Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 29

Doanh nghiệp Mỹ khẳng định tăng cường đầu tư vào Việt Nam

Đại diện các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Mỹ cho biết sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư vào Việt Nam, đưa vào thị trường Việt Nam những sản phẩm mới, công nghệ hiện đại.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Thái Lan, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Tọa đàm cấp cao Liên minh doanh nghiệp Mỹ - APEC vào sáng 17/11 tại thủ đô Bangkok.

Tại tọa đàm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thông tin đến các nhà đầu tư về những điểm nhấn chủ yếu của kinh tế Việt Nam thời gian qua. Chủ tịch nước cho biết trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, đại dịch Covid-19, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, Việt Nam đã và đang tập trung phát huy nội lực để kiểm soát dịch, phục hồi, phát triển kinh tế và đạt được những kết quả tích cực.

Chủ tịch nước cho biết Việt Nam có kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, nằm trong top 20 thế giới về quy mô thương mại; GDP 9 tháng đầu năm 2022 tăng 8,83%. Việt Nam được các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)... dự báo lạc quan về tăng trưởng GDP trong cả năm 2022 là khoảng 7,5-8,2%...

Doanh nghiep My anh 1

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với các đại doanh nghiệp Mỹ dự tọa đàm. Ảnh: TTXVN.

Từ "thu hút" FDI sang "hợp tác

Chủ tịch nước cho biết Việt Nam chủ trương chuyển từ “thu hút” vốn FDI sang “hợp tác” với các nhà đầu tư nước ngoài trên tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, bảo vệ môi trường, ưu tiên các dự án áp dụng công nghệ cao, có sự lan tỏa và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Trong những năm qua, Chủ tịch nước cho biết Việt Nam đã là địa điểm được nhiều tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ như Apple, Dell, Intel, Nike... đầu tư. Chủ tịch nước đề nghị các doanh nghiệp Mỹ tăng cường sự liên kết, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Khi phát biểu chào mừng Chủ tịch nước, ông Michael Michalak - Phó chủ tịch cấp cao và Giám đốc điều hành khu vực của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, nguyên đại sứ Mỹ tại Việt Nam - cho biết các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế Mỹ đều đánh giá cao thành tựu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam các giai đoạn gần đây, luôn ở mức cao so với các khu vực kinh tế khác trên thế giới, đặc biệt là chính sách về thu hút đầu tư nước ngoài, ứng phó với đại dịch Covid-19, chính trị ổn định, kinh tế vĩ mô được đảm bảo.

Đại diện các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Mỹ cũng cho biết sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư vào Việt Nam, đưa vào thị trường Việt Nam những sản phẩm mới, công nghệ hiện đại trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, dân số, chuyển đổi số trong tài chính, ngân hàng; nông nghiệp thông minh; năng lượng tái tạo; xây dựng kết cấu hạ tầng, công nghệ cao, công nghệ thông tin; hoạt động nghiên cứu và phát triển...

Ông Quint Simon từ Amazon Web Service, một trong những đại diện doanh nghiệp tham gia tọa đàm, cho biết hãng đã tham gia đầu tư tại Hà Nội và TP.HCM từ vài năm qua. Ông mong muốn Việt Nam có chính sách thuận lợi hơn nữa thúc đẩy phát triển các dịch vụ kinh tế số như điện toán đám mây, đảm bảo an ninh mạng, đồng thời cam kết sẽ đồng hành với Việt Nam trong tiến trình chuyển đổi số.

Doanh nghiep My anh 2

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Toạ đàm cấp cao Liên minh doanh nghiệp Mỹ - APEC tại Bangkok vào sáng ngày 17/11. Ảnh: TTXVN.

Giải đáp kiến nghị, đề xuất của một số tập đoàn, doanh nghiệp Mỹ nêu ra tại buổi tọa đàm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được ban hành năm 2020, theo đó, Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách về lĩnh vực này theo hướng cởi mở và tăng cường khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Chủ tịch nước nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp xuyên suốt của Việt Nam trong thời gian tới là thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế số, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tham gia sâu hơn vào cấu trúc đầu tư, trật tự thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chủ tịch nước cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục đổi mới, phát huy nội lực, mở cửa nền kinh tế, chuyển sang hợp tác FDI có chất lượng và có trọng tâm, trọng điểm; hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực sản xuất để tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI.

Chủ tịch nước bày tỏ mong muốn các tập đoàn, doanh nghiệp Mỹ sẽ mở rộng hơn nữa các hoạt động đầu tư vào Việt Nam, đóng góp nhiều hơn nữa vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam trong thời gian tới.

Doanh nghiep My anh 3

Đại diện các doanh nghiệp Mỹ phát biểu tại buổi tọa đàm với Chủ tịch nước vào sáng ngày 17/11. Ảnh: TTXVN.

Chuỗi cung ứng là vấn đề được quan tâm hàng đầu

Trao đổi với Zing bên lề tọa đàm, ông Amb. Michael W. Michalak, Phó chủ tịch cấp cao kiêm giám đốc điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) khẳng định mối quan hệ giữa các doanh nghiệp Mỹ và Việt Nam rất tích cực.

Ông cho biết các doanh nghiệp Mỹ rất hài lòng với hướng đi của nền kinh tế Việt Nam.

"Chúng tôi rất hài lòng về một số vấn đề được quan tâm. Cánh cửa luôn rộng mở để các công ty của chúng tôi có thể ngồi xuống và nói chuyện với chính phủ Việt Nam, từ đó đi đến giải pháp tích cực cho những vấn đề", ông nói.

Ông Michalak cho biết thêm chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng đầu tư của Mỹ vào Việt Nam.

"Nhiều công ty của chúng tôi đang xây dựng chuỗi cung ứng mới ở Việt Nam, cũng như những nơi khác ở châu Á, nhưng tôi nghĩ Việt Nam có tư duy tiếp nhận rất tích cực", ông cho biết.

Trước lời kêu gọi của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc về việc các doanh nghiệp Mỹ mở rộng chuỗi cung ứng, phó chủ tịch USABC cho hay hai bên đã hợp tác hiệu quả cùng nhau về lĩnh vực này.

"Chuỗi cung ứng là một trong những vấn đề lớn", ông nhấn mạnh.

Về mặt nâng cao kỹ năng, cả hai cũng đã có một số dự án hợp tác tốt đẹp giữa các trường đại học, giáo dục Mỹ và khu vực tư nhân tại Việt Nam.

"Tôi mong muốn những mối quan hệ đó sẽ tiếp tục và được tăng cường", ông nói.

Sau cuộc gặp với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, ông Michalak nhận định các doanh nghiệp tham gia đều rất hài lòng với chuyến thăm và những bình luận của nhà lãnh đạo Việt Nam.

"Tôi nghĩ họ hài lòng rằng chủ tịch nước đã lắng nghe cẩn thận những gì họ đang nói", ông chia sẻ. "Chủ tịch nước đã trả lời tốt tất cả câu hỏi, đồng thời cũng đồng ý chuyển lại một số câu hỏi của chúng tôi cho chính phủ và thảo luận thêm về chúng sau này. Tôi nghĩ đó là điều tốt nhất mà tất cả chúng ta có thể hy vọng".

Cuối buổi trao đổi, phó chủ tịch USABC cũng nhấn mạnh rằng ông tin mối quan hệ hai bên sẽ còn tốt đẹp hơn nữa trong tương lai.

Chủ tịch nước nêu 4 yêu cầu của thương mại - đầu tư giai đoạn mới

Chủ tịch nước nói Việt Nam mong muốn Cộng đồng doanh nghiệp APEC nêu cao tinh thần hợp tác, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, kinh doanh ở khu vực.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hội kiến chủ tịch Quốc hội Thái Lan

Ngày 17/11, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Thái Lan, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Chuan Leekpai.

Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 29

Cảnh Toàn (từ Bangkok) - Minh An

Video: Ngọc Nhung

Bạn có thể quan tâm