Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thương lái mua gom cau ở miền Tây

Cây cau được nông dân miền Tây trồng xen trong vườn trái cây nhằm tận dụng đất thừa. Giá cau dao động trong khoảng 30.000 đồng/kg, cao điểm có thể vượt 100.000 đồng.

Hơn nửa năm qua, dọc theo quốc lộ Nam Sông Hậu, đoạn qua huyện Kế Sách và Long Phú của tỉnh Sóc Trăng, có thêm 3 vựa cau được đầu tư quy mô lớn. Tại các khu vực này, ngoài những vựa dừa và trái cây có múi, gần 10 vựa cau hoạt động nhộn nhịp.

Trưa 26/6, nhiều xe tải nhỏ chở đầy những buồng cau non chạy từ các vườn cây ăn trái đến vựa thu mua nông sản ở xã Song Phụng (huyện Long Phú) và Nhơn Mỹ (huyện Kế Sách, Sóc Trăng). Chủ các vựa cau cho biết tư thương bắt đầu thu gom từ năm 1996, nên nông dân đã trồng xen vào vườn bưởi, mít, dừa… để tăng thêm thu nhập.

“Chúng tôi bán cau chủ yếu cho những người ăn trầu hoặc các cơ sở sản xuất thuốc y học cổ truyền. Thương lái chỉ mua cau trái dài, còn non, thịt của hạt còn mềm với giá 30.000 đồng/kg", chủ một vựa cau nói.

Tu thuong gom trai cau ban sang Trung Quoc anh 1

Tư thương thu gom cau để xuất khẩu. Ảnh: Việt Tường.

Theo chủ cơ sở kinh doanh nông sản, giá cau già bán ở chợ chỉ 7.000-10.000 đồng/kg, còn cau non bán cho tư thương lúc cao điểm lên đến 105.000 đồng/kg.

Ông Phan Thanh Nhã, Chủ tịch UBND xã Song Phụng, cho biết các vựa cau gom hàng bán cho tư thương để xuất khẩu, chủ yếu là sang thị trường Trung Quốc. Do loại trái này phụ thuộc vào thị trường ngoài nước và không có doanh nghiệp nào tại địa phương trực tiếp ký kết hợp đồng mua - bán với đối tác ở Trung Quốc nên xã Song Phụng không đưa cây cau vào danh mục chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

“Các chủ vựa chỉ giao dịch với tư thương nên chúng tôi không khuyến khích nông dân trồng nhiều, chỉ trồng xen vào vườn cây ăn trái. Nếu trồng quá nhiều mà không có đầu ra thì kẹt cho bà con”, ông Nhã chia sẻ.

Theo ông Phan Thanh Nhã, một số tư thương cho biết cau nguyên liệu ở Việt Nam xuất sang Trung Quốc để chế biến nhiều loại sản phẩm khác nhau, trong đó có cả kẹo.

Tu thuong gom trai cau ban sang Trung Quoc anh 2

Tư thương lựa mua cau non, trái dài. Ảnh: Việt Tường.

Còn chủ một doanh nghiệp sản xuất cửa ở TP Sóc Trăng thì nói rằng một số người đã mang cau từ Việt Nam sang Trung Quốc để trồng, nhiều nhất là Đài Loan. Theo vị này, nhiều vườn cau ở Đài Loan đã cho trái để phục vụ cho nhu cầu ăn trầu của người dân sở tại.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, địa phương này có khoảng 350 ha cau, trồng xen vào các vườn cây ăn trái. Ngoài việc tận dụng bờ đất thừa để tăng thu nhập, nhà vườn trồng cau để che nắng cho cây bưởi.

“Giá cau dao động 25.000-30.000 đồng/kg, phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc. Cây cau cho trái ổn định khi trồng 5-7 năm, cho năng suất 15-20 tấn/ha. Ngành nông nghiệp không khuyến khích nông dân trồng nhiều cau, chủ yếu là trồng xen vào vườn dừa và cây ăn trái”, lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng khẳng định.

Không riêng Sóc Trăng, tư thương còn tìm đến nhà vườn ở Hậu Giang, Bạc Liêu và TP Cần Thơ để mua cau.


Bao giờ nông sản hết 'được mùa mất giá'?

Bộ trưởng Nông nghiệp Lê Minh Hoan cho rằng phải tổ chức lại ngành hàng, sản xuất để nền nông nghiệp thoát khỏi "lời nguyền" manh mún, nhỏ lẻ, tự phát.

Việt Tường

Bạn có thể quan tâm