Mùa xuân năm 2017, lực lượng quân đội của Iraq tại Mosul đã phát hiện ba súng phản lực chống tăng với một khối chất lỏng kỳ lạ được gắn vào đầu đạn.
Sau khi tìm hiểu, họ kết luận đó là chất tương tự lưu huỳnh mù tạt, một chất độc tế bào gây bỏng da của nạn nhân trong tích tắc và khiến họ gặp vấn đề hô hấp.
Những tên lửa tích hợp vũ khí hóa học kiểu này được coi là thành quả mới nhất của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trong tiến trình sản xuất hàng loạt loại vũ khí nguy hiểm ở Trung Đông.
Những vũ khí của IS tại Iraq. Ảnh: NYT. |
Quy trình vô tiền khoáng hậu
Những nhóm Hồi giáo cực đoan thường tự sản xuất hệ thống vũ khí riêng biệt bởi chúng không thể tiếp cận thị trường vũ khí toàn cầu. Tuy nhiên, đối với IS, quá trình sản xuất vũ khí diễn ra trên quy mô cực lớn với thành quả "không giống bất cứ những gì chúng ta từng thấy".
Theo New York Times, trước khi bị đánh bật khỏi Ramadi, nhóm phiến quân IS đã chôn hàng đống thuốc nổ dưới những căn nhà và nối nó với hệ thống điện.
Chủ nhân của những căn nhà nghĩ rằng họ đã an toàn khi thành phố sạch bóng quân khủng bố. Tuy nhiên, khi một gia đình trở về và bật điện, vụ nổ kinh hoàng đã thổi bay những căn nhà và cướp đi sinh mạng của nhiều người.
Phạm vi và quy mô sản xuất vũ khí của IS cho thấy hiểm họa từ một tổ chức cực đoan đang theo đuổi tham vọng ở cả một vùng rộng lớn mà không có sự kiểm soát từ các nước. Những vũ khí này đã được chuẩn hóa và được sản xuất theo số lượng công nghiệp
"Chúng sẽ lan truyền điều này ra toàn thế giới, đến Philippines, rồi châu Phi", ông Ernest Barajas Jr., người từng nghiên cứu về vật liệu nổ trong các khu vực bị IS chiếm đóng, nhận định.
Người ta từng tìm thấy nhiều bản mẫu vũ khí do chính những phần tử thánh chiến nghiên cứu, từ đạn chứa chất gây bỏng cho đến tên lửa nổ. Phần lớn trong số đó đã được sản xuất trên quy mô lớn nhằm thực hiện những vụ tàn sát kinh hoàng, số còn lại vẫn đang trong quá trình phát triển.
Trước khi rút khỏi các thành phố do sự tấn công của lực lượng quân đội, IS giấu bom mìn trong nhà dân hoặc những công trình dân sự. Ảnh: Getty. |
Trong khi IS đang dần đánh mất quyền kiểm soát ở Iraq và Syria, giới chức các nước đang lo ngại nguy cơ những phần tử cực đoan sẽ di chuyển qua nhiều quốc gia tìm cách chia sẻ công nghệ nghiên cứu, sản xuất vũ khí với nhau.
Một trong những lý do chính khiến hệ thống vũ khí của IS đạt mức tinh vi như hiện nay là do lực lượng này vốn bắt nguồn từ những nhóm cực đoan chống Mỹ trong cuộc chiến ở Iraq từ năm 2003.
Các chiến binh Sunni và Shiite đều có khả năng chế tạo bom dựa trên những loại vũ khí bị quân đội Iraq bỏ lại do thua cuộc trong cuộc chiến với Mỹ vào năm 2003. Không chỉ vậy, chúng còn có thể tự chuẩn bị mọi thành phần, nguyên liệu cần thiết để tạo ra những quả bom chết người. Theo các chuyên gia Mỹ, các nhóm Shiite nhận được hỗ trợ về mặt kỹ thuật từ Iran.
Những tay súng Sunni còn thành thạo trong việc chế tạo vũ khí hóa học. Chúng kết hợp thuốc nổ với chlorine, hóa chất có thể gây bỏng rát và tổn thương hệ tuần hoàn. Tên lửa chứa vũ khí hóa học hoặc những vũ khí cũ từ kho vũ khí hóa học của Iraq trước kia đều được tận dụng tối đa.
IS chiếm các cửa hàng, nhà máy để sản xuất vũ khí. Ảnh: IS. |
Bộ máy kiểm soát tinh vi
Chính thành công của IS trong việc mở rộng địa bàn hoạt động ở Trung Đông đã góp phần vào ngành công nghiệp vũ khí của tổ chức này. IS chiếm các thành phố lớn vào năm 2014 và giành quyền kiểm soát hàng loạt cửa hàng, nhà máy với các dụng cụ như máy ép thủy lực, rèn, các loại máy tự động và máy ép... Chúng cũng chiếm ít nhất một trường đại học kỹ thuật và phòng thí nghiệm nhằm phục vụ cho mục đích nghiên cứu.
Ông Damien Spleeter, người đứng đầu các hoạt động ở Iraq và Syria của tổ chức Nghiên cứu Vũ khí Xung đột, cho biết IS có cả một bộ máy nhằm giám sát việc nghiên cứu và sản xuất vũ khí.
Bộ máy này hoạt động cực kỳ kỷ luật. Dây nổ trong các thiết bị được cung cấp theo từng cm và khi sử dụng hết một vật liệu, những kẻ khủng bố phải điền vào mẫu đơn yêu cầu xin bổ sung.
Những nhà điều tra tìm thấy các bộ phận vũ khí được thiết kế sẵn. Lính IS chỉ cần lắp ráp một cách nhanh chóng trước khi đưa vào sử dụng. Chất nổ cũng được IS sản xuất theo tiêu chuẩn định sẵn với quy mô lớn.
Ông Barajas nhận định chất nổ này là hỗn hợp của phân bón hóa học nitrat amoni và nhôm, vốn được sử dụng trong các cuộc chiến tranh trước đó. Tuy nhiên, để tăng tính "tiện lợi" và khả năng sát thương, IS đã tìm cách thay đổi hợp chất này. New York Times cho biết tổ chức khủng bố đã nhập một lượng lớn nitrat amoni cùng nhiều đoạn ống lớn từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Mìn do IS sản xuất có hình thức tương tự với mìn sát thương VS-50 của Italy, dù có kích thước lớn hơn rất nhiều và được các chuyên gia đặt tên là VS-500. Nhóm khủng bố còn tìm cách "nâng cấp" loại mìn này để nó có khả năng chống nước và tồn tại lâu hơn dưới lòng đất.
IS cũng triển khai thu thập các quả bom do Mỹ ném xuống và tái chế chúng. Một số hình ảnh từng cho thấy các phần tử thánh chiến cắt những quả bom chưa phát nổ của quân đội Mỹ và tìm cách lấy chất nổ ở bên trong.
Bóng ma IS vẫn chưa buông tha nhiều người ở Trung Đông. Ảnh: Getty. |
Tuy nhiên, không phải lúc nào những kẻ khủng bố cũng thành công. Khi những thiết kế vũ khí bị loại bỏ vì không phù hợp, nhóm kỹ sư của IS tiếp tục thay đổi và nghiên cứu.
Theo quan chức chính phủ Mỹ, người từng phân tích về súng chống tăng RPG của IS, loại vũ khí này không bay theo đúng lộ trình và chưa phát huy hiệu quả trong các cuộc tấn công.
IS đồng thời gặp khó khăn với pháo cối chứa các loại hóa chất độc hại. Xút vẩy, thứ có thể gây bỏng và thậm chí khiến nạn nhân chết trong tích tắc nếu hít phải, tìm được tìm thấy ở Manbij, Syria hồi cuối năm 2016. IS dường như muốn đưa xút vẩy vào các khẩu pháo nhưng chúng bị hoen rỉ, khiến chất này tràn ra.
Vũ khí của IS được dùng để chống lại lực lượng quân đội và cảnh sát của các nước. Số khác được dùng để tấn công dân thường. Những kẻ khủng bố không tuân theo luật pháp quốc tế và bỏ qua cả vấn đề nhân đạo khi không ngừng bắt cóc, hành hình và giết hại người dân ở những nơi chúng đặt chân đến.