Gần đây, giá phân bón trên thị trường thế giới và trong nước liên tục tăng cao. Đặc biệt, tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine căng thẳng càng làm suy giảm nguồn cung và tăng giá mạnh.
Trong khi đó, hàng năm Việt Nam sử dụng trung bình trên 10 triệu tấn phân bón sản xuất công nghiệp. Đơn cử như năm 2021, lượng phân bón sử dụng là 10,7 triệu tấn. Trong đó, lượng phân bón sản xuất trong nước 7,2 triệu tấn; nhập khẩu 5,1 triệu tấn; xuất khẩu 1,6 triệu tấn.
Thực tế hiện nay không chỉ nguyên liệu đầu vào các ngành sản xuất mặt hàng tiêu dùng, giá thép và nguyên vật liệu ngành xây dựng tăng mà ngành chăn nuôi, trồng trọt gắn liền với người nông dân cũng đối mặt với làn sóng tăng giá.
Từ thức ăn chăn nuôi, phân bón, bao bì, túi nylon, nguyên liệu sản xuất đều tăng lên mức kỷ lục, gây áp lực không nhỏ cho người nông dân.
Cơn sốt giá phân bón
Từ đầu năm 2022 đến nay, giá phân bón liên tục đạt đỉnh. Hiện mặt hàng này ở mức hơn 16-18 triệu đồng/tấn tùy loại.
Đơn cử, giá URE Ninh Bình, Hà Bắc lên ngưỡng 17,5 triệu đồng/tấn; DAP Lào Cai, Đình Vũ khoảng 22 triệu đồng/tấn, DAP Nga vọt lên ngưỡng 27 triệu đồng/tấn; NPK (tùy theo chủng loại) dao động 16-18 triệu đồng/tấn, Kali các loại dao động 20-22 triệu đồng/tấn...
Trong khi đó, thời điểm tháng 7/2021, giá phân Kali các loại chỉ dao động mức 9-11 triệu đồng/tấn, URE khoảng 11 triệu đồng/tấn, DAP dao động 15 triệu đồng/tấn. Như vậy, trong gần một năm giá loại phân này đã tăng gấp đôi đưa mặt hàng này tăng lên mức tăng cao nhất trong 50 qua.
Nhiều nước sản xuất phân bón như Việt Nam đều đã áp dụng biện pháp hạn chế xuất khẩu để hạ giá thành trong nước. Ảnh: Thạch Thảo. |
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Đức An Sơn, Tổng giám đốc Công ty SSG International, đơn vị kinh doanh phân bón tại TP.HCM cho biết so với 2 năm trước, giá phân bón đã tăng gấp 3 lần.
Hiện, nhiều đất nước sản xuất phân bón như Việt Nam đều đã áp dụng biện pháp hạn chế xuất khẩu. Như Thổ Nhĩ Kỳ, khi nước này tạm thời xuất khẩu giá phân bón trong nước đã hạ xuống khoảng 40%. Hay tại Trung Quốc, chênh lệch giá phân bón xuất khẩu và trong nước khoảng 50%.
Các đơn vị kinh doanh phân bón cho rằng toàn cầu sẽ diễn ra nạn đói trong năm 2023-2024. Việt Nam cần nhanh chóng áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngừng xuất khẩu phân bón; tăng kiểm soát kiểm tra hàng hóa, thời gian thông quan...
Ông Nguyễn Đức An Sơn, Tổng giám đốc Công ty SSG International
"Tại Việt Nam, có một nghịch lý là người dân không có khả năng mua phân bón vì giá quá cao trong khi đó phân URE và DAP sản xuất trong nước lại đi xuất khẩu. Đơn cử, phân URE sản xuất khoảng 2,4 triệu tấn nhưng lại xuất khẩu đến 300.000 tấn", ông nói.
Theo ông Sơn, giá gạo Việt nam năm nay và 2 năm trước đang xấp xỉ nhau, thậm chí giảm và diện tích trồng trọt giảm khoảng 40%.
"Các đơn vị kinh doanh phân bón cho rằng toàn cầu sẽ diễn ra nạn đói trong năm 2023-2024. Do đó, Việt Nam cần nhanh chóng áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngừng xuất khẩu phân bón; tăng kiểm soát kiểm tra hàng hóa, thời gian thông quan...", ông đề xuất.
Đề nghị tăng thuế xuất khẩu
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) vừa có văn bản đề nghị Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi Luật số 71 theo hướng chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế với mức thuế suất hợp lý.
Kiến nghị này nhằm mục đích tạo điều kiện hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước và giảm bớt khó khăn cho nông dân trong điều kiện giá phân bón tăng cao và khan hiếm như hiện nay.
"Bộ Tài chính nghiên cứu xem xét chính sách thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng phân bón URE, DAP, MAP và phối hợp với các bộ, ngành các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với phân URE, DAP, MAP để đảm bảo nguồn cung trong nước trong tình hình nguồn cung phân bón khan hiếm như hiện nay", Bộ NNPTNT đề xuất.
Theo đó, Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ quy định thống nhất một mức thuế suất thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng phân bón thuộc nhóm 31.02, 31.03, 31.04, 31.05 tại biểu thuế xuất khẩu, không phân biệt theo tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong sản phẩm phân bón.
Nông sản xuống giá thấp trong khi giá phân bón và các vật tư nông nghiệp tăng cao càng đẩy nông dân vào cảnh khó khăn. Ảnh: Việt Linh. |
Thị trường phân bón thế giới vốn đã chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19 kéo dài làm thiếu hụt nguồn cung, đứt gãy chuỗi cung ứng, nay lại càng nặng nề hơn do chiến sự Nga - Ukraine nổ ra.
Kèm theo đó, hàng loạt các biện pháp trừng phạt của Mỹ, EU đối với Nga đã tác động mạnh đến thị trường phân bón thế giới về suy giảm nguồn cung và tăng giá.
Trong thời gian tới, thị trường phân bón vẫn diễn biến phức tạp, khó lường về giá và nguồn cung. Đặc biệt, đối với phân Kali do cả Nga và Belarus chiếm gần 50% lượng Kali cung cấp trên toàn thế giới và Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu phân bón này.