Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phạm vi nội thủy, lãnh hải của Việt Nam được xác định như thế nào?

Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 là căn cứ pháp lý để Việt Nam và các quốc gia xác định vùng biển, hải phận của mình.

Chương 2 cuốn Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông (TS Trần Công Trục chủ biên) nêu cơ sở pháp lý để xác lập các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam.

Được sự đồng ý của NXB Thông tin và Truyền thông, Zing trích đăng một phần nội dung sách.

Phạm vi nội thủy

Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 quy định: “Các vùng nước ở phía bên trong đường cơ sở của lãnh hải là nội thuỷ của quốc gia” (điều 8). Theo định nghĩa này, nội thuỷ bao gồm cửa sông, vũng, vịnh, cảng biển và vùng nước ở phía trong đường cơ sở và giáp với bờ biển... Vùng nước lịch sử cũng theo chế độ nội thủy.

Tuyên bố ngày 12/5/1977 của Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: “Vùng biển ở phía trong đường cơ sở và giáp với bờ biển là nội thủy của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (Phụ lục 1, Điều 1). Nội thủy được coi như là bộ phận lãnh thổ trên đất liền của một quốc gia.

Co so phap ly ve chu quyen bien dao anh 1

Sách Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông - Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông.

Phạm vi lãnh hải

Trong đời sống hàng ngày, chúng ta thường nghe thấy các từ dùng để chỉ phạm vi vùng biển của quốc gia như “hải phận”, “vùng biển” hoặc “lãnh hải” Việt Nam.

Vậy cần phải hiểu các thuật ngữ đó như thế nào? Có thể nói rằng trừ các tài liệu chuyên môn, thông thường việc sử dụng các thuật ngữ trên trong đời sống, hoặc được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm tất cả vùng biển của Việt Nam nói chung, hoặc là có sự lầm lẫn về mặt phạm vi và chế độ pháp lý của các vùng biển khác nhau của nước ta.

Ngày nay, khi mà biển ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống và sự nghiệp phát triển kinh tế, bảo vệ tổ quốc và ngày càng trở nên gần gũi với cuộc sống thường nhật của nhân dân, việc tìm hiểu một cách rõ ràng và chính xác các khái niệm về vùng biển của đất nước, trong đó bao hàm các quyền và lợi ích quốc gia trên biển cũng như trách nhiệm bảo vệ chủ quyền trên biển, là một việc cần thiết và bổ ích.

Theo Luật Biển quốc tế hiện đại, một quốc gia ven biển có thể có các vùng biển như sau: Nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa với phạm vi và chế độ pháp lý khác nhau.

Lãnh hải là khái niệm lâu đời nhất trong Luật Biển, nhưng không phải thế mà hiện nay đã trở thành một vấn đề cũ, không có ý nghĩa thực tiễn.

Lãnh hải ra đời là do quá trình sử dụng và khai thác biển và đại dương, các quốc gia ven biển có nhu cầu quản lý một dải biển ven bờ để ngăn chặn việc buôn lậu và xâm nhập trái phép vào lãnh thổ của mình, bảo vệ nghề cá và quyền lợi của ngư dân.

Về sau này có thêm nhu cầu bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên biển phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế của đất nước; mặt khác các cường quốc hàng hải và công nghiệp không muốn các quốc gia ven biển mở rộng chủ quyền ra biển để tự do đi lại, khống chế biển và tài nguyên thiên nhiên biển.

Từ thế kỷ thứ XVIII, xuất hiện thuyết lãnh hải của một quốc gia ven biển chỉ được mở rộng đến tầm hiệu lực của vũ khí thời đó là súng thần công - 3 hải lý.

Mặc dù có một số nước quy định lãnh hải rộng 4 hoặc 6 hải lý, trong thế kỷ XIX quy định chiều rộng lãnh hải 3 hải lý trở thành tiêu chuẩn của luật tập quán quốc tế. Tuy nhiên, sau đó, cuộc đấu tranh về việc xác định chiều rộng lãnh hải lại tiếp tục.

Một số quốc gia vì quyền lợi biển của mình đòi quy định lãnh hải rộng 200 hải lý. Hội nghị quốc tế về pháp điển hóa Luật quốc tế năm 1930 và Hội nghị Luật Biển lần thứ I năm 1958 cũng không giải quyết dứt điểm những quy định chung của luật pháp quốc tế về chiều rộng của lãnh hải.

Mãi đến năm 1982, Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc mới quy định chiều rộng tối đa của lãnh hải là 12 hải lý, nhưng đồng thời cũng phải đưa thêm các chế định luật pháp quốc tế mới về vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa để dung hoà hai xu hướng nói trên.

Hiện nay, chế định luật pháp quốc tế về lãnh hải với tư cách là lãnh thổ của quốc gia ven biển ở trên biển có chiều rộng tối đa là 12 hải lý, tính từ đường cơ sở dùng đề tính chiều rộng lãnh hải, đã trở thành quy định của luật tập quán quốc tế được mọi người thừa nhận.

Sau tháng 11/1994, khi Công ước năm 1982 của Liên Hợp Quốc về Luật Biển có hiệu lực, các quy định về lãnh hải của Công ước cũng trở thành các quy định của Luật điều ước quốc tế.

Lãnh hải (hay còn gọi là “vùng nước lãnh thổ”) là một dải biển ven bờ nằm ngoài và tiếp liền với lãnh thổ đất liền hoặc nội thuỷ của quốc gia ven biển, có một chiều rộng nhất định được tính từ đường cơ sở của quốc gia đó và thuộc chủ quyền hoàn toàn của quốc gia ven biển.

Chủ quyền này được mở rộng và áp dụng đối với cả vùng trời trên lãnh hải cũng như đối với đáy biển và lòng đất dưới đáy của lãnh hải.

Đối với quốc gia quần đảo, lãnh hải nằm ngoài và tiếp liền với lãnh thổ và vùng nước quần đảo của quốc gia đó.

Đối với các đảo riêng biệt, đáp ứng đúng định nghĩa đảo nêu trong luật pháp quốc tế (Điều 121, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982) thuộc về một quốc gia ven biển, nhưng nằm ngoài phạm vi lãnh hải chung của quốc gia đó, thì lãnh hải của từng đảo này cũng được xác định như trên.

Chiều rộng lãnh hải do quốc gia ven biển tự mình ấn định và được tính từ đường cơ sở, nhưng phải tuân theo các nguyên tắc và tiêu chuẩn chung được thừa nhận của luật pháp quốc tế.

Đường cơ sở thông thường của quốc gia ven biển dùng để tính chiều rộng lãnh hải là ngấn nước triều thấp nhất dọc theo bờ biển, ở nơi nào bờ biển bị khoét sâu và lồi lõm hoặc nếu có một chuỗi đảo nằm sát ngay và chạy dọc theo bờ biển thì áp dụng phương pháp đường cơ sở thẳng, tức là phương pháp nối liền các điểm thích hợp có thể được sử dụng để vạch đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải.

Quốc gia ven biển có thể áp dụng một trong hai phương pháp trên hoặc phối hợp cả hai phương pháp để ấn định đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của nước mình, nhưng phải theo đúng các nguyên tắc và tiêu chuẩn chung được thừa nhận của luật pháp quốc tế về việc vạch hệ thống đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải.

Co so phap ly ve chu quyen bien dao anh 2

Đảo Tốc Tan A thuộc quần đảo Trường Sa. Ảnh: Quỳnh Trang.

Đại đa số quốc gia trên thế giới quy định chiều rộng lãnh hải từ 3-12 hải lý. Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 quy định chiều rộng lãnh hải của quốc gia ven biển không quá 12 hải lý, kể từ đường cơ sở được vạch ra theo đúng Công ước.

Có thể nhận thấy một điểm quan trọng ở đây là, trước đây nếu theo các Công ước về Luật Biển năm 1958, vùng biển ở ngay ngoài ranh giới ngoài của lãnh hải - biên giới quốc gia trên biển - là vùng biển cả (hay còn thường được gọi là công hải) thì nay, theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 tiếp liền ranh giới ngoài của lãnh hải, quốc gia ven biển còn có vùng đặc quyền kinh tế thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia. Biển cả nằm ngoài ranh giới ngoài của vùng đặc quyền kinh tế quốc gia ven biển.

Ngoài ra, đối với đáy và lòng đất dưới đáy biển ở ngoài và tiếp liền với lãnh hải, quốc gia ven biển còn có vùng thềm lục địa thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia được Công ước 1982 xác định đầy đủ và cụ thể hơn so với Công ước năm 1958.

Khi nói “vùng biển Việt Nam”, “hải phận Việt Nam” ta hiểu rằng điều này có thể bao hàm cả nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Khi nói “lãnh hải Việt Nam”, ta chỉ nói đến một vùng biển rộng 12 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải mà ở đó, nước Việt Nam có chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn, tàu thuyền nước ngoài có thể được hưởng quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải với điều kiện không làm ảnh hưởng đến trật tự, luật pháp, hoà bình, an ninh của nước ta và phải đi theo các tuyến, luồng hàng hải quy định.

“Phao số không”, do đó không có ý nghĩa gì trong việc xác định phạm vi chủ quyền quốc gia của nước ta trên biển. Diện tích của nước Việt Nam, cùng các quy định mới của luật biển quốc tế, đã có những thay đổi đáng kể so với hình ảnh truyền thống của nó.

Còn nữa.

Cơ sở pháp lý để xác lập các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam

Năm 1982, 117 đoàn đại diện cho các nước, trong đó có Việt Nam, đã chính thức ký kết Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Tháng 11/1996, Công ước có hiệu lực.

Trích sách "Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông"

Bạn có thể quan tâm