Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khối của cải vàng bạc từ Huế chuyển đến Pháp năm 1886

Vào tháng 7 năm 1886, kho báu được chuyển từ Huế về Sài Gòn, rồi từ đây đóng thùng có niêm phong để lên tàu chở về cảng Marseille.

De Courcy bắt đầu lo lắng cho ngày mai của khối nén vàng, nén bạc: Với Bộ Chiến tranh, ông đề nghị sử dụng một phần kho lẫm này để trả tiền cho việc tổ chức “các đội quân bản địa”, rồi ông giải thích “cần thiết phải phái một chuyến tàu, với những chuyên gia có trình độ, chở [các báu vật nghệ thuật cùng với] kho báu về Pháp”.

Nhưng, trước cả khi diễn ra việc truất phế vua Hàm Nghi, vấn đề trao trả kho báu cho triều đình đã nhanh chóng trở thành chủ đề tranh luận rất nóng sốt: “Người ta bàn chuyện trao trả kho báu cho lũ khốn đó à [“à ces b…-” sic]! Chúng ta như thế thật ngây thơ, đúng thế không? Lũ [An Nam] đó sẽ không hiểu gì, trong khi chúng ta thì lại cần thêm bơ thêm thịt cho đĩa rau của chúng ta chứ”.

Trong lúc còn đang bàn cãi, kho báu vẫn ở trong tay của tướng De Courcy: ngày 19 tháng 9, trong dịp lễ đăng quang, “tướng De Courcy đã trao tặng cho mỗi sĩ quan và lính thú một đồng tiền vàng loại lớn, xem đó như huy chương kỷ niệm ngày vua Đồng Khánh lên ngôi. Đó xem như là lần trích ra duy nhất từ kho báu tìm được trong hoàng cung của Huế”.

Cuối cùng, liên quan đến những tác phẩm mỹ thuật của hoàng cung, được gọi là “những báu vật nghệ thuật”, chúng được trao trả cho vị vua mới ngay tức thì khi vua lên ngôi. Trong một bức điện cho Bộ Chiến tranh đánh đi ngày 14 tháng 9, De Courcy thông tin cho cấp trên: “Tất cả báu vật tác phẩm nghệ thuật được quân đội thắng trận thu giữ và cất giữ lúc chiếm đóng thành nội, đã được trao lại tận tay [đức vua]”. Chúng ta còn có một lời chứng chính xác hơn nữa:

“Trong căn phòng lớn dành cho đại lễ, được dùng cho buổi tiếp đón các vị sứ thần, […] tất cả các báu vật quý hiếm, thoát được chuyện cướp bóc hôi của [vào ngày biến cố], được xếp đặt một cách rất đẹp mắt. Trên một bục đặt trước ngai vàng, có các ấn tín bằng vàng, bằng ngọc, thuộc sở hữu các vị vua trước kia, những kim sách với những khắc chạm về những công trạng huy hoàng mỗi triều đại. Ngài tổng trú sứ Pháp trao trả lại cho đức vua Hoàng thành cùng với những báu vật”.

Tức khắc, kho báu trở thành một thách thức đấu tranh mâu thuẫn giữa ba Bộ [trong chính phủ Pháp] trong việc “kế thừa” tiếp quản: Bộ Hải quân và Thuộc địa, cho là đã có tốn kém công của trong chiến tranh ở Bắc Kỳ đồng thời là Bộ chủ quản công việc bảo hộ [xứ An Nam] cho đến ngày 7 tháng giêng năm 1886; Bộ Ngoại giao với tư cách Bộ tiếp quản chủ quản công việc bảo hộ; và Bộ Tài chính, vì đã ứng kinh phí [trong công cuộc mở rộng thuộc địa].

Đầu năm 1886, vì những lý do chủ yếu mang tính chính trị, ba Bộ nêu trên đạt được một thỏa thuận đầu tiên: đồng ý hoàn trả lại cho vị vua mới lên ngôi Đồng Khánh một nửa kho báu, và việc này đã được Paul Bert thực hiện vào tháng 5 năm 1886. Một nửa kho báu còn nắm giữ được ưu tiên dùng để hoàn trả những kinh phí Ngân khố Pháp đã tạm ứng cho những chiến dịch quân sự cộng với những phí tổn về quản trị và hành chính vùng bảo hộ toàn cõi An Nam và Bắc Kỳ. Phần dôi ra nếu còn sẽ được chuyển trực tiếp vào ngân sách chính quyền bảo hộ.

Kho báu tạm thời được giao cho Sở Đúc tiền và Huân huy chương (administration des Monnaies et Médailles sic), thường gọi ngắn gọn là “[Sở Đúc] Tiền Paris” (“Monnaies de Paris”), trực thuộc Bộ Tài chính, để kiểm kê thẩm định giá trị của toàn bộ kho báu quý hiếm, trong khi chờ đợi quyết định những nơi nào sẽ được tiếp nhận.

Vào tháng 7 năm 1886, kho báu được chuyển từ Huế về Sài Gòn, rồi từ đây đóng thùng có niêm phong để lên tàu chở về cảng Marseille: về đến cảng này vào đầu tháng 10. Ngày 6 tháng 10, tại nhà ga Marseille, kho báu được đóng thành 206 thùng chất lên bốn toa tàu được gắn chì niêm phong. Thanh tra của ga Paris [đường tàu] PLM [viết tắt của Paris-Lyon-Marseille-Saint Charles] thông báo cho ông Jean-Louis Ruau, đang là giám đốc Sở Đúc tiền Paris, về “chuyến tàu chở những nén tiền xứ An Nam về ga”.

Kho bau kinh thanh Hue anh 1

Các thỏi vàng và tiền trong kho báu triều Nguyễn. Ảnh: gocxua.

Ngày hôm sau, các ông Frosté, phụ trách kế toán tài vụ của Sở Đúc tiền Paris, và Jambon, kiểm tra viên hối đoái, đến nhà ga để tháo niêm phong và cân lại các thùng chứa tiền. Đầu tiên, họ thiết lập các biên bản kiểm tra 192 thùng đánh dấu chữ A (“argent”), nghĩa là “bạc”, chứa tổng cộng 38.106 nén [bạc] với tổng trọng lượng 14.631 kílô: họ ghi nhận là thiếu mất 27 nén so với danh sách gốc.

Các vị kiểm tra viên lưu ý: “Chúng tôi nhận thấy có khá nhiều nén bạc bị nhiễm cát, do phương cách nấu chảy được vận dụng”. Các vị này thảo ra tiếp biên bản kiểm tra cho 14 thùng đánh dấu chữ O, (“or”), nghĩa là “vàng”, đựng 7635 nén vàng và tiền thưởng bằng vàng, có tổng trọng lượng 1.350, 2291 kg, nhưng họ ghi nhận là có 10 nén lớn nhỏ, tổng trọng lượng khoảng 15,069 kg, là bằng chì được mạ vàng!

Do đó, tổng trọng lượng của các nén và tiền thưởng bằng vàng thực sự chỉ lên đến 1.335,1601 kílô. Ngày 19 tháng 10, ông Frosté gửi các biên bản kiểm tra chính thức lên giám đốc Sở Đúc tiền Paris.

Kể từ thời điểm đó, Jean-Louis Ruau thực sự bị quấy rầy không ngớt qua công văn thư từ đến từ hai Bộ: Bộ chủ quản là Bộ Tài chính, và Bộ Ngoại giao. Bộ Hải quân và Thuộc địa, chấm dứt quyền chủ quản đối với các thuộc địa theo sắc lệnh ngày 7 tháng giêng năm 1886, thì có phần kín tiếng hơn.

Giám đốc Sở Đúc tiền Paris nhận thức ngay là những nén vàng bạc và tiền thưởng như thế [đến từ xứ An Nam] không chỉ là vàng, là bạc mà còn có thể có giá trị lịch sử: ông yêu cầu giới thiệu cho ông một nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử Trung Hoa, hay ít nhất là một người có thể đọc được các dòng chữ ghi trên nén tiền.

Ngày 2 tháng 11, Sadi Carnot [1837-1894], Bộ trưởng Bộ Tài chính, thông tin cho ông giám đốc Sở Đúc tiền là ông đã chuyển cho cơ quan phụ trách các vùng Bảo hộ một bản sao các biên bản của ông Frosté, đồng thời ông đã đề nghị Thủ tướng Charles de Freycinet, cũng đồng thời là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, cho mời ông Gabriel Devéria liên lạc với giám đốc [Sở Đúc tiền] để “tiến hành xem xét những chữ được ghi khắc trên các nén vàng và các đồng tiền cùng loại kim loại chứa trong các thùng mà nội dung chứa đựng đã được ông thông báo”. […]

Freycinet, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, phụ trách các vùng bảo hộ chưa được một năm, đã quan tâm đến vấn đề kho báu. Ông mong muốn thẩm định giá trị của phần thuộc về ông [là Bộ Ngoại giao], và ông đã trao đổi với Sadi Carnot.

Vào ngày 12 tháng 11, Sadi Carnot viết cho giám đốc Sở Đúc Tiền Paris: “Bộ trưởng Bộ Ngoại giao mong muốn được thông tin sớm nhất có thể về tổng số tiền, là giá trị chính xác của toàn bộ của cải nằm trong kho báu An Nam mà [cơ quan] ông đã tiếp nhận. Và ông Bộ trưởng nhấn mạnh là thông tin như vậy cần phải đến tay ông không chậm trễ”. Và rồi mọi việc diễn ra chóng vánh: ngày 3 tháng 12 năm 1886, giám đốc Sở Đúc Tiền Paris nhận được ba văn thư: một viên chức Bộ Ngoại giao, ông De Lalande, gửi cho ông giám đốc một nghiên cứu đầu tiên và một danh mục các loại nén của kho báu [triều đình] Huế.

Một sự ngẫu nhiên thật kỳ lạ, cũng ngay ngày hôm đó, ông giám đốc được Gabriel Devéra, vốn hình như chưa có ai liên lạc tiếp xúc, nhắc lại là sẵn sàng hợp tác để nhận dạng và thiết lập danh mục các loại nén và tiền thưởng. Cuối cùng là ông Bộ trưởng Bộ Tài chính nhắc trở lại đòi hỏi muốn biết ngay số tiền và giá trị chính xác khối của cải vàng bạc của kho báu [triều Nguyễn].

François Thierry / Thái Hà Books & NXB Hà Nội

SÁCH HAY