Sáu tháng đã trôi qua, từ lúc vua Đồng Khánh lên ngôi cho đến khi [Tổng trú sứ] Paul Bert đặt chân đến xứ An Nam, nghĩa là thời điểm mà nhà vua sắp tiếp nhận phần kho báu của mình.
Sáu tháng với một tình thế thật kỳ lạ: tình thế dưới quyền lực quân sự của tướng De Courcy. Tiếp đó, với một vị vua ngoan ngoãn dễ bảo, Paul Bert và những người kế nhiệm nỗ lực đưa nước Việt Nam vào một cơ chế bảo hộ thực sự.
Paul Bert ngay tức khắc có một động thái quan trọng chỉ có thể làm hài lòng nhà vua: “ông trao lại cho nhà vua một phần kho báu của vương triều, vốn đã bị niêm phong sau cuộc tấn công vào ngày 5 tháng 7”. Như thế, theo với quyết định từ ba bộ có liên quan [trong chính phủ Pháp], vua [Đồng Khánh] nhận lại một nửa kho báu, nghĩa là một khối lượng vàng và bạc không phải nhỏ: hơn 1,3 tấn vàng và 14,6 tấn bạc.
Vua Đồng Khánh về sau sẽ viết cho Tổng thống Pháp: “Sau đó đến lượt ngài Paul Bert đến với chúng tôi, ngay khi đặt chân đến đây, ngài Tổng công sứ, nay ngài không còn nữa, đã bắt đầu bằng việc trao trả cho chúng tôi kho báu kho lẫm và của cải của chúng tôi”. Nhưng có nhiều chỉ dấu cho phép nghĩ rằng nhà vua trước đó đã sở hữu một lượng tiền của đáng kể xuất xứ từ kho báu, được trao cho nhà vua trước ngày 5 tháng 7.
Hình ảnh vua Đồng Khánh trên bìa sách Le trésor de Huê - Une face cachée de la colonisation de I’Indochine. |
Chúng ta cũng còn nhớ, con người lúc đó chỉ mới là hoàng tử Chánh Mông, trên đường chạy trốn đã làm rơi vãi những đồng tiền thưởng ngài mang theo. Rồi sau đó, khi đã lên ngôi, chúng ta chứng kiến đức vua ban phát một cách dễ dàng những đồng tiền vàng cho các quân nhân Pháp. Vào dịp Tết năm 1886, nhà vua không ngần ngại ban phát rộng rãi các đồng tiền thưởng cho sĩ quan, quân lính và giới dân sự phía Pháp.
Tướng Prudhomme “thời gian sau khi được thông báo, đã nhận được các huy hiệu huân chương [nghĩa là các đồng tiền thưởng] được mang đến cho tướng quân với đầy đủ nghi lễ nghi thức hoành tráng. [Quà tặng] Gồm những đồng tiền thưởng bằng vàng với các mẫu khác nhau, với đề nghị phân phát ngay cho quan quân để mang vào phô trương trong buổi duyệt quân vào buổi chiều”.
Vua rất hào phóng, đích thân tặng cho tướng [Prudhomme] một đồng tiền thưởng bằng vàng: theo mô tả của thiếu tá Jullien thì đó là đồng 1 lạng (khoảng 38,5g) loại vạn thế vĩnh lại (sic), “một vạn thế hệ vẫn trường tồn niềm tin”, cộng thêm “một thanh kiếm tuyệt đẹp, giá ước chừng khoảng hai nghìn quan Pháp” và “một bộ áo quần dành cho quan lại cũng giá trị như vậy”.
Vua Đồng Khánh, được đặt lên ngôi báu và có lại được kho báu, giờ đây hy vọng có thể có được một sự tự chủ nào đó từ ông Tổng công sứ Pháp. Nhưng điều nhà vua không biết đó là Paul Bert thực sự muốn đưa đường dẫn lối cho cái chưa chính thức là “Đông Dương” [thuộc Pháp], mà nay cũng chẳng còn hoàn toàn là đế chế An Nam, sẽ trở thành một hình thái hệ thống [người Pháp] cai trị hành chính trực tiếp: cần phải hiểu “hành chính trực tiếp” đó là một sự lãnh đạo không còn bàn cãi của phía Pháp và sự thi hành của các công chức địa phương chỉ biết vâng lời.
Ý kiến này được triển khai rõ ràng trong vấn đề quyền lực tại Bắc Kỳ, một vấn đề có liên quan với vấn đề tài chính của triều đình Huế. Do những nhu cầu chi tiêu của triều đình, và nhất là về phần nhà vua, vấn đề tài chính ngày càng trở nên quan trọng hơn nữa. Nhà vua “cho hóa giá” những quyền hạn tại Bắc Kỳ cho quan kinh lược, nghĩa là cho tổng công sứ: mỗi năm nhà vua được nhận 380.000 xâu tiền (tương đương 285.000 quan Pháp) cộng thêm 380.000 đấu gạo (mesures de riz sic) lấy từ việc thu thuế tại Bắc Kỳ. Nhưng một lời hứa như vậy chỉ có giá trị với những người đã đưa ra lời hứa.
Bihourd, người kế nhiệm Paul Bert, sẽ nói rõ: theo điều 11 hòa ước Patenôtre ký năm 1884, việc thu và sử dụng tiền thuế tại Bắc Kỳ là thuộc thẩm quyền các tổng công sứ và chỉ một phần dôi ra còn lại mới được trao cho triều đình Huế. Do vậy, không thể nói trước về số tiền sẽ rót cho triều đình Huế. Người ta trao đổi với nhà vua, nếu thu được tiền thuế lên đến 10 triệu xâu tiền, thì sẽ rót lại cho nhà vua 1,5 triệu.
Triều đình Huế tìm cách thương lượng và phái ông Nguyễn Hữu Độ đàm phán để yêu cầu được nhận 4 triệu xâu tiền. Đương nhiên Bihourd từ chối một số tiền như vậy và đề ra một biện pháp khác: trong chừng mực có thể, bố trí vào trong bộ máy hành chính trung ương và địa phương của vùng Bắc Kỳ những quan lại công chức xuất thân ở Bắc Kỳ, như thế để làm giảm hơn nữa ảnh hưởng của triều đình Huế.
Về phía triều đình, điều này có nghĩa là thu nhập lương bổng của các quan đại thần, các hoàng tử, hoàng thân quốc thích hoàng tộc và của ngay chính nhà vua sẽ bị giảm trừ đi rất nhiều. Và thực vậy, Richaud, Toàn quyền Đông Dương [9/1888 - 5/1889] mới nhậm chức, vào yết kiến vua Đồng Khánh ngày 27 tháng 9 năm 1888, đã không thể không đưa ra lời nhận xét: “Chúng ta đã không còn ở vào thời của vua Tự Đức. Cái triều đình An Nam này, vừa trải qua bao chuyện không may dị thường, nay thực sự đã mất đi hào quang, mất đi cảnh bày biện nghi thức tráng lệ xa hoa”.
Người Pháp có chiếm đóng một số khu vực lãnh thổ vương triều và rồi nắm giữ quyền hành chính của đất nước, phần lớn quan quân triều đình Huế, về sâu xa, chẳng lấy chuyện đó mà phản đối, chừng nào người Pháp vẫn rót đủ tiền bạc cho triều đình để duy trì thang bậc vương triều và cung cách sống vương giả.
Nhưng, có thế nào đi nữa, một sự sụt giảm thu nhập không thể là hệ quả của chính sách phục tùng của vương triều. Do đó, trong nội bộ triều đình giờ đây, đã có tiếng ra tiếng vào tỉ tê những từ như là “thỏa hiệp nhu nhược” (complaisance) và “lãng quên quyền lợi quốc gia” (oubli des intérêts nationaux sic).