Chiều 7/6, Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NNPTNT) Lê Minh Hoan. Đây là lần đầu tiên ông trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội kể từ khi nhậm chức vào tháng 4/2021.
Cần sự vào cuộc của địa phương
Trước câu hỏi đến bao giờ nông sản hết tình trạng được mùa mất giá của đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu), Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ sợ nhất câu hỏi "đến bao giờ".
Ông rằng Việt Nam đang điều hành theo nền kinh tế thị trường, Bộ không thoái thác trách nhiệm, nhưng nếu có sự vào cuộc, năng động của chính quyền địa phương sẽ quyết định việc xử lý những vấn đề trên nhanh hay chậm.
Bộ trưởng lấy ví dụ việc tiếp thị cà rốt Hải Dương, vải thiều Bắc Giang, xoài Sơn La, nhãn lồng Hưng Yên. "Khi các địa phương chủ động vào cuộc, ngay cả lãnh đạo cũng tham gia tiếp thị sẽ góp phần tạo nên hình ảnh thương hiệu cho nông sản địa phương. Đồng thời cũng giúp thu hút được các doanh nghiệp tham gia liên kết, tiêu thụ các nông sản cho những địa phương này", ông nhìn nhận.
Nông sản Việt Nam luôn nằm trong thế bị động so với bên nhập khẩu và liên tục lặp lại điệp khúc rớt giá. Ảnh: Đức Anh. |
"Thời gian qua, câu chuyện từ những địa phương nói trên đã kích hoạt được nhiều địa phương còn lại và tôi mong rằng, các địa phương sẽ có được sự liên kết tốt hơn, cùng nhau giải quyết những điểm nghẽn này", Bộ trưởng nói.
Theo người đứng đầu Bộ NNPTNT để giải quyết được những vấn đề này, quan trọng là phải đưa được người nông dân vào chuỗi sản xuất để giảm rủi ro vì bản chất sản xuất nông nghiệp phải đối mặt với rất nhiều ro như thiên tai, dịch bệnh, thị trường...
Nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) đặt vấn đề Bộ trưởng Lê Minh Hoan từng đưa ra thông điệp: "Chúng ta cùng xây dựng một nền nông nghiệp trách nhiệm, trách nhiệm với sức khoẻ của hàng trăm triệu dân". Tuy nhiên đến nay, tính an toàn của sản phẩm nông nghiệp vẫn là sự phiền muộn của người dân.
"Đề nghị Bộ trưởng cho biết đến khi nào người dân mới có thể hoàn toàn yên tâm về tính an toàn của sản phẩm nông nghiệp? Đến bao giờ Việt Nam mới có thể viết tên mình trên bản đồ nông nghiệp hữu cơ của thế giới?", bà đặt câu hỏi.
Trả lời, Bộ trưởng Hoan khẳng định ông không thoái thác trách nhiệm, nhưng ngành nông nghiệp có tính liên ngành rất cao, có tính hệ thống trên dưới trong ngoài và vận hành theo kinh tế thị trường.
"Đáng tiếc chúng ta chưa có hệ thống để đánh giá chất lượng nông sản, chưa chuẩn hóa quy trình sản xuất dẫn đến nền nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi 3 lời nguyền manh mún, nhỏ lẻ, tự phát", ông thừa nhận.
Nếu không tổ chức lại được ngành hàng sản xuất thì còn nhiều rủi ro. Do đó, các địa phương phải cùng vào cuộc để xây dựng nền nông nghiệp chất lượng cao.
Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan.
Đồng bằng sông Cửu Long mặc dù là địa phương màu mỡ, bây giờ kiểm đếm lại vẫn là sản xuất manh mún, dẫn đến hệ lụy rất nhiều. Nếu không tổ chức lại được ngành hàng sản xuất thì còn rủi ro, trong đó có vai trò địa phương. Bộ trưởng mong muốn các địa phương cùng vào cuộc để xây dựng nền nông nghiệp chất lượng cao.
Về vấn đề giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao nhưng giá nông sản lại xuống rất thấp, Bộ trưởng NNPTNT cho rằng đây là câu hỏi lớn khi Việt Nam là quốc gia làm nông nghiệp nhưng phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu.
Ông Hoan cho hay người nông dân Việt Nam cũng đã chủ động tái sử dụng các phế phẩm nông nghiệp để thay thế một phần thức ăn, phân bón... cho sản xuất. Đây không chỉ là giải pháp tình huống mà còn là chỉ dấu cho phương hướng phát triển lâu dài, hữu cơ hóa, sinh học hóa nền nông nghiệp Việt Nam.
"Tôi cũng tha thiết mong muốn 14 triệu nông dân sớm tham gia vào các tổ chức hợp tác xã. Điều này sẽ giúp bà con mua chung nguyên liệu, có được chiết khấu tốt, giảm được chi phí đầu vào", Bộ trưởng nói.