Trong 12 ngày của tháng 11, mọi con mắt đã đổ dồn về Đông Nam Á khi khu vực này bỗng chốc trở thành trung tâm chính trị quốc tế. Các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới như Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ tập trung tại khu vực này để tham dự 3 hội nghị quốc tế quan trọng.
Theo Nikkei Asia, trong bối cảnh thế giới trải qua nhiều biến động, các cường quốc tham dự những sự kiện trên tích cực tìm kiếm đồng minh và cạnh tranh ảnh hưởng tại khu vực Đông Nam Á cũng như toàn cầu.
Mở đầu là Hội nghị cấp cao Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ngày 8-13/11. Sau đó là Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Kết thúc của chuỗi sự kiện quốc tế lớn nhất trong năm chính là Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), bế mạc hôm 19/11.
Ông Kavi Chongkittavorn là một nhà báo và chuyên gia quan hệ quốc tế kỳ cựu của Thái Lan. Ảnh: Bangkok Post. |
Hội nghị cấp cao của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần 40, 41 diễn ra tại Phnom Penh, Campuchia, cùng hội nghị ASEAN với các đối tác là sự kiện quan trọng, đánh dấu việc nối lại đối thoại trực tiếp giữa các lãnh đạo sau hơn 2 năm bị gián đoạn do đại dịch Covid-19.
Giới chuyên gia đánh giá với sự tham gia của Tổng thống Mỹ Joe Biden, hội nghị cũng “đánh dấu sự trở lại của Mỹ trong khu vực” và cho thấy cam kết của Washington với các đối tác thân cận.
Trong khi đó, bất chấp những nghi ngại, APEC kết thúc 2 ngày họp tại Bangkok hôm 19/11, với tuyên bố chung được đưa ra xoay quanh vấn đề tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, phục hồi kinh tế, tầm quan trọng trong chuyển đổi năng lượng sạch, đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng, thúc đẩy thương mại và đầu tư tự do và công bằng.
“Tôi rất bất ngờ về kết quả hội nghị APEC lần này. Ban đầu, với sự chia rẽ giữa các nền kinh tế, chúng tôi nghĩ họ sẽ không thể đưa ra tuyên bố chung cấp bộ. Trong hội nghị hồi tháng 8, không có tuyên bố chung nào được đưa ra. Vì vậy, hội nghị lần này là thành công lớn”, nhà báo kỳ cựu Thái Lan Kavi Chongkittavorn chia sẻ với Zing.
Trong khi đó, theo Edmund Sim - luật sư thương mại quốc tế và cộng tác viên mảng biên tập cho Straits Times và OpinionAsia về thương mại và ngoại giao trong ASEAN, APEC được coi là một quá trình và diễn đàn, nơi các vấn đề kinh tế cơ bản được nghiên cứu và giải quyết theo cách mềm mỏng và ngoại giao.
“Thái Lan và các thành viên APEC đã nỗ lực nhằm giải quyết những vấn đề lâu dài có ảnh hưởng đến khu vực và toàn thế giới”, ông nói với Zing.
Căng thẳng hạ nhiệt
Trong cả 2 hội nghị, đặc biệt là Hội nghị thượng đỉnh APEC, vấn đề thảo luận được các nhà lãnh đạo tập trung chính là tăng cường mối quan hệ hợp tác và phát triển kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn có những diễn biến phức tạp, tình trạng lạm phát gia tăng ở nhiều quốc gia, khiến nguy cơ xảy ra suy thoái toàn cầu ngày càng tăng.
Bên cạnh đó, tình hình địa chính trị thế giới đang có nhiều căng thẳng do ảnh hưởng từ cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, tình hình xung đột ở Ukraine cũng như các vụ phóng tên lửa được Triều Tiên thực hiện vào thời điểm APEC diễn ra tại Thái Lan.
Theo Nikkei Asia, trước thềm các hội nghị quốc tế tại Đông Nam Á, dư luận đã đặt dấu hỏi về khả năng thông qua tuyên bố chung giống như những hội nghị trước đó.
Tuy nhiên, trái ngược với dự đoán, các nền kinh tế tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC và G20 đã tạm gác những bất đồng và thông qua được tuyên bố chung, tập trung thúc đẩy hợp tác kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế.
Edmund Sim là luật sư thương mại quốc tế và cộng tác viên mảng biên tập cho Straits Times và OpinionAsia về thương mại và ngoại giao trong ASEAN. Ảnh: Bangkok Post. |
Tuyên bố chung của APEC kêu gọi các thành viên trong diễn đàn “cùng hợp tác toàn diện và có hiệu quả trong các vấn đề trọng tâm khu vực”. Tuyên bố cũng nhắc đến những vấn đề như tiêu chuẩn lao động, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng nguyên tắc quản lý các doanh nghiệp nhà nước và thúc đẩy nền kinh tế số.
Ngoài ra, hầu hết nhà lãnh đạo lên án mạnh mẽ xung đột ở Ukraine và nhấn mạnh xung đột “làm trầm trọng thêm những bất ổn hiện có trong nền kinh tế toàn cầu - kìm hãm tăng trưởng, gia tăng lạm phát, phá vỡ chuỗi cung ứng, gia tăng mất an ninh lương thực và năng lượng cùng rủi ro ổn định tài chính”.
Dẫu vậy, những bất đồng không hoàn toàn biến mất khi mỗi nền kinh tế có những cách khác nhau để thực hiện mục tiêu nêu trong tuyên bố chung của APEC. Tuyên bố thừa nhận “có những quan điểm và đánh giá khác nhau về tình hình và biện pháp trừng phạt”.
Chia sẻ với Zing, ông Chongkittavorn cho rằng xung đột ở Ukraine gây hệ lụy tiêu cực cho kinh tế khu vực, nhưng lệnh trừng phạt của phương Tây cũng là một phần vấn đề.
“Đó là lý do các vấn đề liên quan đến lệnh trừng phạt được nhắc đến (trong tuyên bố). Thật bất ngờ khi Nga đồng ý với tuyên bố chung. Và tôi nghĩ sở dĩ Nga đồng ý vì có cái nhìn tốt với Thái Lan trong tư cách là nước chủ trì APEC, cũng như lập trường chặt chẽ trong thái độ trung lập với xung đột Nga - Ukraine”, ông nói.
Ngoài ra, trong tuyên bố chung tại Bangkok hôm 19/11, các nhà lãnh đạo tại APEC cũng thông qua “Các Mục tiêu Bangkok" về mô hình kinh tế sinh học - tuần hoàn và xanh (BCG). Đây là chiến lược tăng trưởng sau đại dịch Covid-19 nhằm giải quyết vấn đề môi trường và khí hậu.
Trái với dự đoán của các chuyên gia, các nhà lãnh đạo nền kinh tế tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 và APEC đã bỏ qua được khác biệt để thông qua được một tuyên bố chung. Ảnh: AP. |
Chiến lược gồm 4 nội dung chính là nỗ lực toàn cầu trong ứng phó toàn diện với các thách thức về môi trường, thúc đẩy thương mại và đầu tư bền vững, bảo đảm chính sách thương mại và đầu tư có tác động tương hỗ đối với các chính sách môi trường, bảo tồn, quản lý và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, quản lý rác thải bền vững và hiệu quả tài nguyên hướng tới rác thải bằng không.
“Thừa nhận biến đổi khí hậu là hạng mục ưu tiên của APEC được coi là thành tựu lớn, vì trước đây (diễn đàn) có một số bất đồng về biến đổi khí hậu”, ông Sim chia sẻ.
Điểm tích cực sau 2 năm
Theo Nikkei Asia, các hội nghị thượng đỉnh không chỉ để đưa ra tuyên bố chung. Một trong những lợi ích của hội nghị thượng đỉnh là tạo cơ hội cho các nhà lãnh đạo phát triển mối quan hệ cá nhân với người đồng cấp thông qua các cuộc gặp song phương bên lề.
Một trong số điểm nổi bật nhất của 3 hội nghị thượng đỉnh liên tiếp tại Đông Nam Á trong tuần qua là cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề G20. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa 2 nhà lãnh đạo kể từ khi tổng thống Mỹ nhậm chức.
Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Bali ngày 14/11. Ảnh: Reuters. |
Cuộc gặp này có thể được coi là bước đầu hạ nhiệt, tạo điều kiện cho nhiều cuộc gặp mặt trực tiếp cấp cao giữa hai nền kinh tế đứng đầu thế giới.
"Chúng tôi đã rất thẳng thắn với nhau về những điểm mà chúng tôi không đồng ý hoặc những điểm mà chúng tôi không chắc chắn về lập trường của nhau", ông nói sau cuộc gặp ở Bali.
Trong khi đó, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris nói về cuộc trò chuyện với ông Tập hôm 20/11 ở Bangkok: "Chúng tôi hoan nghênh cạnh tranh, nhưng không muốn xung đột hay đối đầu với Trung Quốc".
"Tuy những nhân tố dẫn tới sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn còn tồn tại, các cuộc gặp bên lề những hội nghị quốc tế vừa qua giữa lãnh đạo 2 nước đã giúp hạ nhiệt căng thẳng, đồng thời giúp thiết lập lại đường dây liên lạc giữa các nhà lãnh đạo cấp cao của 2 nước", Mireya Solis, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Đông Á thuộc Viện nghiên cứu Brookings, trả lời Nikkei Asia vào hôm 19/11.
Phó tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp mặt tại Hội nghị thượng đỉnh APEC ở thủ đô Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Reuters. |
Nhật Bản và Trung Quốc cũng tổ chức cuộc gặp đầu tiên sau 3 năm bên lề APEC. “Việc phát triển các mối quan hệ cá nhân thông qua họp trực tuyến là rất khó”, một quan chức Nhật Bản nói. “Sau khi gặp mặt trực tiếp với Trung Quốc, chúng tôi cảm thấy nhiều hy vọng hơn trong việc thúc đẩy chương trình nghị sự song phương”.
Đây cũng là điểm mà nhà báo Thái Lan Kavi Chongkittavorn chú ý tới.
“Diễn đàn APEC đã cung cấp cơ hội cho các cuộc gặp gỡ không chính thức bên lề, như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Thủ tướng Nhật Bản Kishida, hay Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris có cơ hội gặp Chủ tịch Tập Cận Bình”, ông nói. “Các cuộc gặp bên lề này rất hữu ích, vừa giảm căng thẳng giữa các bên cạnh tranh, vừa tăng cường hợp tác hữu nghị”.
Đồng nhận định, chuyên gia Sim cho rằng việc họp mặt trực tiếp sau thời gian dài là điểm cần quan tâm.
“Tôi cho rằng nên nhìn APEC như một quá trình, chứ không nên tập trung vào bất cứ cuộc họp riêng lẻ nào. Xét trên bối cảnh đó, việc lãnh đạo APEC họp mặt trực tiếp sau hơn 2 năm đại dịch Covid-19 và trong thời điểm thế giới đứng trước nhiều thách thức là điểm đáng chú ý”, ông nhận định.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng chú ý tới sự vắng mặt của ông Joe Biden tại APEC năm nay. Trước đó, tổng thống Mỹ tham dự Hội nghị ASEAN ở Campuchia và G20 tại Indonesia, nhưng do vướng việc gia đình nên không thể tới APEC. Dẫu vậy, Mỹ đã cử một đại diện cấp cao khác tới là Phó tổng thống Kamala Harris.
“Mặc dù nước chủ nhà Thái Lan có thể cảm thấy thất vọng khi Tổng thống Biden vắng mặt, Phó tổng thống Harris đã tham dự. Điều này đã thể hiện cam kết của Mỹ đối với tiến trình APEC và khu vực nói chung”, ông Sim cho hay.
Mỹ nhận trọng trách nước chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh APEC vào năm 2023. Ảnh: Bloomberg. |
Trong khi đó, ông Chongkittavorn cho rằng việc phó tổng thống Mỹ đến dự hội nghị thay ông Joe Biden không ảnh hưởng đến kết quả và nội dung của cuộc họp APEC.
“Tôi nghĩ ông Biden đã bỏ lỡ cơ hội tốt để gặp gỡ các nhà lãnh đạo của các nền kinh tế khác. Sự có mặt của bà Harris rất quan trọng vì bà là nhà lãnh đạo quyền lực thứ hai ở Mỹ và việc nước này có mặt trong cuộc họp các nhà lãnh đạo châu Á Thái Bình Dương là rất quan trọng”, nhà báo Thái Lan nói.
“Đây cũng là lúc Mỹ tiếp bước Thái Lan để đảm nhận vai trò chủ tịch tiếp theo của APEC vào năm tới”, ông nói thêm.
Những cuốn sách nên đọc về G20
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về nền tảng mà G20 ra đời và hoạt động.
> Độc giả có thể xem thêm tại đây.
G20 Indonesia
Tổ chức quy mô lớn Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024
Bộ Quốc phòng Việt Nam sẽ tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 với quy mô và tầm vóc lớn, gồm nhiều hoạt động nổi bật.
Thủ tướng chia sẻ về năm tháng tuổi trẻ tại Romania
Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân thăm chính thức Romania từ ngày 20-22/1. Nhân dịp này, Thủ tướng đã trả lời phỏng vấn Tập đoàn truyền thông Clever Group, Romania.
Thủ tướng: Việt Nam kiên trì chính sách để trở thành điểm đến hàng đầu
Thủ tướng cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược gồm xây dựng hạ tầng chiến lược để giảm chi phí logistics, chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.
Tổng thống Indonesia kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới VN
Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Indonesia đã kết thúc tốt đẹp; qua đó, thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống, Đối tác Chiến lược VN-Indonesia đi vào chiều sâu và hiệu quả.
Phấn đấu đưa kim ngạch thương mại Việt Nam-Indonesia sớm đạt 15 tỷ USD
Tại buổi hội đàm, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt 15 tỷ USD hoặc cao hơn.