Cuối tháng 9, Abu Bakr al-Baghdadi xuất hiện sau 11 tháng vắng bóng.
Trước đó, nhiều nguồn tin cho rằng al-Baghdadi đã thiệt mạng. Họ đã nhầm. Thủ lĩnh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vẫn còn sống, và chẳng ai biết hắn lẩn trốn ở đâu trong những năm qua. Hắn thậm chí còn kêu gọi mọi người tiếp tục tấn công phương Tây để thiêu đốt mọi kẻ thù.
Kẻ thù của al-Baghdadi, đang ngày đêm tìm cách tiêu diệt hắn, từ hàng nghìn mét trên bầu trời.
William Vuillet là một "kẻ thù" như vậy. Với mật danh "Vieter", anh có nhiệm vụ điều khiển phi cơ chiến đấu và nhấn nút thả bom khi nhận lệnh. Chỉ cần nhấn nút, những khối kim loại nặng hàng trăm kg sẽ lập tức rơi khỏi máy bay và phát nổ trên mặt đất, những công trình sẽ bị phá hủy, những sinh mạng sẽ bị tước đoạt.
Ngoài ra, anh phải biết cách để trở về. Mỗi lần đưa máy bay về căn cứ sau chuyến bay dài được coi là một chiến thắng. Ở nơi có hàng trăm phi cơ bay lượn trên bầu trời mỗi ngày, cùng với đủ loại tên lửa từ những kẻ khủng bố có thể được bắn lên trời bất cứ khi nào, bảo tồn sinh mạng luôn là thách thức lớn.
"Vieter" là một trong hàng nghìn phi công điều khiển những chiếc phi cơ chiến đấu trên bầu trời chật chội của Trung Đông rực lửa với một mục tiêu duy nhất: tiêu diệt IS.
Mắt thần giữa sa mạc
Hàng chục km phía trên sa mạc nóng bỏng ở Syria, chiếc F-22 Raptor thả một quả bom xuống nơi tình nghi là mục tiêu giá trị cao của IS. Chưa tới 1 giây sau, chiếc tiêm kích của không quân Mỹ tăng tốc hướng tới mục tiêu kế tiếp.
Cách đó hàng nghìn km, tại một căn cứ bí mật ở Trung Đông, quả bom được điều khiển bởi các binh sĩ tại phòng chỉ huy, trước khi tạo ra vụ nổ chết chóc.
Chiến dịch "Nhổ tận gốc" do quân đội Mỹ thực hiện nhắm vào các căn cứ và chỉ huy của lực lượng IS tại Trung Đông bao gồm hàng nghìn cuộc không kích như vậy. Mỗi quả bom được thả xuống chiến trường đều được tính toán kỹ càng và do hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người có liên quan thực hiện.
Mỗi nhiệm vụ của "Jester", mật danh của viên phi công Mỹ, kéo dài 12 giờ đồng hồ trên độ cao 21 km tính từ mặt nước biển. Tại ranh giới giữa Trái Đất và khoảng không vũ trụ, Jester và người bạn đồng hành, chiếc U-2S có biệt danh "Quý bà Rồng", không bỏ qua bất cứ động tĩnh nào của cuộc chiến khốc liệt trên sa mạc Iraq.
"Nhiệm vụ của tôi là trinh sát. Tôi phải đảm bảo các đồng minh người Kurd, người Iraq và cả Syria không rơi vào thế bị động hay bất ngờ", Jester nói với CNN.
Trong khoang lái của chiếc U-2S, Jester mặc bộ đồ điều áp dành cho các phi hành gia, thở oxy nguyên chất và trở thành con mắt thần của quân đội Mỹ trong chiến dịch chống IS ở Trung Đông.
Từ độ cao 21 km, Jester cùng "Quý bà Rồng" có tầm quan sát bao quát hơn và thu được nhiều thông tin giá trị hơn so với những máy bay hoạt động tầm thấp.
"Từ trên đó, tôi nhìn rõ đường cong tuyệt hảo của Trái Đất, và đôi khi thấy được những vì sao giữa ban ngày. Nhưng đừng nghĩ vì vậy mà tôi xao nhãng nhiệm vụ. Tôi và chiếc máy bay luôn sẵn sàng hỗ trợ các đồng đội dưới mặt đất khi cần thiết", Jester tự hào chia sẻ.
Trong khi đó, ở dưới mặt đất, xử lý dữ liệu mà máy bay do thám gửi về là công việc của những sĩ quan như thiếu tá Bryan. Với nhiều gigabyte dữ liệu thu thập mỗi ngày, công việc chủ yếu của Bryan là tập hợp, giải mã thông tin và đưa ra quyết định nên làm gì với chúng.
"Phân tích của tôi giúp cho các phi hành đoàn biết chính xác họ phải bay tới đâu và tập kích vào mục tiêu nào", Bryan nói.
Khi một vị trí được xác định là mục tiêu tiềm năng, anh sẽ thông báo cho phi công và sử dụng các biện pháp do thám đặc biệt để thu thập thông tin.
Sau khi tin tức tình báo được tập hợp và xử lý, báo cáo được chuyển tới các nhóm thẩm tra để quyết định liệu việc đánh bom mục tiêu tiềm năng có phù hợp hay không. Quyết định không kích chỉ được đưa ra sau khi nhận được cái gật đầu của vài nhóm thẩm tra như vậy.
Viên sĩ quan người Mỹ cho biết mỗi quyết định không kích phải được phê chuẩn bởi một tướng 2 sao. Trong trường hợp mục tiêu là các chỉ huy IS cấp cao, tức mục tiêu có giá trị cao, hoặc cuộc không kích gây nguy hiểm cho thường dân, phê chuẩn phải được đưa ra từ các cấp cao hơn nữa, thậm chí là từ Nhà Trắng.
"Mỗi hành động trên chiến trường đều có thể gây ra tác dụng phụ mà đôi khi không thể lường trước. Có những lúc chúng tôi phải nhìn lại và tự đặt câu hỏi liệu đánh bom mục tiêu đó có đáng không. Cái đích của chúng tôi không phải là chiến thắng vài trận đánh mà là định đoạt cả cuộc chiến", Bryan nói.
Chiến dịch phức tạp nhất chiến tranh hiện đại
"Photo" là biệt danh của viên phi công vừa thực hiện một nhiệm vụ đánh bom bằng máy bay F-22 Raptor, tiêm kích hiện đại nhất trong biên chế quân đội Mỹ. Viên phi công trẻ cho biết anh chỉ là một bánh răng trong cỗ máy chiến tranh khổng lồ của liên quân đang từng ngày, từng giờ chiến đấu nhằm kết liễu chế độ tàn bạo của IS tại Trung Đông.
"Những phi công như chúng tôi, dù quan trọng thế nào, cũng chẳng quan trọng hơn bất cứ ai trong toàn bộ chiến dịch", Photo khiêm tốn nói.
Mỗi lần cất cánh của một máy bay, dù từ sân bay mặt đất hay trên tàu sân bay, đều cần sự hỗ trợ của hàng chục kỹ sư. Đó là chưa kể hàng chục sĩ quan tình báo khác, giống như Thiếu tá Bryan, tham gia công việc đánh giá và quyết định mục tiêu. Để mỗi quả bom đánh trúng một mục tiêu trên chiến trường, hàng trăm người phải làm việc cật lực trong nhiều giờ.
"Việc nhấn nút thả bom có lẽ là công đoạn dễ dàng nhất của cả chiến dịch. Những công tác thu thập thông tin, hộ tống, tiếp liệu, ... mới thực sự đầy thử thách", viên phi công nhận định.
Bộ phận đầu não của chiến dịch "Nhổ tận gốc" có tên “Kingpin”, căn phòng chỉ huy tác chiến của Mỹ ở Trung Đông.
Là trung tâm điều khiển toàn bộ chiến dịch không kích của Mỹ và các đồng minh trong khu vực, Kingpin được CNN mô tả là nơi lạnh lẽo, tối tăm và chẳng khác gì rạp chiếu phim với những màn hình điện tử khổng lồ trình chiếu bản đồ của Iraq và Syria.
Chằng chịt trên những màn hình sáng rực là những chấm tròn tượng trưng cho những phi cơ của Mỹ, di chuyển tấp nập như những con kiến cần mẫn trên bản đồ. Mỗi khi một chiếc máy bay Nga xuất hiện trên bầu trời Trung Đông, một chấm tròn khác màu sẽ xuất hiện.
“Đây có thể là một trong những chiến dịch hàng không phức tạp nhất trong lịch sử chiến tranh hiện đại”, Trung tá John, người chỉ huy Kingpin, khẳng định.
Những phi cơ không người lái trà trộn cùng những máy bay thả bom khổng lồ do người điều khiển, trong một vùng không phận nhỏ bé và chật hẹp, khiến việc đảm bảo an toàn bay trở thành thách thức với những nhà chỉ huy.
Khi bàn tới việc xác nhận mục tiêu tấn công, những sĩ quan tình báo tập trung lại và chỉ huy các phi công đang lơ lửng trên bầu trời đông nghẹt máy bay.
Trong cuộc chiến chống IS, luôn có ít nhất 100 máy bay các loại, từ máy bay do thám, tiêm kích, vận tải cho tới máy bay không người lái, hoạt động bất kể ngày đêm trên bầu trời Iraq và Syria. Thời gian bay càng dài, số lượng mục tiêu của IS bị phá hủy càng nhiều.
Wyatt Harwood là phi công điều khiển máy bay KC-10 Extender, có nhiệm vụ tiếp liệu cho các máy bay khác của Mỹ và đồng minh ngay trên không. Nhờ có những chiếc KC-10 Extender, các máy bay Mỹ, thay vì phải trở về căn cứ sau mỗi 45 phút hoạt động, có thể hoạt động tới 8 tiếng liên tiếp và tấn công hàng chục mục tiêu trong mỗi nhiệm vụ.
Harwood mô tả vai trò của mình giống như điều phối viên trên không, chỉ dẫn các máy bay xếp hàng tuần tự để nhận nhiên liệu từ ống tiếp liệu và tránh các va chạm ngoài ý muốn.
"Hai máy bay di chuyển cùng nhau ở khoảng cách đủ gần cho việc tiếp liệu thực sự không dễ dàng. Dưới tác động của nhiều yếu tố, máy bay và ống tiếp liệu có thể không ổn định, các phi công phải đưa ra những quyết định chính xác trong từng giây", Harwood trả lời CNN.
Những quả bom thông minh
Một ngày tháng 4/2017 bên trong căn cứ không quân của Mỹ giữa sa mạc Trung Đông, các binh sĩ đội chế tạo bom tập hợp cho lễ chào cờ thường nhật. Từng là kho chứa máy bay, nơi đây giờ trở thành một xưởng sản xuất bom thông minh.
"Tôi thường nói với con trai rằng mỗi ngày, tôi sẽ làm ra những cái roi để trị tội bọn người xấu", viên trung sĩ phụ trách kỹ thuật nói.
Phía bên ngoài xưởng, hàng trăm quả bom phơi mình giữa cái nóng thiêu đốt và gió cồn của sa mạc. Những "thần chết ngủ yên", vốn được chế tạo với công nghệ từ Chiến tranh Lạnh, xếp hàng chờ tới lượt để được cải tạo thành những quả bom thông minh của thế kỷ 21.
Mỗi tuần, cơ sở này xử lý hàng trăm quả bom. Không lực Mỹ đóng vai trò thiết yếu, hỗ trợ các chiến dịch trên mặt đất của các lực lượng chống IS. Bởi vậy, vai trò của các kỹ thuật viên cải tiến bom là cực kỳ quan trọng.
"Chỉ một sai sót nhỏ trong việc cải tiến bom cũng có thể gây ra hậu quả khủng khiếp trên chiến trường", trung úy Mikal Bryant trả lời CNN.
Kỳ thực, sai xót đã tiếp diễn hàng trăm lần và để lại nhiều cảnh tang thương chết chóc. Hàng trăm dân thường đã thiệt mạng hoặc bị thương trong các cuộc không kích của liên quân do Mỹ đứng đầu tiến hành.
Nguyên nhân của những thương vong ngoài dự kiến đến từ tính toán sai lầm, trục trặc kỹ thuật, hoặc đôi khi, do các chiến binh IS sử dụng dân thường làm lá chắn sống.
Giải phóng: Máu và nước mắt
Trong những tháng qua, chiến dịch tiêu diệt IS tập trung vào các khu dân cư ở Mosul và Raqqa, khiến không ít dân thường thiệt mạng.
Đây được coi là hậu quả của việc IS sử dụng người dân làm lá chắn sống, một hành động vi phạm nghiêm trọng quy tắc và đạo đức trong chiến tranh. Tuy nhiên, điều này không hề ngăn cản phi cơ của Mỹ và liên quân tấn công nhằm tiêu diệt những kẻ đã bán linh hồn cho quỷ dữ.
Tháng 3 vừa qua, liên quân đã thả hơn 200 kg bom dẫn đường lên một tòa nhà ở Al-Jadida, phía tây Mosul. Quả bom phát nổ và khiến 105 người ở gần đó thiệt mạng, họ là dân thường, đa phần là phụ nữ và trẻ em. Trong khi đó, số lính IS thiệt mạng là 2.
So với năm 2015, những địa bàn do IS kiểm soát (vùng màu đỏ) đã thu hẹp đáng kể trong năm 2017. Đồ họa: CNN. |
Theo thống kê, hơn 20.000 vụ không kích và 46.000 chiến dịch được không quân Mỹ và các đồng minh triển khai trong 4 năm qua. Chỉ 0,31% trong số đó khiến dân thường thiệt mạng. Cụ thể, liên quân xác nhận 544 dân thường đã chết trong 143 cuộc tấn công từ tháng 8/2014 tới tháng 4/2017.
Tuy nhiên, một số tổ chức khẳng định con số thực tế cao hơn rất nhiều, khoảng từ 805-1.353 người vô tội đã thiệt mạng do các trận không kích.
Quân Mỹ tại Iraq từng cảnh báo họ sử dụng những vũ khí không phù hợp với khu vực dân cư và có thể đe dọa tới sinh mạng con người. Những quả bom có khả năng đánh sập mọi tòa nhà, giết những kẻ khủng bố cực đoan thì cũng có khả năng tước đi sinh mạng của những con người vô tội.
“Những vũ khí này được thiết kế cho chiến trường cỡ lớn, những công trình quy mô. Chúng có mục tiêu sử dụng cụ thể", Thiếu tá Bryan cho biết.
Họ học hỏi và sửa sai từng ngày.
Sau các cuộc tấn công, Mỹ đưa người tới tìm hiểu hiện trường, điều tra liệu IS có đưa dân thường tới đó để đánh lạc hướng kẻ thù… Từ đó, những sĩ quan tình báo như thiếu tá Bryan xác định tính chính xác của thông tin và học hỏi cho những lần tấn công sau.
Bên cạnh cái giá đắt đỏ về mặt nhân đạo khi phải hy sinh tính mạng của hàng trăm người, những chiến dịch không kích của Mỹ “nuốt chửng” 2/3 trong khoản chi phí 13,6 triệu USD/ngày của Lầu Năm Góc ở Trung Đông.
Đổi lại, những vị trí trọng yếu, trung tâm chỉ huy, hệ thống đường hầm của IS đều bị tàn phá. Không chỉ vậy, hệ thống khai thác dầu của tổ chức khủng bố này ở Iraq và Syria cũng không thể hoạt động sau khi bị tấn công, khiến tình hình tài chính của chúng gặp nhiều khó khăn.
Lực lượng IS đang tan rã nhanh chóng tại Iraq trong khi những vùng lãnh thổ rộng lớn mà chúng từng kiểm soát đang được liên quân giành lại.
IS hiện chỉ còn kiểm soát một dải đất hẹp dọc biên giới với Syria sau khi mất thành trì Raqqa từ cuối tuần qua. Số binh sĩ của lực lượng đã giảm xuống chỉ còn khoảng 3.000 tay súng so với con số 30.000 thành viên hồi năm 2015.
Cùng với sự hỗ trợ của hàng nghìn người dưới mặt đất, những phi công như "Vieter" hay "Photo" vẫn ngày đêm chiến đấu trên bầu trời Trung Đông nhằm tiêu diệt tận gốc những kẻ khủng bố.
Và trở về sau mỗi chuyến bay dài trên hang ổ của bọn khủng bố, vẫn là một thành quả tuyệt vời.