Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ford hạ dự báo lợi nhuận năm 2024

Chi phí bảo hành cao và việc cắt giảm chi phí chậm trễ đang kìm hãm lợi nhuận của Ford Motor năm nay, khiến nhà sản xuất này phải hạ dự báo lợi nhuận cả năm.

Gian trưng bày của Ford tại Triển lãm ôtô quốc tế New York vào tháng 3. Nguồn CNBC.

Theo AP, nhà sản xuất ôtô có trụ sở tại Dearborn, Michigan (Mỹ) đã công bố báo cáo thu nhập quý III cho thấy lợi nhuận ròng của hãng giảm gần 26% trong quý gần nhất.

Ford cho biết hãng đã thu về 892 triệu USD lợi nhuận ròng trong giai đoạn kinh doanh tháng 7-9 năm nay, giảm so với mức 1,2 tỷ USD của cùng kỳ năm trước. Trong khi lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) ở mức 2,6 tỷ USD, tương đương 49 cent mỗi cổ phiếu. Theo FactSet, con số này đã vượt dự báo của các nhà phân tích là 46 cent/cổ phiếu.

Trong quý gần nhất, doanh thu của nhà sản xuất ôtô này vẫn tăng 5,5% lên 46,2 tỷ USD, cũng vượt dự báo của Phố Wall trước đó.

Ford cho biết thêm hiện dự báo lợi nhuận EBIT cả năm của hãng vào khoảng 10 tỷ USD, thấp hơn so với dự báo được đưa ra trước đó là từ 10 tỷ USD đến 12 tỷ USD. Tuy nhiên, hãng vẫn giữ nguyên dự báo dòng tiền tự do điều chỉnh ở mức 7,5-8,5 tỷ USD.

Theo CNBC, trước kết quả kinh doanh quý III, một số nhà phân tích Phố Wall lo ngại Ford sẽ phải hạ dự báo lợi nhuận cả năm do nhu cầu giảm, lượng xe tồn kho tăng và lo ngại về khả năng hãng không thể đạt được mục tiêu cắt giảm 2 tỷ USD chi phí như đã công bố trước đó.

Cổ phiếu của hãng sản xuất ôtô này đã giảm khoảng 5% trong phiên giao dịch ngoài giờ sau khi đóng cửa phiên thứ Hai ở mức 11,37 USD/cổ phiếu, tăng 2,7%.

Ông John Lawler, Giám đốc tài chính kiêm Phó chủ tịch Ford cho biết hãng đã đạt được mục tiêu cắt giảm 2 tỷ USD chi phí vật liệu, vận chuyển và sản xuất, nhưng chi phí lạm phát và bảo hành lại tăng cao hơn, đặc biệt tại liên doanh ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Ford cho biết hiện hãng có khoản chênh lệch chi phí lên tới 7 tỷ USD với các đối thủ cạnh tranh, và hãng đã đạt được tiến bộ về mức chênh lệch này. Tuy nhiên, vấn đề là các đối thủ được xác định là cạnh tranh của Ford cũng đang cắt giảm chi phí.

Lawler cho biết Ford đang tập trung vào việc giảm chi phí bảo hành và các chi phí khác. Ông cũng cho biết các kế hoạch của công ty đang phát huy hiệu quả, bằng chứng là doanh thu tăng trưởng trong 10 quý liên tiếp.

Tại cuộc gặp với các nhà phân tích mới đây, Tổng giám đốc điều hành của Ford, Jim Farley cũng cho biết hãng đã tái cấu trúc hoạt động tại châu Âu, Nam Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc, vốn đã lỗ tổng cộng 2,2 tỷ USD vào năm 2018 nhưng hiện đã có lãi.

Dẫn đầu kết quả kinh doanh quý III của Ford là Ford Pro - đơn vị phụ trách các dòng xe thương mại với 1,81 tỷ USD lợi nhuận trước thuế, theo sau là Ford Blue - đơn vị sản xuất xe xăng và hybrid với 1,63 tỷ USD. Trong khi đó, đơn vị sản xuất xe điện Model E đã lỗ 1,22 tỷ USD trong quý này - ít hơn mức lỗ của năm trước, chủ yếu là do sản lượng thấp hơn và cắt giảm chi phí.

Dù đang lỗ, Tổng giám đốc điều hành Jim Farley vẫn nhấn mạnh sự tin tưởng vào chiến lược xe điện. Tuy nhiên, nhà sản xuất ôtô này đã rút lại nhiều khoản đầu tư vào các dòng xe điện để tập trung vào các mẫu xe hybrid.

Ford đã giảm chi phí đầu tư vào xe điện 1 tỷ USD trong năm nay, tái cơ cấu hoạt động sản xuất pin, cắt giảm 35% công suất, ông Farley cho biết. Vị lãnh đạo cũng cho biết thêm các loại xe điện trong tương lai sẽ có lãi trong vòng 12 tháng kể từ khi được bán ra và hãng đang nỗ lực giảm chi phí cho các loại xe điện hiện có.

Theo các chuyên gia công nghiệp, chi phí sản xuất và thiết kế của hãng ôtô điện Trung Quốc BYD thấp hơn nhiều so với các hãng sản xuất ôtô Mỹ và đây là lời cảnh tỉnh cho các công ty Mỹ.

Ngành sản xuất cau tỷ USD tại Trung Quốc

Đằng sau cơn sốt giá cau diễn ra gần đây là một ngành sản xuất cau trị giá hàng tỷ USD của Trung Quốc, bao gồm từ trồng trọt, chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Tập đoàn Hilton hạ dự báo tăng trưởng doanh thu

Tập đoàn khách sạn Hilton hạ thấp kỳ vọng tăng trưởng doanh thu vì gặp khó khăn tại 2 thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc.

Ông trùm hàng hiệu LVMH không đạt doanh số quý III

Nhu cầu suy giảm ở các thị trường Trung Quốc và Nhật Bản đã khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại về hoạt động kinh doanh của các "ông lớn" ngành hàng xa xỉ.

Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới trở thành nhu cầu cấp thiết. Để độc giả có thể tiếp cận những tri thức kinh tế quốc tế mới nhất, Tri Thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh trên thế giới.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm