tạo ra các bài thuyết trình cho các công ty lớn và có ảnh hưởng nhất trên thế giới, trình bày chi tiết trong các sách best-seller về thuyết trình như “Slide:ology”, “Resonate” và “Illuminate” do bà là tác giả.
Theo Duarte, khi trình bày, chúng ta có thể tác động đến cảm xúc của người nghe, bằng cách khiến khán giả chuyển trạng thái liên tục giữa “điều đang xảy ra” (What is) và “điều có thể xảy ra” (What could be).
Đó là sự đan xen giữa được và mất, giữa vấn đề và giải pháp, giữa cơ hội và thử thách... Cặp yếu tố tạo căng thẳng - giải tỏa căng thẳng với cấp độ tăng dần sẽ thu hút người nghe, làm cho bài thuyết trình ngày càng hấp dẫn hơn.
Khoảng cách giữa cặp yếu tố tương phản càng cao thì mức độ căng thẳng của vấn đề cần được giải quyết càng trở nên cấp thiết. Chúng ta có thể tham khảo một số cặp yếu tố tương phản sau trong bài trình bày, câu chuyện dữ liệu của mình:
Quá khứ | Hiện tại |
Hiện tại | Tương lai |
Thử thách | Phần thưởng |
Thách thức | Cơ hội |
Giới hạn ngân sách | Chất lượng vượt trội |
Khiếu nại | Hài lòng |
Nghèo khó | Giàu sang |
Khổ cực | Sung sướng |
Khinh | Trọng |
Bình luận