Người biểu tình tại Tehran đốt cháy một xe môtô của cảnh sát, ngày 19/9. Ảnh: Reuters. |
Trong những ngày qua, các cuộc biểu tình đã nổ ra trên khắp Iran sau khi Mahsa Amini - một người phụ nữ 22 tuổi bị lực lượng “cảnh sát đạo đức” Iran bắt giữ vì “ăn mặc không phù hợp” - tử vong trong lúc bị tạm giam.
Đây là động thái mới nhất của người dân Iran để phản đối quy định trang phục nghiêm ngặt với phụ nữ tại quốc gia Trung Đông này.
Điều gì đang xảy ra tại Iran?
Trong các cuộc biểu tình, một số phụ nữ xé hijab (khăn trùm đầu) - trang phục bắt buộc tại Iran - hoặc ném hijab lên trời. Các đoạn video còn cho thấy hai người phụ nữ ném hijab vào đống lửa. Một phụ nữ khác cắt tóc để phản đối.
Nhiều người Iran - đặc biệt là thế hệ trẻ - coi cái chết của Amini là biểu tượng cho hành vi ngày càng hà khắc của lực lượng cảnh sát đạo đức.
Ở một số nơi, các cuộc biểu tình đã chuyển sang bạo lực. Tại thủ đô Tehran, lực lượng chức năng đã sử dụng hơi cay với người biểu tình. Tính tới ngày 21/9, ít nhất 8 người đã thiệt mạng, AFP đưa tin.
Hãng thông tấn nhà nước Iran IRNA cho biết các cuộc biểu tình đã lan ra 15 thành phố. Người biểu tình ném đá vào lực lượng an ninh và đốt xe cảnh sát, trong khi cơ quan chức năng Iran sử dụng hơi cay và bắt giữ để giải tán đám đông.
Đâu là nguyên nhân biểu tình?
Amini bị cảnh sát đạo đức Iran bắt giữ hôm 13/9 tại thủ đô Tehran, khi đến thăm thành phố này từ quê nhà Kurdistan. Cô bất tỉnh tại một đồn cảnh sát và thiệt mạng ba ngày sau đó.
Nguyên nhân Amini bị cảnh sát đạo đức bắt giữ là đeo khăn trùm đầu quá lỏng. Theo quy định của Iran, phụ nữ phải đeo khăn trùm kín tóc nơi công cộng.
Theo AP, trên thế giới chỉ có chính quyền Taliban tại Afghanistan có điều luật tương tự. Kể cả Saudi Arabia - quốc gia nổi tiếng bảo thủ - đã nới lỏng quy định trong thời gian qua.
Cảnh sát bác bỏ thông tin cho rằng Amini bị ngược đãi. Thay vào đó, họ tuyên bố cô bị đau tim. Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã cam kết điều tra vụ việc.
Gia đình Amini tuyên bố cô vốn không có tiền sử bệnh tim. Họ cũng cáo buộc giới chức Iran ngăn cản họ xem xét thi thể nạn nhân trước khi chôn cất.
Các cuộc biểu tình bùng phát ngay sau lễ tang của Amini tại thành phố Saqqez, tỉnh Kurdistan, và nhanh chóng lan ra nhiều thành phố tại Iran, bao gồm thủ đô Tehran.
Quyền phụ nữ tại Iran
Phụ nữ Iran có toàn quyền đi học, làm việc lẫn giữ các chức vụ trong bộ máy chính quyền. Dù vậy, họ được yêu cầu ăn mặc giản dị nơi công cộng - bao gồm quàng hijab và mặc áo choàng dài. Phụ nữ và nam giới chưa kết hôn không được có hành động thân mật.
Các điều luật này được đảm bảo thực thi bởi cảnh sát đạo đức - lực lượng có mặt ở những địa điểm công cộng. Lực lượng này bao gồm cả nam và nữ.
Dưới thời cựu Tổng thống Hassan Rouhani với tư tưởng ôn hòa, việc thi hành các quy định về trang phục phần nào được nới lỏng. Ông Rouhani thậm chí từng cáo buộc lực lượng cảnh sát đạo đức “quá xông xáo”. Năm 2017, lãnh đạo lực lượng này tuyên bố họ sẽ không còn bắt giữ phụ nữ vi phạm quy định.
Nhưng khi ông Raisi lên nắm quyền tổng thống vào năm 2021, tình hình đã thay đổi. Cơ quan nhân quyền của Liên Hợp Quốc cáo buộc một số phụ nữ trẻ bị đánh vào mặt, đánh bằng gậy và đưa lên xe cảnh sát trong những tháng qua.
Chính quyền Iran phản ứng thế nào?
Các nhà lãnh đạo Iran cam kết điều tra vụ việc, trong khi cáo buộc các nhóm ly khai và thế lực bên ngoài nhân cơ hội để thổi bùng căng thẳng.
Ông Abdolreza Pourzahabi, đại diện của nhà lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei tại tỉnh Kurdistan, tới thăm gia đình Amini hôm 19/9. Trong chuyến thăm, ông Pourzahabi tuyên bố nhà lãnh đạo Iran đau buồn về cái chết của Amini, cũng như khẳng định cơ quan chức năng sẽ bảo đảm quyền lợi của nạn nhân.
Trong khi đó, phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York (Mỹ) hôm 21/9, Tổng thống Raisi cáo buộc phương Tây áp dụng “tiêu chuẩn kép” với quyền phụ nữ. Ông đề cập đến cái chết của những người phụ nữ bản địa tại Canada, cũng như hành động của Israel trên lãnh thổ Palestine.
“Tình trạng tiêu chuẩn kép diễn ra khi sự chú ý chỉ dồn vào một phía, thay vì tất cả”, ông Raisi nói, theo AFP.
Thống đốc Tehran hôm 21/9 cũng cho biết lực lượng chức năng thành phố đã bắt giữ ba người nước ngoài, nhưng không công bố thông tin chi tiết. Theo AP, lực lượng an ninh Iran đã bắt ít nhất 25 người.