Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kho báu triều Nguyễn và nạn cướp phá sau ngày kinh đô thất thủ

Một cuộc tranh cãi nhanh chóng nổ ra, liên quan đến giá trị thật của kho tàng kho báu của các hoàng đế Việt Nam.

Nhiều nhân chứng khi đó cho biết nhiều ngày sau biến cố, thậm chí là nhiều tuần đã trôi qua từ ngày thất thủ, kinh thành vẫn như để thả cửa cho đám cướp bóc hôi của.

Phái viên của hãng thông tấn Havas chẳng hạn, đã kể lại cái cách mà trung tá Pernot cho quân xung phong vào hoàng cung: “với một tiểu đoàn lính Bắc Phi, đã ngăn chặn được chuyện cướp bóc nơi đây, thế nhưng phần còn lại của Thành Nội thì trong vòng 48 tiếng, đã phó mặc cho quân lính [phía Pháp] nhét những nén bạc đầy bọc, mỗi nén có giá trị là 12 piastres (tương đương 60 quan Pháp). Bạc ở đây là tinh, không có pha hợp kim và lính tráng bán lại những nén bạc này với giá 4 hay 5 piastres. Tôi đã mua lại được có đến khoảng 8 kg”.

Như thế, trong khi De Courcy cho rằng đã bảo vệ an toàn kho lẫm kho báu, lính tráng phía Pháp vẫn tiếp tục bán những nén bạc hôi được khắp nơi với giá bằng một phần ba của giá trị thật.

Một “lượng rất lớn đồ bằng vàng” tại điện của Hoàng Thái hậu đã bị lấy đi, chính Tổng trú sứ Rheinart kể lại người ta đã chứng kiến hai kẻ hôi của giành giật với nhau một bức tượng voi bằng vàng, cuối cùng đã làm tượng vỡ tan; có cả một sĩ quan [Pháp] cấp tướng (tên tuổi, chuyện tế nhị, không được tiết lộ) đã ôm đi nhiều đồ đạc quý giá.

Ngay tướng De Courcy cũng đoạt lấy một cây kiếm của hoàng triều và tặng lại cho tướng Campenon, Bộ trưởng Bộ Chiến tranh: vị này đã nhận lấy không chút hổ thẹn, sau đó giao lại cho viện bảo tàng của Quân đội, tại đây bao kiếm và những phần trang trí đã bị đánh cắp vào năm 1913.

Một danh mục đồ đạc bị cướp đi đã được các quan lại Việt Nam lập ra vài tháng sau đó, và rồi một “bản sao có chứng thực” của bản phúc trình đã được gửi đi Paris: phúc trình nêu ra những con số, 113 lạng vàng, 742 lạng bạc và 2672 xâu tiền đã bị mất ở các tòa nhà của đội ngự lâm quân; ở điện của Hoàng Thái hậu Từ Dũ, 228 viên kim cương, 266 đồ trang sức có khảm kim cương, ngọc và đá quý khác, 271 món đồ bằng vàng, 1.358 nén bạc và 3.416 lượng vàng đã biến mất [trong thời gian biến cố]; ở lăng tẩm các vua Gia Long, Minh Mạng và Thiệu Trị, vốn được trang trí đầy đủ bàn ghế nội thất và đồ dùng cá nhân của các vua, những gì có thể dễ dàng khuân đi đều đã biến mất: vương miện, giường gối, thảm sàn, chăn nệm, trang phục đại lễ, sập gụ chạm khắc, đồ trang trí, hộp đựng trầu cau, ống nhổ, thau đựng nước, hỏa lò, mùng màn bằng lụa thêu, lư hương, ấm chén trà với khay trà, ống điếu, tăm vót...

Nhiều vụ hôi của tương tự cũng đã diễn ra ở các dinh thự của các bộ và công sở. Theo báo cáo này, việc cướp phá hôi của đã diễn ra suốt hai tháng trời, nghĩa là vượt quá thời gian mà người ta thường đã hình dung.

Tuy nhiên chúng ta buộc phải đặt câu hỏi về tính xác thực của báo cáo này: đã không có bất cứ bằng chứng nào về sự hiện hữu của những của cải nêu trên [liệt kê trong báo cáo] thời điểm trước khi xảy ra biến cố ngày 5/7. Ngoài ra, cũng chẳng thể chứng minh được là một phần của cải kho báu cất giữ trong các điện có thể đã bị các quan thái giám hay quan lại khác có trách nhiệm trông giữ, [nhân cơ hội này] lén lút lấy đi.

Trận kinh thành Huế 1885. Nguồn: khamphadisan.
Kho bau trieu Nguyen anh 1
Kho bau trieu Nguyen anh 1

Trận kinh thành Huế 1885. Nguồn: khamphadisan.

Cuối cùng, cũng có thể nghi ngờ khả năng sự thể quân lính phía Pháp lấy đi nào mùng màn sập gụ cồng kềnh hay ngay cả các xâu tiền, trong khi họ có thể dễ dàng thu lượm các nén vàng, nén bạc cùng nhiều thứ đồ khác quý giá hơn như lụa là hay đồ sứ. Ngoài ra, cũng cần phải nói rõ, các tác giả [Pháp] đã lưu ý nhấn mạnh về báo cáo này, các ông Léonce Détroyat và Jocelyn Pène-Siefert, cả hai đều có mâu thuẫn sâu sắc với quân đội Pháp nói chung, với De Courcy nói riêng.

Ngoài bản phúc trình nêu trên, nhiều báo cáo khác đã được viết dần hồi theo với những phát hiện của cải đồ đạc bị mất đi: vào tháng 11/1885 chẳng hạn, Thượng thư Bộ Lễ đã lưu ý có một con dấu với một ấn triện lớn của một đại quan triều đình “đã biến mất và không sao tìm ra được”.

Ngoài ra, nhiều lời chứng cho biết các cửa hàng và nhà riêng của thương gia người Hoa đã bị chủ ý tấn công, một hiện tượng có thể được xem như là một thái độ bực tức mang tính phục thù của một nhóm người. Cuối cùng, người ta không thể nào không nghĩ đến [khả năng], lợi dụng tình trạng rối ren và chiến sự, một số người trong giới quý tộc và quan lại, vì biết rõ những nơi tàng trữ cất giấu, đã gửi những toán thân cận để khuân đi vài hòm nén bạc nén vàng.

Vàng miếng từ kho bạc Huế. Ảnh: sciencesetavenir/11conti-monnaie de Paris.
Kho bau trieu Nguyen anh 2
Kho bau trieu Nguyen anh 2

Vàng miếng từ kho bạc Huế. Ảnh: sciencesetavenir/11conti-monnaie de Paris.

Ngay tên tuổi ông Nguyễn Văn Tường cũng đã được nhắc đến khi bàn về vấn đề này… Có một điều tuyệt đối không thể phủ nhận đó là việc cướp bóc hôi của diễn ra khắp nơi khắp chốn trong suốt thời gian loạn lạc tiếp theo ngày kinh thành thất thủ cho đến khi tình hình an ninh trật tự được vãn hồi, nghĩa là sự việc đã kéo dài trong nhiều tuần lễ. Sổ tay hành quân của tiểu đoàn 3 lính Bắc Phi nhìn nhận là tình trạng kỷ luật trong lực lượng phần nào đó bị “chao đảo” và để tái lập kỷ luật đã phải dùng đến biện pháp tử hình một số [lính tráng] tham gia hôi của.

Giờ đây phải bàn đến phần thực sự chính thức liên quan đến việc cướp phá kho tàng kho báu của vương triều [nhà Nguyễn] nghĩa là việc quân đội [Pháp] chiếm đoạt toàn bộ nén vàng, nén bạc cùng các đồ mỹ nghệ được tìm thấy trong hoàng cung.

Tướng De Courcy dường như đã nắm giữ toàn quyền về kho báu này, chính ông đã đề cập trong nhiều bức điện [gửi về Paris]: “năm triệu nén bạc, con số này còn tăng lên rất nhiều nếu tôi tìm thấy thêm các nén vàng”, rồi tiếp “[đồ vật có] giá trị nghệ thuật thì vô số vô giá”, tiếp đó “giá trị số nén vàng, nén bạc chứa trong các hầm kiên cố ước tính lên đến 9 triệu [quan Pháp?]. Ngoài số này còn phải kể thêm khoảng một trăm hòm chứa các nén bạc được tìm thấy trong một nhà hát. Phóng viên hãng Havas cung cấp thêm một số chi tiết:

“Tại Hoàng cung, người ta đã tìm thấy một bộ sưu tập các tác phẩm mỹ nghệ có giá trị lớn. Kho báu và viện bảo tàng [musée sic] đã được bảo vệ an toàn. Trong năm ngày liền, tôi đã chứng kiến năm mươi người lo công việc chồng chất các nén vàng, nén bạc.

Khối lượng tiền của này được gửi về Pháp. Về phần viện bảo tàng có giá trị lớn, cũng đã được chuyển về Pháp. Tôi không thể nào cung cấp cho quý vị giá trị của tất cả của cải châu báu đó vì chắc chắn con số tôi đưa ra sẽ thấp hơn nhiều so với thực tế”.

Theo một nhân chứng khác, “các thỏi vàng, thỏi bạc [lingots sic], các loại có thể quy ra tiền, ngọc ngà trang sức đá quý, giá trị lên đến trong khoảng từ 14 đến 15 triệu quan Pháp, tất cả đã rơi vào tay chúng ta [người Pháp]”.

Một cuộc tranh cãi nhanh chóng nổ ra, liên quan đến giá trị thật của kho tàng kho báu của các hoàng đế Việt Nam: những gì mà De Courcy thu được có tương ứng với những gì còn lại [thời điểm đó] trong tay một triều đình Huế đã vơi, đã nghèo đi? Hay chỉ là những gì còn sót lại sau khi Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường trước đó đã cho phân tán phần lớn của cải kho tàng đi [cất giấu ở] các miền khác của đất nước?

François Thierry / Thái Hà Books & NXB Hà Nội

SÁCH HAY