New York Times cho biết đầu năm nay, tại khu thử nghiệm rộng lớn White Sands ở New Mexico, gần chục nhà thầu quốc phòng với súng laser, lưới công nghệ cao và các hệ thống khác gặp nhau để giải quyết bài toán hóc búa của Lầu Năm Góc: Làm thế nào để tiêu diệt các máy bay không người lái của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS)?
Các đơn vị dự thi phải tiêu diệt hoặc vô hiệu hóa 30 thiết bị bay cách đó khoảng 228 m. Theo các quan chức quân đội, 10 hệ thống, trong đó có 4 vũ khí laser năng lượng cao và một máy bay không người lái lớn mang theo lưới đặc biệt để bắt các thiết bị bay trên không.
Nguy cơ từ thiết bị nổ trên không
Phiến quân IS đã sử dụng thiết bị bay không người lái để giám sát chiến trường trong hơn 2 năm qua. Tuy nhiên, kể từ năm ngoái, IS gia tăng tần suất sử dụng thiết bị bay để tấn công khủng bố, tập trung vào quân đội Iraq và Syria, thậm chí đe dọa cả cố vấn quân sự Mỹ với những quả bom nhỏ, hoặc lựu đạn.
Điều này làm dấy lên mối lo ngại những kẻ khủng bố sử dụng công nghệ máy bay không người lái rẻ tiền thành một vũ khí khủng bố hiệu quả. Lầu Năm Góc dường sự sợ hãi vì mối đe dọa ngày càng tăng, ngay cả khi thành trì IS ở Mosul, Iraq và Raqqa, Syria đã bị tiêu diệt.
Lực lượng đặc nhiệm Mỹ kiểm tra một thiết bị bay mà phiến quân IS sử dụng để thả bom. Ảnh: Reuters. |
Lầu Năm Góc đã khởi động chương trình trị giá 700 triệu USD và mời các chuyên gia ở Thung lũng Silicon, các nhà thầu quốc phòng cùng nhau tìm câu trả lời cho vấn đề. Cuộc thi ở New Mexico là một phần trong nỗ lực quan trọng của Lầu Năm Góc, được gọi là chương trình Hard Kill Challenge.
Các chuyên gia quân sự cùng các nhà thầu quốc phòng tìm kiếm các giải pháp công nghệ và chiến thuật hứa hẹn giúp giải quyết vấn đề. Các giải pháp được kết hợp với nhau và nhấn mạnh vấn đề dài hạn với Lầu Năm Góc và các đồng minh trong việc chống lại IS, Al Qaeda trên toàn thế giới, ngoài các điểm nóng ở Iraq, Syria, Yemen và Libya.
Trả lời câu hỏi của New York Times về giải pháp đối phó với thiết bị bay, Tổ chức kết hợp Ứng phó Đánh bại mối đe dọa được Lầu Năm Góc giao nhiệm vụ giải quyết vấn đề, cho biết một số công nghệ có thể hiệu quả với những điều chỉnh và phát triển hơn nữa.
Trong khi chờ đợi giải pháp tổng thể, Lầu Năm Góc đã đưa hàng chục chuyên gia kỹ thuật đến Iraq, Syria và Afghanistan để giúp bảo vệ quân đội Mỹ, huấn luyện cho quân đội địa phương chống lại mối đe dọa từ thiết bị bay điều khiển đã giết khoảng 10 binh sĩ Iraq và làm bị thương 50 người.
Một số thiết bị nhỏ được dùng làm nhiệm vụ trinh sát giúp phiến quân IS tấn công lực lượng do Mỹ hậu thuẫn. Những máy bay lớn hơn được lắp bom tự chế, hoặc lựu đạn để thả và kích nổ trên mặt đất.
Tướng về hưu John D. Johnson nói: “Chúng thực sự nhỏ và khó phát hiện. Nếu chúng di chuyển tản mác theo từng nhóm, chúng có thể làm quá tải khả năng của chúng ta trong việc bắn hạ tất cả. Nó là mối đe dọa rất linh hoạt và có nguồn lực tốt và chúng ta phải tìm kiếm một hoặc hai giải pháp trước mắt để đánh bại chúng”.
Quân đội Mỹ đang sử dụng thiết bị gây nhiễu để phá quyền điều khiển từ xa, các khẩu súng và thiết bị khác để phá hủy các thiết bị bay, thường là những chiếc được trang bị chất nổ. Bên cạnh đó, Không quân Mỹ đang tăng cường không kích các vị trí của IS trên mặt đất để ngăn chặn phiến quân sử dụng máy bay không người lái.
“Đây không chỉ là vấn đề của Iraq hay Syria mà là một vấn đề toàn cầu. Chúng là những thiết bị nổ tự chế trong không khí, có thể phát nổ ở bất kỳ đâu”, Trung tướng Michael Shields, giám đốc chương trình đối phó thiết bị bay, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
Mối đe dọa toàn cầu
Thực tế, thiết bị bay không người lái đang trở thành một mối đe dọa toàn cầu. Gần đây các máy bay không người lái của Iran đã quấy rối máy bay tiếp dầu của Mỹ nhiều lần trên vịnh Ba Tư trong năm nay.
Tại châu Âu, binh sĩ Mỹ và đồng minh vốn quen sử dụng các căn cứ lớn an toàn nên chưa chuẩn bị đối phó với nguy cơ mới. Tại Iraq và Afghanistan, quân đội Mỹ đang thực hiện việc ngụy trang để che giấu vị trí của họ, phân tán thành các nhóm nhỏ để tránh các máy bay giám sát tinh vi.
Các chiến binh người Kurd đang cố gắng bắn hạ một thiết bị bay của IS bằng súng trường ở Raqqa, Syria. Ảnh: Reuters. |
Tại Mỹ, các nhà chức trách nhấn mạnh mối đe dọa ngày càng tăng về việc IS sử dụng thiết bị bay để tấn công các đập nước, nhà máy điện hạt nhân và cơ sở hạ tầng quan trọng khác. Trong tháng 8, Lầu Năm Góc ban hành hướng dẫn mới cho phép quân đội bắn hạ bất kỳ thiết bị bay nào có thể gây nguy hiểm cho an toàn hàng không, an ninh gần căn cứ quân sự của Mỹ.
Washington đang lo ngại về sự lan rộng và nhanh chóng của các thiết bị bay vũ trang tới các khu vực xung đột khác, nơi Mỹ và đối tác chưa chuẩn bị để đối phó với nguy cơ này. Vào tháng 2, Bộ Quốc phòng Mỹ đã lập một nhóm đặc nhiệm do Trung tướng Anthony R. Ierardi dẫn đầu để điều phối chiến dịch chống thiết bị bay điều khiển từ xa cùng với tướng Shields.
Tướng Shields từ chối cung cấp chi tiết về kết quả cuộc thi, ông nói: “Những gì chúng tôi học hỏi được còn những hạn chế với các công nghệ khác nhau. IS là một tổ chức có khả năng thích nghi cao, họ có thể tiếp cận nhiều nhân tài, nguồn lực và chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Phát biểu tại hội nghị về công nghiệp quốc phòng ở Bethesda, Maryland vào tháng 8, Michael Cardash chỉ huy lực lượng rà phá bom mìn, cảnh sát quốc gia Israel nói rằng những kẻ khủng bố đang sử dụng các thiết bị bay lớn hơn, có thể mang theo tới 4 quả bom tự chế.
Ông Cardash lo ngại với đà phát triển của thiết bị bay không người lái như hiện nay sẽ nhanh chóng gia tăng tải trọng mà chúng có thể mang theo thì vấn đề sẽ càng trở nên nguy hiểm hơn.
Damien Spleeters, người đứng đầu các hoạt động tại Iraq và Syria thuộc Trung tâm Nghiên cứu Xung đột Vũ trang, tổ chức tư vấn tư nhân ở London, Anh nhấn mạnh đến giải pháp truy tìm và tiêu diệt các nhà phát minh của IS, cũng như địa điểm mà tổ chức này sử dụng để sản xuất thiết bị bay.