Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngành sản xuất cau tỷ USD tại Trung Quốc

Đằng sau cơn sốt giá cau diễn ra gần đây là một ngành sản xuất cau trị giá hàng tỷ USD của Trung Quốc, bao gồm từ trồng trọt, chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Ngành sản xuất cau của Trung Quốc có giá trị hàng tỷ USD. Nguồn: ChinaDaily.

Cơn sốt giá cau tại Trung Quốc lan sang Việt Nam gần đây khiến ngành sản xuất cau của đất nước tỷ dân nhận được sự chú ý.

Tại Trung Quốc, dù đã xuất hiện từ rất lâu trong các nghi lễ truyền thống, đến thế kỷ XX, cau đã được mở rộng ra tiêu thụ đại trà. Sau những năm 1990, ngành sản xuất cau của Trung Quốc bước vào thời kỳ công nghiệp hóa với hàng loạt sản phẩm được sản xuất từ cau thô.

Sau thời gian phát triển, cau đã trở thành một ngành kinh tế tiềm năng của thị trường tỷ dân.

Ngành sản xuất tỷ USD

Tại Hội nghị thượng đỉnh về công nghệ quản lý và trồng cau Trung Quốc diễn ra tháng 9 vừa qua, ông Cát Kiến Bang, nhà khoa học trưởng của hệ thống công nghệ ngành công nghiệp cau ở tỉnh Hải Nam cho biết tổng giá trị của toàn chuỗi sản phẩm cau đã đạt 120-130 tỷ nhân dân tệ (17-18 tỷ USD), cho thấy tiềm năng kinh tế của ngành này.

Trước đây, tại Trung Quốc, cau được sử dụng như một loại dược liệu quan trọng, có tác dụng chống lão hóa, chống oxy hóa, hỗ trợ tiêu hóa, hạ đường huyết... Những hạt cau non, có hạt chưa định hình hoặc rất nhỏ, được thu thập, luộc, sấy khô và chế biến thành kẹo. Loại kẹo này, nổi tiếng với hương vị ngọt nhẹ và cay, được ưa chuộng vào mùa đông vì có đặc tính làm ấm và giảm đau họng.

Bên cạnh đó, tại quốc gia này, cau còn được sử dụng làm nguyên liệu trong các sản phẩm như kẹo cao su, nước tăng lực, đồ ăn vặt... Một trong những thương hiệu sản phẩm làm từ cau nổi tiếng là Khẩu Vị Vương, đơn vị dẫn đầu ngành từ năm 2021 đến 2023 đã bán được 1,13 tỷ gói kẹo cau, với giá mỗi gói 30-100 nhân dân tệ (tương đương 4-14 USD/gói).

Theo Cổng thông tin tỉnh Hồ Nam, cau Trung Quốc được sản xuất ở Hải Nam nhưng chủ yếu được chế biến và tiêu thụ ở Hồ Nam. Từ món ăn đặc sản địa phương ban đầu của Tương Đàm (Hồ Nam) đến nay, kẹo cau đã phổ biến ở 23 tỉnh, thành phố Trung Quốc như Quảng Đông, Thượng Hải và Bắc Kinh...

Theo số liệu thống kê năm 2020 của The Paper, doanh số bán các sản phẩm liên quan đến cau tại Trung Quốc đã tăng 20% hàng năm.

Báo cáo của Hiệp hội Công nghiệp Thực phẩm Quốc gia Trung Quốc (CNFIA) cũng cho biết lĩnh vực sản xuất hạt cau đã chứng kiến ​​sản lượng tăng 12% trong năm nay. Đà tăng trưởng này chủ yếu được thúc đẩy bởi sự phổ biến của hạt cau trong các phong tục truyền thống, đặc biệt là ở các khu vực phía Nam như Hải Nam và Quảng Đông.

CNFIA dự báo lĩnh vực sản xuất cau sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ 10%/năm trong 3 năm tới, có khả năng đạt quy mô thị trường 4 triệu tấn vào năm 2027. Ngoài ra, thị trường xuất khẩu cau dự kiến cũng ​​mở rộng, với dữ liệu hiện tại cho thấy xuất khẩu hạt cau đã tăng 15% trong nửa đầu năm 2024.

gia cau anh 1

Giá trị và khối lượng xuất khẩu hạt cau của Trung Quốc năm 2023. Nguồn: Tridge.

Trước đó vào năm 2023, theo số liệu từ Tridge - công ty chuyên phân tích dữ liệu nông nghiệp và thực phẩm, dựa vào mã số hàng hóa, giá trị xuất khẩu hạt cau của Trung Quốc là 17,4 triệu USD, tăng hơn 50% so với năm 2022.

Khó khăn những năm gần đây

Thực tế, tại Trung Quốc, ngành sản xuất cau phụ thuộc rất nhiều vào đảo Hải Nam, khi 95% sản lượng cau được trồng ở đây.

Trong đó, cau Hải Nam được trồng nhiều ở thành phố Vạn Ninh với nửa dân số trồng cau, diện tích khoảng hơn 216.000 ha. Năm 2021, giá trị của ngành này ở Vạn Ninh vượt 14 tỷ nhân dân tệ (gần 2 tỷ USD), chiếm hơn nửa GDP của thành phố.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, sản lượng cau ở địa phương này sụt giảm mạnh do hàng loạt vườn cau bị bệnh vàng lá. Theo Beijing News, tháng 6, Chủ tịch Hiệp hội trầu ở thành phố Vạn Ninh đã cho biết: “Không chỉ thành phố Vạn Ninh, mà cả những cây cau ở huyện Quỳnh Hải, Lăng Thủy và những nơi khác xung quanh đều bị nhiễm bệnh trên diện rộng, ước tính sơ bộ khoảng 60% diện tích cau”.

Đặc biệt, cơn bão Yagi đổ bộ đảo Hải Nam vào đầu tháng 9 vừa qua cũng gây thiệt hại nặng nề cho hàng loạt vườn cau của địa phương này. Chính vì vậy, giá cau tại Trung Quốc, đặc biệt tại đảo Hải Nam cũng liên tục lập kỷ lục trong thời gian gần đây.

gia cau anh 2

Cơn sốt giá cau tại Trung Quốc cũng đã tác động tới giá cau tại Việt Nam giai đoạn trung tuần tháng 10 vừa qua. Ảnh: Lê Dương/Vietnamnet.vn.

Bên cạnh đó, những lo ngại về sức khỏe người tiêu dùng trong vài năm qua cũng ảnh hưởng tới thị trường này. Theo China Daily, năm 2017, Cơ quan quản lý thị trường nhà nước Trung Quốc đã loại quả cau ra khỏi danh mục thực phẩm. Điều này dẫn đến các cơ quan quản lý siết chặt hoạt động quảng cáo, kinh doanh các sản phẩm liên quan đến trầu cau.

Cũng tại Hội nghị thượng đỉnh về ngành công nghiệp cau hồi tháng 9, các nhà chức trách và chuyên gia tham dự cho biết chính sách quản lý, dịch bệnh, khí hậu và diện tích trồng là các yếu tố dẫn đến tình trạng năng suất thấp của cây trồng, đồng thời là những thách thức của ngành trồng cau tại Trung Quốc.

Thị trường xuất khẩu lớn nhất của cau Việt Nam

Theo Tridge, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cau chính của Việt Nam. Năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 5,13 triệu USD giá trị loại quả này sang Trung Quốc. Ngược lại, Việt Nam cũng là đối tác nhập khẩu các sản phẩm từ cau lớn thứ 2 của Trung Quốc, chỉ sau Indonesia (với 5,66 triệu USD).

Chính bởi mối quan hệ chặt chẽ này, tình trạng giảm năng suất và sản lượng cau của Trung Quốc đã ảnh hưởng tới cả thị trường Việt Nam. Theo đó, cùng với cơn sốt giá ở đảo Hải Nam, giá cau ổn định trong 6 tháng đầu năm tại Việt Nam lập tức lập đỉnh lên đến 85.000-100.000 đồng/kg vào tháng 9 tại một số tỉnh như Quảng Ngãi, Quảng Nam do thương lái Trung Quốc thu mua mạnh.

Theo Báo cáo của Trung tâm Giám sát giá tỉnh Hải Nam, ngày 18/10, giá mua cau trung bình tại địa phương này tăng lên mức 44,27 nhân dân tệ/jin (tương đương hơn 310.000 đồng/kg), tăng tới hơn 175% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến ngày 25/10, giá cau trung bình giảm còn 33,75 tệ/jin (236.000 đồng/kg). Theo đó, giá cau Việt Nam cũng lao dốc từ 85.000 đồng/kg xuống 25.000 đồng/kg.

Ngoài việc ảnh hưởng đến giá bán thu mua tại vườn, các sản phẩm từ ngành sản xuất cau Trung Quốc cũng đang được tiêu thụ rất nhiều ở thị trường Việt Nam. Trên các sàn thương mại điện tử và các cửa hàng bán lẻ, kẹo cau Trung Quốc được rao bán la liệt với giá phổ biến 60.000-200.000 đồng/gói, tùy trọng lượng và thương hiệu.

Giá cau cao kỷ lục, nông dân thu tiền tỷ

Vườn cau hơn 1 ha đang cho thu hoạch, để tránh bị mất trộm, ông Hà Văn Dũng (xã Giao An, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa) vừa đầu tư lắp hơn chục camera giám sát.

Thương lái mua gom cau ở miền Tây

Cây cau được nông dân miền Tây trồng xen trong vườn trái cây nhằm tận dụng đất thừa. Giá cau dao động trong khoảng 30.000 đồng/kg, cao điểm có thể vượt 100.000 đồng.

Trái cây Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam

Các loại trái cây Trung Quốc liên tục xuất hiện tại chợ, siêu thị và cửa hàng trái cây thời gian gần đây. Mẫu mã đa dạng và mức giá phải chăng là những yếu tố thu hút người mua.

Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới trở thành nhu cầu cấp thiết. Để độc giả có thể tiếp cận những tri thức kinh tế quốc tế mới nhất, Tri Thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh trên thế giới.

Phương Linh

Theo The Paper, China Daily, Beijing News

Bạn có thể quan tâm