Cách đây hơn 3 năm, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), lúc bấy giờ còn mang tên Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL), đã tấn công thành phố Mosul, thủ phủ tỉnh Nineveh, cách thủ đô Baghdad 350 km.
Mosul thất thủ chỉ sau 4 ngày. Toàn bộ Nineveh rơi vào tay quân khủng bố sau đó. Lần đầu tiên chúng đã kiểm soát hoàn toàn một tỉnh của Iraq. Cả đất nước rúng động.
Khi cuộc sống hồi sinh
Mosul từng được ví là “tử địa” của các cuộc giao tranh ác liệt giữa quân đội Iraq và IS.
Tháng 6/2014, nhóm khủng bố đẩy quân đội ra khỏi Mosul và giành quyền kiểm soát khu vực sầm uất bên dòng sông Tigris với 2,5 triệu dân. Đây là một trong những thắng lợi mang tính chiến lược nhất của IS.
Vị trí thành phố Mosul trên bản đồ. Đồ họa: Al Jazeera. |
Nhóm khủng bố xem Mosul là cứ điểm quan trọng ở Iraq vì thành phố này nằm gần biên giới, có thể trở thành hành lang chiến lược nối thông hai mặt trận ở Iraq và Syria. Đây cũng là nơi IS tuyên bố thành lập một nhà nước Hồi giáo.
Trong những tháng ngày khắc nghiệt sau đó, thành phố lớn thứ hai của Iraq biến thành một vùng hoang mạc. Nhà cửa sụp đổ, dân cư trốn chạy và nhiều người vô tội thiệt mạng.
Mosul cùng lúc rơi vào khủng hoảng nhân đạo và khủng hoảng kinh tế. Nhóm khủng bố ban hành nhiều quy định mới, cấm nhiều cửa hàng hoạt động. Các hàng rượu, hiệu cắt tóc và ngay cả tiệm đồ chơi cũng đều phải đóng cửa.
Tháng 10/2016, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi phát động chiến dịch tái chiếm Mosul. Sau 9 tháng giao tranh ác liệt, quân đội triệt hạ hang ổ cuối cùng của nhóm khủng bố, giải phóng thành phố hôm 9/7.
Người dân Iraq ăn mừng trong niềm vui vỡ òa. IS bị tống khứ khỏi thành phố đồng nghĩa với việc họ được quay trở lại với những nếp sinh hoạt và thú vui thường thức. Quán xá bắt đầu quay trở lại hoạt động.
Rượu, thuốc lá và shisha
Khi IS chiếm đóng Mosul, Dakheel Amir kể rằng ông đã bỏ lại cửa hàng rượu của mình và chạy trốn về phía bắc, tới quận Shekhan cách đó 45 km, là nơi ông sinh ra. Mua bán rượu là bất hợp pháp theo quy định của IS.
Trước khi thành phố thất thủ, người đàn ông 37 tuổi cho biết bia, whisky, vodka và rượu arak là những mặt hàng bán chạy nhất. Mặc dù đa số người dân Mosul theo dòng Hồi giáo Sunni không uống rượu, thành phố còn có những cộng đồng lớn người Thiên chúa giáo và Yazidis uống các loại rượu này, cũng giống như Amir.
Sau khi thành phố được giải phóng, Amir quay về mở một cửa hàng nhỏ mới vì cơ ngơi cũ ông xây dựng ở phía tây thành phố đã cháy thành tro bụi.
“Doanh thu cao và thậm chí còn tốt hơn trước”, ông cho biết, “Nhưng tôi luôn luôn có cảm giác sợ hãi mơ hồ một điều gì đó”.
Amir thậm chí còn dựng cổng sắt trước cửa hàng để tránh bị tấn công. Mặc dù thành phố đã được giải phóng, Amir nói ông vẫn cảm thấy lo sợ. Ông từ chối cung cấp ảnh về cửa hàng của mình vì lý do an ninh.
Hàng quán ở Mosul bắt đầu hoạt động trở lại sau khi nhóm khủng bố IS bị quân đội chính phủ Iraq quét sạch. Ảnh: Getty. |
Shisha hay thuốc lá cũng nằm trong danh sách cấm của IS. Abu Ali, 57 tuổi, cho biết khi quân khủng bố xâm lược Mosul, ông mất 1 tháng để dẹp cửa hàng. Nhưng điều may cho Ali là có "rất nhiều thành viên IS hút thuốc, thuốc lá trở nên khan hiếm sau lệnh cấm, nên các phiến quân đã tìm đến những nhà phân phối ngầm" để thỏa mãn nhu cầu.
Giờ đây, bán thuốc lá công khai lại được hợp pháp hóa. Ali cho biết cửa hàng nằm ở khu chợ Nabi Yunus của ông là nơi bán những loại xa xỉ nhất.
Thời trang sống lại
Kinh doanh cửa hàng thời trang nữ dưới sự cai trị của IS thực sự là điều rất khó khăn, ông Abdullah Risan, 40 tuổi, thừa nhận.
“Hầu hết quần áo chúng tôi bán đều bị cấm khi bọn khủng bố chiếm đóng”, ông nói, "ngoại trừ thời trang Hồi giáo, chẳng có gì khác ngoài một tấm vải đen”.
Risan từng bán đồ lót, váy và quần jean cho phụ nữ. Nhưng tất cả những mặt hàng này đều bị xếp xó kể từ khi nhóm khủng bố kiểm soát Mosul.
Các mặt hàng thời trang cho nữ giới được bày bán trở lại. Ảnh: Getty. |
IS chỉ cho phép Risan bán loại trang phục che toàn bộ cơ thể người phụ nữ từ đầu đến chân, bao gồm cả bàn tay và bàn chân. Quần áo phải là màu đen đơn giản và không có bất kỳ chữ nào in trên đó, Risan nói.
Thậm chí Risan bị cấm dùng ma nơ canh để giới thiệu các mẫu mã. Đàn ông từng không được phép bán đồ lót phụ nữ. Những món đồ này chỉ được bán tại các cửa hàng của nữ giới.
Điện thoại, CD và đồ chơi
Vừa chiếm đóng Mosul, IS đã ngay lập tức ban bố lệnh cấm âm nhạc và ca hát với lý lẽ rằng đó là cách thức triệu hồi quỷ dữ.
Sarmad Habib, 32 tuổi, thay vì đóng cửa hàng bán CD ca nhạc và phim của mình, đã biến nó thành một quán cafe. Không may là cơ ngơi của anh cuối cùng bị phá hủy trong một đợt tấn công của IS.
Habib mất tất cả vào thời điểm đó nhưng lúc này, anh đang tràn trề hy vọng. "Thành phố được giải phóng, tôi lại có thể mở tiệm CD, với những loại nhạc mới nhất", anh nói. "Tôi cũng bán cả những CD phim thịnh hành và độc đáo, nhu cầu mua chúng rất cao".
Một cửa hàng bán đĩa CD ở Mosul. Ảnh: MME. |
Issam Rabie, 29 tuổi, bán mặt hàng được xem là quan trọng nhất ở Mosul: Điện thoại di động và thẻ sim. Anh cho biết IS cấm hoàn toàn việc sử dụng điện thoại thông minh vì không muốn người dân quay phim, chụp ảnh những gì đang diễn ra tại Mosul. Hệ quả là họ phải sử dụng điện thoại thông thường, loại chỉ có chức năng gọi điện, nhắn tin.
Sau khi IS bị dẹp bỏ, nhu cầu cho điện thoại thông minh tăng vọt. Rabie vui mừng chia sẻ rằng cửa hàng của anh đang làm ăn vô cùng phát đạt.
Luật IS thậm chí cấm bán bất kỳ loại đồ chơi nào có hình người hoặc động vật bởi chúng được xem là hiện thân của Chúa.
Hassan Ali, 27 tuổi, chủ một cửa hàng đồ chơi ở quận Al-Muthanna, chia sẻ với CNN rằng ông cũng bị cấm bán đồ chơi nhạc cụ.
"Trong khoảng thời gian đó tôi phải chịu lỗ nặng", Ali nói. “Nhiều người bị ép phải đóng cửa hàng hoặc bán tống bán tháo các sản phẩm và không thu lãi”.
Vài tháng sau khi IS rút khỏi thành phố, Ali cho biết nhu cầu về đồ chơi tăng cao do trẻ em bị thiếu thốn trong một thời gian dài. Chúng chẳng được chơi gì ngoài kiếm hay ôtô.
Khi người dân được cạo râu, cắt tóc
Các hiệu cắt tóc nữ bị cấm hoàn toàn theo luật của IS. Hiệu cắt tóc nam vẫn có thể hoạt động nhưng phải tuân theo quy tắc cụ thể.
“Chúng tôi không được phép thiết kế các kiểu tóc khác nhau hoặc các kiểu tóc trông kỳ lạ. Điều quan trọng nhất mà chúng tôi phải tránh là kiểu tóc vuốt dựng", Abu Ahmad một thợ làm đầu ở Mosul chia sẻ.
Luật IS cho phép hiệu cắt tóc nam hoạt động nhưng phải tuân theo quy tắc cụ thể như không được cạo râu. Ảnh: Reuters. |
Ahmad nói các thợ cắt tóc bị cấm cạo râu, nhuộm tóc và dùng sữa rửa mặt cho khách. Ông đã phải đóng cửa hiệu của mình khi thành phố bị chiếm đóng.
“Lời lãi từ cửa hiệu nhỏ này là nguồn sống cho các con tôi. Sau khi đóng tiệm, tôi tìm ra cách trốn khỏi Mosul và vừa quay trở lại cách đây một tháng”, ông nói.
"Trong hơn hai năm qua, thành phố Mosul mất tất cả bản sắc vốn có vì bị IS chiếm đóng. Đối với chúng tôi, sự u ám bao trùm suốt ngày đêm. Thành phố giờ đã được giải phóng, cuộc sống cuối cùng đã trở lại bình thường", Ahmad chia sẻ.