Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Philippines dùng chiến thuật mới để đối phó Trung Quốc ở Biển Đông

Philippines thu thập và công khai bằng chứng các hành vi quyết liệt của Trung Quốc trên Biển Đông nhằm phản bác tuyên truyền của Bắc Kinh, đồng thời thu hút sự chú ý của dư luận.

Lực lượng tuần duyên Philippines đang áp dụng chiến thuật mới khi công khai các hành động quyết liệt của Trung Quốc tại các vùng có tranh chấp ở Biển Đông. Một quan chức Philippines cho biết đây là cách Manila đáp trả cuộc chiến của Bắc Kinh, đồng thời thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế trở lại khu vực, theo South China Morning Post.

Công khai các va chạm nhạy cảm

Thời gian qua, tuần duyên Philippines tăng cường tuần tra các vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền, đồng thời ghi lại, sau đó công khai những hành vi của lực lượng Trung Quốc tại các tuyến hàng hải chiến lược.

Một trong các sự vụ như thế là khi tàu hải cảnh Trung Quốc sử dụng tia laser cấp độ vũ khí khiến một số thủy thủ Philippines bị mất thị giác tạm thời hôm 6/2 ở Bãi Cỏ Mây, theo Reuters.

Manila sau đó gửi công hàm phản đối hành vi của tàu hải cảnh Bắc Kinh. Đoạn video vụ việc được công bố làm dấy lên lo ngại không chỉ tại Philippines mà còn tại Mỹ và các nước khác có lợi ích liên quan trong khu vực.

trung quoc bien dong anh 1

Tàu hải cảnh Trung Quốc chiếu tia laser về phía tàu Philippines. Ảnh: Tuần duyên Philippines.

Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đã triệu tập đại sứ Trung Quốc để phản đối. Sau đó, nhà lãnh đạo cảnh báo Philippines đã chuyển trọng tâm từ chống lực lượng Hồi giáo nổi dậy và các mối đe dọa trong nước sang bảo vệ các lãnh thổ trên Biển Đông.

"Tôi muốn nhấn mạnh cách tốt nhất để xử lý các hoạt động 'vùng xám' của Trung Quốc ở Biển Tây Philippines (Biển Đông) là phơi bày các hoạt động ấy", Jay Tarriela, Tư lệnh lực lượng tuần duyên Philippines, nói.

Hoạt động "vùng xám", theo quan chức Philippines, là hiện tượng Trung Quốc thường xuyên sử dụng tàu đánh cá và tàu nghiên cứu dân sự để tiến hành các hoạt động quân sự, nhằm tránh phản ứng quân sự từ các nước có tranh chấp ở Biển Đông.

"(Sử dụng tuần duyên lên tiếng chống lại hành vi gây hấn) giúp các nước có chung lập trường bày tỏ sự lên án và chỉ trích, đưa Trung Quốc vào trung tâm sự chú ý của dư luận. Hành động trong âm thầm của Trung Quốc giờ đã bị phơi bày, buộc họ hoặc phải thú nhận, hoặc công khai nói dối", ông Tarriela cho biết.

Theo ông Tarriela, phản ứng quyết liệt của Manila trong vụ chiếu tia laser đã buộc các quan chức Trung Quốc, trong đó có đại sứ nước này ở Manila, phải lên tiếng giải thích khi bị báo giới đặt câu hỏi.

Trước đó, giới chức Trung Quốc nói tàu tuần tra Philippines đã đi vào vùng biển của Trung Quốc. Trong tuyên bố ngày 13/2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bào chữa rằng tàu hải cảnh nước này đã hành xử "chuyên nghiệp và kiềm chế", sử dụng tia laser vô hại để theo dấu hoạt động của tàu Philippines.

"(Bằng cách công khai những đoạn video và ảnh chưa qua chỉnh sửa về hành động của Trung Quốc), chúng tôi có thể một lần nữa tái định hình quan điểm của cộng đồng quốc tế nhằm có cách đánh giá khách quan, dựa trên sự thật, chứ không phải những lời tuyên truyền", ông Tarriela nói.

Củng cố liên minh phòng thủ với Mỹ

Sau khi chi tiết vụ bắn tia laser được công bố, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng "hành vi nguy hiểm của Trung Quốc trực tiếp đe dọa hòa bình và ổn định khu vực", cũng như làm xói mòn trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Washington một lần nữa cảnh báo sẽ bảo vệ Philippines, đồng minh theo hiệp ước của Mỹ, nếu lực lượng, tàu thuyền hay máy bay của Philippines bị tấn công trên Biển Đông.

Raymond Powell, chỉ huy về hưu của không quân Mỹ từng có nhiều năm nghiên cứu chiến lược của Trung Quốc, cho rằng việc công khai hóa các hoạt động mang tính gây hấn của Trung Quốc là nước cờ khôn ngoan của Manila.

trung quoc bien dong anh 2

Tàu tuần duyên Philippines và tàu hải cảnh Trung Quốc đối diện nhau trên Biển Đông. Ảnh: Reuters.

Tuy vậy, ông Powell cũng cảnh báo Trung Quốc có thể sẽ sớm có hành động gia tăng sức ép, buộc chính phủ Philippines "dừng công bố" các sự vụ nhạy cảm trên Biển Đông.

Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông. Các vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền chồng lấn với tuyên bố của các nước khác trong khu vực như Philippines, Malaysia và Việt Nam.

Bất chấp những nỗ lực cải thiện quan hệ dưới thời cựu Tổng thống Rodrigo Duterte hay người kế nhiệm là Ferdinand Marcos Jr., căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc vẫn tiếp tục dai dẳng vì xung đột ở Biển Đông.

Hệ quả là sau thời gian lạnh nhạt dưới thời Duterte, Philippines đã tái khởi động các chương trình hợp tác quốc phòng, củng cố liên minh quân sự với Mỹ. Manila đã ký các thỏa thuận cho phép Mỹ sử dụng thêm 4 căn cứ quân sự ở Philippines.

Dù hiến pháp Philippines cấm sự hiện diện thường trực của quân đội nước ngoài, Manila đã ký Thỏa thuận Tăng cường hợp tác quốc phòng cho phép lực lượng Mỹ đóng quân lâu dài theo hình thức luân phiên tại những cơ sở bên trong doanh trại quân đội Philippines, đi kèm nhiều loại vũ khí và thiết bị quân sự, trừ vũ khí hạt nhân.

Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông, do tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ làm chủ biên, nói về lịch sử xác lập, thực thi các quyền, lợi ích chính đáng của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, với các vùng biển, thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia.

Tuần duyên Mỹ - Philippines có thể tuần tra chung ở Biển Đông

Một quan chức chính phủ Philippines hôm 20/2 cho biết Manila đang thảo luận với Mỹ về việc thực hiện các cuộc tuần tra chung của lực lượng tuần duyên 2 nước tại khu vực Biển Đông.

Philippines cho Mỹ sử dụng thêm 4 căn cứ quân sự

Philippines đã cho phép Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự theo thỏa thuận hợp tác quốc phòng giữa hai nước.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm