Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những hầm hố chôn giấu vàng bạc trong Tử Cấm thành Huế

Khi người Pháp bắt giữ được vua Hàm Nghi, người ta đã tìm được trên người vua một tài liệu gồm một danh sách chỉ ra mười nơi cất giấu nén vàng, nén bạc trong khu vực Tử Cấm thành.

Nhà cầm quyền bảo hộ dần hồi nắm giữ tất cả kênh tài chính của triều đình Huế, buộc triều đình, để thỏa mãn nhu cầu, phải tìm ra những giải pháp tạm thời. Chiếu chỉ vương triều ngày 15 tháng 8 năm 1889 thậm chí phải thông qua số tiền chính quyền bảo hộ trợ cấp hàng tháng cho chi tiêu riêng của đức vua là 3.500 piastres. Dù một loạt chi tiêu khác, trước đây do nhà vua chi trả, giờ đã chuyển qua ngân sách của chính quyền bảo hộ, thì số tiền trên vẫn không đủ đáp ứng.

Giải pháp tạm thời thứ nhất đó là lấy từ những gì còn lại trong kho báu và chuyển đổi lạng vàng, nén bạc thành đồng tiền đang lưu hành được chấp nhận trên thị trường thế giới.

Vào cuối năm 1898, nhà vua quyết định chuyển đổi dự trữ bằng kim loại bạc của mình thành đồng bảng Anh: nhà vua cho bán ra khoảng 70.000 nén bạc, tương đương khoảng 27 tấn kim loại này. Những nén bạc này từ đâu xuất hiện?

Toàn bộ nén bạc được trả vào năm 1886 theo với phần một nửa kho báu, lên đến con số hơn 38.000 nén; thêm vào đó là 30.000 nén tương ứng với khối lượng cất giấu ở ba nơi trong cung điện được vua Đồng Khánh cho khai quật thu hồi: tính toán như thế thì chúng ta có được con số tương đối tương đương với việc giao dịch tài chính nêu trên của nhà vua.

Chuyện giao dịch này được thực hiện qua trung gian của Ngân hàng Đông Dương, nghĩa là nhà cầm quyền bảo hộ nắm biết rõ. Hình như Ngân hàng Đông Dương đã chọn đồng tiền vàng của Anh được đúc ở Australia vì sẽ được món lời lớn hơn so với khả năng phải chọn mua đồng tiền của Pháp.

Câu hỏi đặt ra là tại sao nhà vua đã không mua vàng ở dạng thỏi nén, mà làm như vậy thì nhà vua sẽ tránh phải trả những phí hoa hồng được tính theo vàng đã chuyển thành tiền.

Với những đồng tiền thưởng bằng vàng hay bằng bạc, người ta có dự trữ để tưởng thưởng cho quan lại trung thành, cho viên chức, sĩ quan và kỹ sư người Pháp, những vị này vốn sính những món huân huy chương lạ lẫm xứ người.

Những nén vàng, hay những gì còn lại (bằng vàng], tạo thành một nguồn dự trữ để đúc tiền thưởng với niên hiệu Thành Thái. Thời gian đầu, những đồng tiền thưởng thời Thành Thái khá thô tháp, chạm khắc thô sơ, thậm chí một số đồng tiền thưởng được chế tác với tấm vàng mỏng được hàn ghép lại với nhau theo một tấm lõi kim loại thô.

Kho bau kinh thanh Hue anh 1

Khu vực trung tâm Tử Cấm Thành Huế ngày nay. Nguồn: kienthuc.

Sau đó, vào đầu thế kỷ XX, theo chỉ dẫn của chính quyền bảo hộ, vào “ngày mồng 10, tháng thứ 6, năm Thành Thái thứ 15 (ngày 2 tháng 8 năm 1903), viện Cơ Mật lệnh cho Nội Vụ phủ đúc những đồng kim tiền mới bằng vàng ròng, nhằm ban thưởng xứng đáng cho người Âu và quan lại đã có những công trạng đặc biệt”.

Việc đúc tiền lần này được giao cho một công ty Pháp chế tác thành những đồng tiền thưởng với trang trí hoa văn phương Đông lấy cảm hứng từ nghệ thuật “xứ An Nam” (art "annamite" sic).

Như thế, nhà vua An Nam đã phải bán đi dự trữ nén bạc. Nhưng may thay, theo với một loạt tình huống ngẫu nhiên, nhà vua đã sớm có lại những dự trữ về kim loại bạc.

Khi người Pháp bắt giữ được vua Hàm Nghi vào cuối năm 1888 nơi vua ẩn náu tại vùng Tá Bào, người ta đã tìm được trên người vua một tài liệu gồm một danh sách chỉ ra mười nơi cất giấu nén vàng, nén bạc dưới nền nhà trong khu vực Tử Cấm thành tại kinh thành Huế .

Những lý do chưa được làm rõ (có thể nên nghiên cứu tìm hiểu theo hướng nhà vua ở vào tình thể có nhu cầu tìm nguồn tài chính), chính quyền bảo hộ, dù đã có trong tay tài liệu nêu trên từ năm 1888, phải mãi đến mười năm sau, vào năm 1899, mới đi đến thỏa thuận với Thành Thái để cho tìm kiếm những chỗ cất giấu bí ẩn, hay ít ra những nơi cất giấu đã không vào tay vua Đồng Khánh, người hẳn đã biết những nơi cất giấu kho báu trước cả khi vị vua anh em của mình bị bắt giữ.

Ngày 3 tháng 8 năm 1899, ở sân phía sau của cung Cao Minh Trung Chính, người ta phát hiện ra một hố xây hình vuông, có cạnh là 1,8 mét, ẩn cách mặt sàn 1 mét. Hố được đậy lại với một tấm đá cẩm thạch, trên tấm đá có đặt một đồng tiền vàng và mười tám đồng tiền lớn bằng đồng được trang trí với những câu châm ngôn về luân lý; trên đó có khắc ghi dòng chữ “năm Ất-Vị (sic) triều vua Minh Mạng [1835], một trăm nghìn [lạng (sic)] cần được muôn đời sau bảo tồn vĩnh viễn để vương triều (l’Etat sic) khỏi phải lo lắng khi cần chi dùng”.

Trong hố cất giấu, người ta đã tìm thấy 9.991 nén bạc loại 10 lạng, như vậy gần như tương ứng với số 100.000 lạng được nêu ra. Hai ngày sau đó, giữa hai cung Hoàng Phúc và Thanh Hạ Thư, người ta lại khai quật một hố thứ hai tương tự như hố đầu tiên, được đậy với tấm đá có khắc dòng chữ “năm Quý-Tỵ (sic) triều Minh Mạng [1833], một trăm nghìn lạng bạc truyền lại cho hậu duệ chúng ta, kho báu vương triều là sung túc”, trên tấm đá có đặt một đồng tiền bạc và hai mươi chín đồng tiền lớn có ghi những câu châm ngôn về luân lý. Hố cất giấu này chứa 9.992 nén bạc.

Ngày 16 tháng 8 năm 1899, ở sân sau của cung Trường Xuân Tiên, một hố thứ ba được phát hiện với tấm đá che có dòng chữ Minh Mạng, tuần trăng thứ 9, một trăm nghìn lạng (sic) bạc bảo quản nghìn năm để vương triều sử dụng vì sự hưng thịnh”, ở hố này đếm được 9.989 nén bạc.

Ngày 7 tháng 9 năm 1899, ở lối đi giữa cổng Tương Loan và Tĩnh Quan Viện, một hố thứ tư được phát hiện, cất giấu 9992 nén bạc, tấm đá che trên có dòng chữ “năm Ất-Vị [sic, có lẽ là năm “Ất Mùi”], triều Minh Mạng [1835], một trăm nghìn lạng bạc được bảo quản cho muôn đời muôn năm, để sử dụng cho sự hưng thịnh của vương triều”.

Ở sân trước của điện Di Nhiên, người ta tìm thấy một hố rỗng: khi chất vấn gia nhân của cung điện thì được biết là vài năm trước đó, vua Đồng Khánh đã phát hiện ra hố chôn này và chiếm lấy những nén được chôn giấu ở đây.

Việc tìm kiếm các hầm hố của cải ngưng lại vào ngày 12 tháng 9, lý do liên quan đến vấn đề không mấy rõ ràng về thuế má, phía Sở Hải quan muốn thu toàn bộ khối kim loại mà phía Ngân khố [chính quyền bảo hộ] muốn chuyển đổi thành vàng và chuyển ra nước ngoài để đầu tư lấy lời. Toàn bộ lượng kim loại thu được từ các hố chôn lên đến 39.964 nén loại 10 lạng, tương đương hơn 15 tấn bạc.

Mặc cho triều đình Huế yêu cầu [được nhận lấy], đúng theo sở nguyện của vua Minh Mạng được ghi rõ ra văn bản trên các tấm đá đậy hố chôn, những nén bạc của các hố thứ nhất, thứ ba và thứ tư đã được thu nộp vào Ngân khố, vốn từ ngày 15 tháng 8 năm 1898, đã thuộc sự quản lý của chính quyền bảo hộ của Pháp: nộp vào Ngân khố cả những đồng tiền đặt trên các tấm đá.

François Thierry / Thái Hà Books & NXB Hà Nội

SÁCH HAY