Sáng 11/8, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) tổ chức họp trực tuyến với các địa phương và doanh nghiệp sản xuất phân bón phía Nam nhằm có giải pháp "hạ nhiệt" giá phân bón.
Thông tin về giá phân bón tăng trong thời qua, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) Nguyễn Văn Thanh cho biết từ tháng 7/2020 đến nay, giá phân bón có chiều hướng tăng cao, nhất là trong những tháng gần đây.
Về nguyên nhân, ông Thanh cho rằng do giá nông sản trên thế giới liên tục tăng trong thời gian qua, điển hình là giá gạo kết hợp với tình hình thời tiết thuận lợi đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, kèm theo đó là nhu cầu phân bón.
Nông sản xuống giá thấp trong khi giá phân bón và các vật tư nông nghiệp tăng cao càng đẩy nông dân vào cảnh khó khăn. Ảnh: Việt Linh. |
Phân bón tăng nóng cho nguyên liệu đầu vào
"Trong khi đó, do giá phân bón giảm quá sâu trong nửa đầu năm 2020, nguồn cung phân bón trên thế giới lại có xu hướng giảm nên không kịp đáp ứng nhu cầu phục hồi quá nhanh", Cục trưởng Thanh cho biết.
Ông cho rằng nhiều nguyên liệu đầu vào tăng là nguyên nhân chính khiến giá phân bón tăng. Bên cạnh đó là vấn đề vận chuyển, logistics, nhiều doanh nghiệp đã có hàng nhưng không vận chuyển được cũng khiến giá tăng cao.
Tương tự, ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NNPTNT) - khẳng định năng lực sản xuất và nhập khẩu đều tăng và không có chuyện cung cầu đứt gãy, khi nguồn cung phân bón còn dư.
Lý giải thêm về điều này, ông Bùi Thế Chuyên - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) - cho biết nguồn cung phân bón không thiếu so với nhu cầu, nhưng do giá thế giới biến động tác động lớn đến chi phí giá thành sản xuất làm tăng giá bán sản phẩm.
Nhiều nguyên liệu đầu vào tăng là nguyên nhân chính khiến giá phân bón tăng cao.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương)
Khi quý I/2021 có biến động tăng giá, Vinachem làm việc với doanh nghiệp trong nước để có giải pháp bình ổn thị trường, tập trung tối đa cho sản xuất, hạn chế và thậm chí là dừng xuất khẩu phục vụ tối đa cho trong nước.
“Nếu nói giá phân bón tăng mạnh do bất cập cung cầu là không đúng. Nguyên nhân chính là do chi phí sản xuất 7 tháng đầu năm tăng rất cao, ví dụ lưu huỳnh tăng 170%, amoniac tăng gấp 2 lần… khiến giá đầu vào tăng. Cùng với đó, là sự gia tăng của chi phí vận chuyển và những tác động tiêu cực đến từ đại dịch Covid-19”, ông Bùi Thế Chuyên nêu rõ.
Để bình ổn thị trường phân bón, ông Chuyên kiến nghị trước mắt, cần tập trung tháo gỡ vấn đề lưu thông, vận chuyển. Về lâu dài, cần giảm chi phí sản xuất, dù vẫn phải chấp nhận giá cao đối với một số nguyên liệu nhập khẩu đầu vào.
Nhờ mặt bằng giá phân bón liên tục tăng vọt, nhiều doanh nghiệp báo cáo kết quả kinh doanh tích cực 6 tháng đầu năm 2021. Ảnh: Hoàng Hà. |
"Quan trọng hơn cả là bình ổn giá các mặt hàng nguyên liệu sẵn có trong nước như than cho sản xuất URE, amoniac cho sản xuất DAP…", ông nói.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh yêu cầu, các doanh nghiệp cố gắng hợp lý hóa các chi phí, giữ ổn định giá thành, đặt mục tiêu giá bán của phân bón Việt Nam thấp hơn phân bón nhập vào, đưa phân bón đến tay người nông dân với giá thấp nhấp.
“Ưu tiên dành phân bón cho sản xuất nông nghiệp trong nước, dừng xuất khẩu”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Tăng cường kiểm tra các cơ sở nhập khẩu, kinh doanh phân bón
Từ đầu năm đến nay, giá phân bón tăng trung bình 50-73%. Cụ thể, giá phân urê Cà Mau tăng 72% (từ 6.800 đồng/kg lên 11.700 đồng/kg), DAP Đình Vũ tăng 67,3% (từ 8.550 đồng/kg lên 14.300 đồng/kg), NPK Bình Điền tăng 24,3% (NPK 16-16-8+13S từ 8.860 đồng/kg lên 10.760 đồng/kg).
Để bình ổn thị trường phân bón, Tổng cục QLTT có Công văn số 1634 ngày 28/7 về việc tăng cường kiểm tra, giám sát mặt hàng phân bón.
Theo đó, Tổng cục QLTT yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với Sở NNPTNT, các ngành có liên quan tại địa phương xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra chuyên đề đối với mặt hàng phân bón.
"Trong đợt kiểm tra lần này, lực lượng QLTT sẽ tập trung vào các cơ sở nhập khẩu, kinh doanh phân bón. Nội dung kiểm tra là giấy chứng nhận, giấy phép đăng ký kinh doanh, hàng hóa và hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, kiểm tra việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.... Thời gian kiểm tra từ ngày 1/8 đến ngày 12/12", lãnh đạo Tổng cục QLTT cho biết.
Giá phân bón tăng cao khiến người nông dân gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Phạm Trường. |
Bên cạnh đó, Cục QLTT các tỉnh, thành phố sẽ tăng cường công tác quản lý theo địa bàn, thu thập thông tin, theo dõi sát các biến động đối với mặt hàng phân bón để kịp thời phát hiện, kiểm tra đột xuất nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, định giá mua, bán bất hợp lý.
Đối với Cục Nghiệp vụ QLTT, sẽ chủ trì, phối hợp với Cục Hóa chất, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và các đơn vị liên quan xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra chuyên đề đối với các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón quy mô lớn hoặc phối hợp với Cục Bảo vệ Thực vật kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn khi được yêu cầu.