Jules Sylvestre về phần mình đã muốn chứng minh là, vào trước ngày xảy ra biến cố (ngày 5/7/1885), giá trị của kho báu [triều Nguyễn], không chỉ dừng ở mức 9 triệu, mà phải lên đến 378 triệu [quan Pháp].
Để đạt đến con số cực kỳ lớn này, Sylvestre đã vận dụng các phép tính cầu kỳ uyên thâm. Đầu tiên, ông cho rằng ngân sách [triều đình Huế] năm 1878, mà ông được cung cấp thông tin, và tiếp đó ông đã “điều chỉnh”, trong một buổi họp với quan lại tại Bắc Kỳ, tương ứng với ngân sách hàng năm là ngân sách mẫu dưới các triều liên tiếp từ vua Minh Mạng (1820-1840), vua Thiệu Trị (1841-1847) đến vua Tự Đức (1848-1883) và tiếp theo những năm 1884, 1885.
Sylvestre tính toán số tiền dôi ra không sử dụng của năm đó [1878], rồi nhân với số năm dự trù: dẫn đến con số là 505.554.020 xâu tiền, tương đương 378.415.515 quan Pháp, vì ông đề ra giá trị 0,75 quan Pháp tương đương với một xâu tiền (ligature sic).
Về giá trị kho báu, con số của Sylvestre được ước tính quá sức cao. Nhận xét như vậy có nhiều lý do. Số tiền [triều đình] thu được ước lượng là 39.448.244 xâu tiền, nhưng theo những thông tin mà Bộ Ngoại giao [Pháp] có được cho năm đó, số tiền chỉ là 5.798.925 xâu tiền, chênh lệch giữa hai con số là gấp 6 lần! […]
Nhưng Sylvestre đưa ra một con số [lớn đến] như vậy vì mục đích hay lợi ích gì? Đầu tiên hết, Sylvestre có chuyện ân oán cần giải quyết với tướng Philippe-Marie André Roussel de Courcy: không những De Courcy đã bắt Sylvestre ở lại Hà Nội khi các biến cố tháng 7/1885 [tại Huế] nổ ra, mà còn ra tay không kể gì đến những nhận xét tính toán của Sylvestre, do đó De Courcy đã làm đổ vỡ một chính sách rất khôn ngoan tài tình mà Sylvestre đã tự thân lên kế hoạch hơn một năm trời.
Và thực tế là, vào cuối tháng 7 năm đó, De Courcy đã phải cho vời khẩn cấp Sylvestre vào Huế. Ngoài ra, Sylvestre mong muốn chỉ ra rằng những than vãn của triều đình về [thiếu thốn khó khăn] tài chính là không có cơ sở, và rồi cuối cùng, như chúng ta sẽ đề cập sau này, Sylvestre muốn đề cao việc bản thân thu hồi được một phần các nén vàng, nén bạc ở vùng Quảng Bình.
Sách Kho báu kinh thành Huế sau ngày thất thủ kinh đô. Ảnh: M.C. |
Ý tưởng chính yếu của Sylvestre đó là hai quan Phụ chánh [Tường và Thuyết trước đó] đã di chuyển kho báu về Tân Sở và các tỉnh phía bắc, và rằng chỉ có một chiến dịch được quân đội [Pháp] hỗ trợ mới có thể thu hồi lại được tiền bạc của cải, từ đó xây dựng lại kho lẫm kho báu của vương triều Huế theo hướng phục vụ cho công cuộc bảo hộ [của Pháp].
Điều chắc chắn là một phần kho báu [triều Nguyễn] đã thoát khỏi tầm tay của người Pháp, cho dù, theo thời gian, phần [kho báu] như vậy đã được thổi lên đến mức mà những tư liệu đầu tiên có được không thể nào khẳng định. Bài vè [Thất thủ Kinh đô] xuất hiện vào những năm 1900-1910, nhắc lại: “Người ta chở về Tân Sở kho báu nhà vua, nào là nén vàng, nén bạc, nào là ngọc ngà châu báu”.
Sylvestre muốn đóng vai trò chủ chốt hàng đầu trong vụ việc, cho rằng khi “tình thế buộc [hai Phụ chánh] Tường và Thuyết bộc lộ con người và mưu đồ thực sự”, thì trước đó tất cả số vàng bạc của hoàng đế An Nam đã được cất giấu xong đâu đó khắp xứ sở. Chính vì thế, theo Sylvestre, khi kinh thành thất thủ, người Pháp đã chỉ thâu tóm được phần nén vàng, nén bạc cùng những đồng tiền thưởng “còn sót lại” với tổng trị giá [chỉ] lên đến 13 triệu quan Pháp.
Của chẳng đáng gì [theo Sylvestre] so với hàng trăm triệu quan Pháp mà Sylvestre cho rằng đã bị tẩu tán khắp đất nước, mà Tôn Thất Thuyết và triều đình Huế đang bôn tẩu có thể tùy nghi sử dụng. Việc tẩu tán theo giả thuyết như vậy sẽ ám ảnh lâu dài các vị công sứ khâm sứ, các sĩ quan, các nhà báo ở vùng Đông Dương: theo những giới này, bất cứ cuộc nổi dậy ngoan cố, người nổi loạn lì lợm nào cũng đều có thể liên quan đến số vàng bạc của triều đình Huế được cất giấu đi [nay đem ra sử dụng chống Pháp].
Tuy nhiên, nhiều nhân chứng nói ngược lại những khẳng định của Sylvestre, cả về những chuyến di chuyển kho lẫm, cả về những gì được tìm thấy ở hoàng cung [Huế]. Sau sự kiện đêm ngày 4/7, quan Phụ chánh [đại thần] Nguyễn Văn Tường nói với Palasne de Champeaux rằng, ngay từ đầu tháng 6, chính ông với Tôn Thất Thuyết đã cho chở ra Tân Sở một lượng lớn nén bạc lên đến con số 300.000 lượng (nghĩa là gần tương đương với số tiền bồi thường chiến phí mà Việt Nam phải trả cho Pháp mỗi năm, chiếu theo hòa ước ký tại Sài Gòn): số tiền như thế tương đương với 600 hòm tiền cần phải chuyên chở. […]
Hẳn nhiên, Tôn Thất Thuyết đã thận trọng phân phối các hòm của cải ở một số tỉnh thành để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến, rồi tiếp đó đoàn ngự giá cũng mang theo rương hòm của cải mà Tôn Thất Thuyết sẽ mang đi cất giấu. Lời kể về chuyến xuất thành của vua [Hàm Nghi] cho thấy, trong giai đoạn đầu, đoàn người trốn chạy vẫn còn mang theo mình một số hòm chứa nén bạc, vài hòm chứa nén vàng và một lượng rất nhỏ các đồng tiền thưởng bằng vàng, nhưng lời kể cũng cho thấy, vào giai đoạn cuối chuyến đi gian khổ bi tráng, các chỉ huy nổi dậy và triều đình đã rơi vào cảnh khốn khổ khốn cùng.
Một lượng nén vàng bạc được quân Pháp cùng với lực lượng cấp tỉnh thu lại được tại Quảng Bình nhưng khó có thể liệt kê rõ được số lượng. Sylvestre nói là ông “chỉ mất ba ngày tìm kiếm để phát hiện và thu hồi về cho ngân khố Quảng Bình” một phần của kho tàng kho lẫm [triều đình] mà ông ước tính có đến 2.516 nén vàng và 5.850 nén bạc, với giá trị lên đến “gần bốn triệu [quan Pháp]”. Nhưng lời kể của chính Sylvestre về những ngày tháng đó tuyệt đối không cho phép đi đến những con số như vậy. […]
Nhưng các con số [về kho báu] vẫn không ngừng mê hoặc làm quay cuồng một số người: năm 1895, Charles Gosselin, người tự nhận nắm được những thông tin mật từ chính miệng vua Hàm Nghi, đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Thuộc địa cho tiến hành dẫn dắt một chuyến thám sát để tìm lại kho báu bí ẩn ở vùng Quảng Bình mà ông ước tính khoảng hơn 60 triệu quan Pháp! Vì biết nhân cách đặc biệt và tính khí hoang tưởng của nhân vật Gosselin, giới chức đã không thông qua một chuyến phiêu lưu tìm kho báu như vậy.
Trong lúc Sylvestre và De Courcy đo đếm cân đong nén vàng, nén bạc thu được và mọi người tự hỏi về tầm vóc ban đầu của kho lẫm kho báu vương triều thì [một câu hỏi khác được đặt ra:] phía triều đình Huế trên đường trốn chạy có còn thực sự đủ vật lực tài chính để đảo ngược tình thế, để trang trải đáp lại lòng trung thành nhiều phần chao đảo của quan lại thân hào, hay chỉ đủ để trả lương vài đội lính thú đang hộ giá trong một chuyến ra đi thật phiêu lưu.