Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kho báu vương triều An Nam sau ngày Đồng Khánh băng hà

Đức vua băng hà, lại thêm một lần cướp bóc hôi của và thêm một cơ hội cho giới chức cầm quyền phía Pháp can thiệp trực tiếp vào việc quản lý của cải kho lẫm của vương triều An Nam.

Cuối tháng giêng năm 1889, sức khoẻ vua Đồng Khánh có những dấu hiệu đáng lo: ngày 26, trở về từ một chuyến đi thanh tra các nơi, tổng trú sứ Pháp được tin vua đã liệt giường từ mươi ngày! Ngày hôm sau, bác sĩ Cotte, bác sĩ trưởng bệnh viện tại Thuận An, được mời vào cung để chẩn bệnh cho nhà vua, ông nhận thấy “long thể” đã rã rời suy yếu: long nhan nhợt nhạt, rất yếu ớt, đổ mồ hôi rất nhiều, mạch rất cao.

Bác sĩ Cotte chẩn đoán ngay có khả năng sốt rét thể rất nặng dẫn đến sự suy kiệt tột cùng, khởi đầu cho thể trạng suy nhược. Bác sĩ người Pháp nói rõ là bệnh nhân đang ở tình trạng nguy hiểm đe dọa mạng sống do sốt ác tính: ông chỉ định điều trị ngay bằng sulfate de quinine [ký ninh] và chất chiết xuất từ cây quinquina. Bác sĩ Cotte trở lại thăm khám cuối buổi sáng ngày 28, bệnh tình nhà vua đã trở nặng: nhà vua băng hà vào tối hôm đó.

Tin nhà vua mệnh chung được loan chính thức vào ngày 31 tháng giêng năm 1889. Thi hài nhà vua trong bộ long bào, phủ kín với lụa là và ngọc ngà, được quàn nhiều ngày tại điện Cần Chánh. [...]

Ngay lúc hoàng hôn ngày hôm đó, một cánh cửa của cung điện vua bị phá vỡ và rồi ngay đêm hôm đó và ngày hôm sau, mẹ của vua và gia nhân lọt vào để mạnh nấy cướp bóc của cải: chỉ trong vòng hai ngày, người ta chứng kiến không dưới một trăm hai mươi người phụ nữ và gia nhân khuân vác ra khỏi cung điện nào túi nải nào thùng kiện đầy ắp.

Kho bau kinh thanh Hue anh 1

Ngai vua triều Nguyễn ở Điện Thái Hòa. Nguồn: baotangcungdinh.

Hai bà hoàng thái hậu đã lớn tuổi, bà Từ Dũ, nay đã mù, và hoàng hậu Trang Ý, bất lực trước cảnh tượng cướp bóc như vậy. Ba ngày sau, hội đồng phụ chánh và nhà cầm quyền Pháp mới can thiệp để chấm dứt chuyện cướp phá. Tổng trú sứ Rheinart nắm lại tình hình: trong hồi ký của mình, ông kể ông đã báo tin cho hoàng thái hậu Từ Dũ rằng tất cả phụ nữ trong cung cấm sẽ bị cầm giữ “cho đến khi tìm lại được mọi của cải”.

Rheinart cho thẩm vấn những người được vua Đồng Khánh sủng ái: qua đây được biết là ông Phan Tân đã nhận từ đức vua 2.000 nén bạc và đã tiêu pha hết một nửa. Rheinart yêu cầu cho lập một danh sách chính xác về của cải kho lẫm của hoàng triều.

Và từ ngày 13 tháng 2 (1889), cùng các thành viên của hội đồng phụ chánh, trong số này có hoàng tử Tuy Lý, Rheinart đích thân tiến hành việc kiểm tra dinh thự cung điện. Tổng trú sứ Rheinart kể lại rằng “mỗi bước ông đi trong cung cấm là mỗi phát hiện dấu tích cướp phá cướp bóc trước đó”.

Việc kiểm tra bắt đầu từ nhà hát hoàng cung, nơi đây phát hiện hai hòm lớn, người ta quyết định ngày hôm sau sẽ mở ra. Rồi lại phát hiện những “rương hòm chứa nén bạc và lượng bạc, vài đồng tiền thưởng (bốn hòm chứa đến hơn 1.000 lượng [?])”; tiếp đó lại phát hiện 18.989 nén bạc, tổng trọng lượng lên đến hơn 7 tấn bạc, có giá trị là 284.000 piastres.

Rồi lại tìm thấy “ngọc ngà, châu báu, tiền thưởng kim khánh của vua với đá quý kim cương, 6 hay 7 thỏi vàng có xuất xứ từ việc nấu chảy đồ trang sức, và đồ trang trí trên áo mũ hoàng gia”. Của cải kho báu của đức vua không dừng lại ở chừng đó: còn phát hiện ở một nơi trong hoàng cung 450.000 đồng piastres phân bố vào ba nơi cất giấu ở hai cung điện Hoàng Phước và Quảng Ninh; phía sau điện Cao Minh, người ta còn phát hiện một nơi cất giấu của cải thứ tư. Ngày hôm sau nữa, người ta còn phát hiện ở điện Lương Tâm hơn 100.000 đồng piastres.

Chính qua lần kiểm tra như vậy mới thấy hết sự hấp dẫn lôi cuốn của lối sống xa xỉ kiểu Pháp đối với vua Đồng Khánh, và mức độ hoang phí tốn kém của vị vua mới băng hà. Trong điện Lương Tâm, những người kiểm tra đã chứng kiến cả mớ đủ thứ của cải không thể tưởng tượng được: những rương hòm chất đống đầy ắp đủ thứ vật dụng rất khác nhau, những đồ bằng ngọc, những sừng tê giác, những lọ dược phẩm, đồ chơi đủ loại, nước hoa, nước khoáng...

Người ta còn tìm thấy hàng cây số vải vóc lụa là đắt tiền của Pháp, xuất xứ từ một công ty của thành phố Lyon, bàn ghế bằng gỗ chế tác đẽo gọt tinh tế từ một nhà sản xuất của thành phố cảng Marseille, những đồ dùng bằng pha lê hay sứ, áo quần đắt tiền, đồ dùng bằng bạc…

Nhiều đồ dùng do Pháp sản xuất có đóng dấu niên hiệu hoàng triều và tất cả được mua từ Pháp, chủ yếu là từ thủ đô Paris. Rheinart ghi chép là ông đã bắt gặp những chiếc giầy dành cho phụ nữ và một bức ảnh của Pène-Siefert (sic)!

Vài năm sau đó, vào năm 1914, Philippe Eberhard sẽ mô tả cái đống của cải lộn xộn đó, được chất đống trong một thứ “nhà ăn” của cung điện: “Chất đống tất cả những thứ rất khác nhau như vậy về nguồn gốc xuất xứ, về giá trị nghệ thuật làm cho khách viếng thăm có cảm giác rất khó chịu. Và chúng ta chỉ mong sao nay mai những của cải quý giá như vậy của Hoàng cung sẽ được trưng bày phân bố lại một cách vừa hợp lý vừa thẩm mỹ hơn”.

Ngoài những đồ vật trông thảm hại như vậy, Rheinart và hoàng tử Tuy Lý còn có một khám phá thật kỳ lạ: phía trên bàn làm việc của mình, vua Đồng Khánh còn cho bố trí một bục hành lễ với những khám thờ, nơi đức vua có những buổi lễ bí mật, khấn vái một vị thần linh mà bản thân đức vua tự xem mình là người em út, là nhờ vị thần này mà ngài đã được lên ngôi vua…

François Thierry / Thái Hà Books & NXB Hà Nội

SÁCH HAY