IS từng chiêu mộ thành viên bằng cách đưa ra những lời hứa hẹn về cuộc sống như thiên đường dành cho những phần tử thánh chiến.
Trong nhiều tháng qua, những kẻ "tử vì đạo" ngã xuống trong những khu mộ tập thể, trong sự căm ghét, kinh tởm của tất cả mọi người.
Ruồi nhặng bay khắp nơi, hàng trăm thi thể đang phân hủy nằm cạnh đống đất đá bụi bặm ở thị trấn Dhuluiyah, nằm cách thủ đô Baghdad của Iraq 90 km về phía bắc. Đó là quang cảnh tại một hố chôn tập thể dành cho những kẻ khủng bố.
Không có thiên đường hay một cuộc sống trong mơ như những gì được hứa hẹn, hàng chục nghìn lính IS bỏ mạng mà không được chôn cất. Ảnh: Getty. |
"Lẽ ra chúng phải nằm trong dạ dày của lũ chó hoang. Chúng tôi chôn lũ khủng bố ở đây chẳng phải vì chúng tôi yêu thương gì chúng mà là do chúng tôi sợ bệnh dịch", sĩ quan cảnh sát Mohammed al-Juburi nói với phóng viên AFP.
IS từng kiểm soát một vùng rộng lớn ở Iraq và Syria, trước khi bị liên quân các nước tấn công dữ dội, khiến hàng nghìn phiến quân khủng bố thiệt mạng. Kể từ khi triển khai không kích ở khu vực này, Mỹ nhận định khoảng 80.000 kẻ khủng bố đã chết.
Con số trên chưa bao gồm những kẻ thiệt mạng dưới nòng súng của quân Nga.
Chôn cất bằng máy xúc
Dhuluiyah vốn là một vùng nông nghiệp nằm bên bờ sông Tigris, người dân lúc nào cũng băn khoăn tự hỏi họ nên làm gì với thi thể của những kẻ khủng bố IS sau khi chúng bị những tay súng Sunni hạ gục.
"Chúng tôi có thể ném chúng xuống sông, nhưng chúng tôi yêu dòng sông này và không muốn nó bẩn. Người dân và động vật ở đây đều uống nước từ sông Tigris", một cảnh sát địa phương cho biết.
Một trận không kích của Mỹ và liên quân nhằm vào IS. Ảnh: IBTimes. |
Cuối cùng, họ quyết định đào hố chôn tập thể. Tuy nhiên, sẽ không có bất cứ nghi thức chôn cất nào dành cho những kẻ đã bán linh hồn cho quỷ dữ.
"Chúng tôi chôn chúng bằng máy xúc. Lũ này từng nói chúng sẽ lên thiên đường để tận hưởng, giờ thì kết cục như thế này đây", viên cảnh sát không giấu nổi sự tức giận.
Hố chôn dành cho những tay súng IS hoang vắng, bẩn thỉu, đối lập hoàn toàn với nghĩa trang gần đó, được bao bọc bằng một bức tường gạch màu đỏ nổi bật.
Đó là nơi chôn cất những liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến chống khủng bố. Họ an nghỉ dưới những nấm mồ được trang hoàng cẩn thận với chân dung đẹp đẽ, dưới những tán cây xanh mướt.
Ở một số nơi khác như Fallujah, những thành viên IS thiệt mạng từ năm 2014, 2015 được chôn cất cẩn thận trong những nghĩa trang. Tuy nhiên, tình hình sẽ sớm thay đổi.
Quân đội Iraq đang tìm cách hất cẳng những kẻ "tử vì đạo" khỏi nơi an nghỉ cuối cùng của chúng. Họ cho rằng quân khủng bố chỉ được phép nằm trong những hố chôn tập thể.
Điều tương tự đang chờ đợi những thành viên IS ở Mosul, thành phố lớn nhất ở Iraq từng rơi vào tay IS.
Tại đây, một chỉ huy cấp cao trong quân đội cho biết chính quyền sẽ dùng thiết bị đào hố chuyên dụng để chôn các phần tử thánh chiến sau khi xác định thông tin và quốc tịch của chúng.
Phân hủy và thối nát
Dọc biên giới Syria, nơi liên quân do Mỹ và Nga dẫn đầu đang ngày đêm "bóp nghẹt" IS, khoảng 50.000 quân khủng bố đã bỏ mạng.
Trong khi cuộc chiến chống khủng bố chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, một vị tướng người Syria từng khẳng định việc xử lý thi thể của lính IS không phải ưu tiên của họ.
Những xác chết phân hủy và thối rữa giữa sa mạc mênh mông. Ảnh: Getty. |
"Chúng tôi chỉ quan tâm đến những gì xảy ra trên mặt đất hơn là việc chôn cất bọn khủng bố", ông nói với AFP. Một số nguồn tin khác cho rằng việc xác định danh tính của những kẻ khủng bố có thể đem lại thông tin có ích cho lực lượng tình báo. Vì vậy, những thi thể ngoài kia ít nhiều vẫn có ích.
Trên những hoang mạc nóng bức, nơi từng là lãnh địa của IS, những thi thể bị bỏ lại, bốc mùi và thối rữa giữa nắng nóng của Trung Đông.
Phát ngôn viên của lực lượng do Mỹ lãnh đạo cam kết sẽ xử lý và chôn cất thi thể của những thành viên IS. Tuy nhiên, những tay súng bắn tỉa hoặc địa hình khó khăn khiến việc này trở nên vô cùng khó khăn. Trong khi đó, hàng trăm xác chết vẫn nằm đó, giữa sa mạc hoang vu.
Ngược lại, IS tìm cách chôn cất những phần tử thánh chiến nổi bật một cách kỹ lưỡng và cẩn mật. Những kẻ bị truy nã bởi cộng đồng quốc tế thường được chôn cất tại một số địa điểm bí mật.
Trong số đó có Mohamed Emwazi, kẻ được biết đến với biệt danh "John thánh chiến" và từng chặt đầu hàng loạt con tin hoặc thủ lĩnh Abu Muhammad al-Adnani.