Năm tài khóa 2020 của Mỹ kết thúc vào ngày 30/9 vừa qua. Theo thông báo của Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ, doanh thu từ việc bán trang thiết bị quân sự cho đồng minh và đối tác nước ngoài đạt khoảng 175 tỷ USD, tăng 2,8% so với 170 tỷ USD vào năm tài khóa 2019.
Đội bay F-35 của hải quân Mỹ luyện tập hoạt động trên tàu sâu bay. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Theo Reuters, các thương vụ máy bay chiến đấu và tên lửa dẫn đường được Mỹ ký kết nhiều hơn với đồng minh trong năm nay. Nhiều nước muốn tiếp cận với công nghệ mới nhất từ các công ty quốc phòng Mỹ, điển hình là Lockheed Martin và Raytheon.
Nhật Bản nổi bật trong danh sách "bạn hàng" lớn của Mỹ ở năm tài khóa 2020 khi đặt mua 63 máy bay chiến đấu tàng hình F-35 thế hệ thứ năm từ Lockheed Martin. Giá trị thương vụ lên đến 23 tỷ USD.
Một nước có thể mua vũ khí Mỹ theo hai cách: mua trực tiếp qua đàm phán với một tập đoàn quốc phòng Mỹ (DCS), hoặc mua trung gian thông qua quan chức quốc phòng ở đại sứ quán Mỹ đặt tại nước đó (FMS). Cả hai cách này đều cần sự phê duyệt của chính phủ Mỹ.
Theo Defense News, giá trị xuất khẩu vũ khí hình thức DCS tăng nhẹ trong năm 2020, từ 114,7 tỷ USD vào năm 2019 lên 124,3 tỷ USD. Đây là hệ quả sau những cải cách từ thời Tổng thống Barack Obama và được tiếp nối dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Trong khi đó, xuất khẩu vũ khí diện FMS tiếp tục giảm trong năm thứ 2 liên tiếp, còn 50,78 tỷ USD. Doanh thu bán vũ khí diện này ở năm 2018 và 2019 lần lượt là 55,6 và 55,4 tỷ USD.
Trong 4 năm nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, trung bình mỗi năm Mỹ thu được 57,5 tỷ USD nhờ bán vũ khí ra nước ngoài diện FMS. Con số này trong 8 năm nhiệm kỳ của Tổng thống Obama là 53,9 tỷ USD/năm, theo ước lượng của chuyên gia Bill Hartung thuộc Trung tâm Chính sách Quốc tế.