Sau khi tái đắc cử chức Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX vào tháng 10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến công du quan trọng đến khu vực Đông Nam Á, để tham dự chuỗi sự kiện quốc tế tâm điểm trong năm, bao gồm Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi G20 và Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).
Theo CNN, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thể hiện hình ảnh một nhà lãnh đạo cởi mở khi tham dự chuỗi sự kiện quốc tế quan trọng.
Trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 14/11, ông Tập còn khẳng định "các nhà lãnh đạo phải luôn suy nghĩ và biết cách cùng chung sống hòa bình với các quốc gia khác trên thế giới".
Sự thay đổi phong cách của ông Tập được thể hiện rõ nét nhất trong những tương tác của ông với lãnh đạo các quốc gia đồng minh của Mỹ và những lãnh đạo tại khu vực nơi Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh ảnh hưởng.
Trong chuỗi sự kiện, Mỹ cũng có những hành động nhằm thắt chặt quan hệ với đồng minh và đối tác để đối phó với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
"Châu Á - Thái Bình Dương không phải 'sân sau' của bất kỳ quốc gia nào và không nên trở thành khu vực cạnh tranh quyền lực giữa các cường quốc", ông Tập phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh APEC tại thủ đô Bangkok, nơi Tổng thống Biden không có mặt khi nhà lãnh đạo Mỹ đã bay về nước sau Hội nghị thượng đỉnh nhóm G20.
Chuyến đi thành công
Chuỗi các buổi tiếp xúc ngoại giao trực tiếp vừa qua được nhận định là một thắng lợi cho ông Tập trong bối cảnh Trung Quốc giảm các hoạt động tiếp xúc và giao thương với các quốc gia khác nhằm kiểm soát đại dịch Covid-19, tác động đáng kể tới quan hệ của nước này với những quốc gia trong khu vực châu Á và trên thế giới.
Thêm vào đó, giữa Bắc Kinh và các nước phương Tây cũng tồn tại một số bất đồng về vấn đề nguồn gốc của đại dịch Covid-19, các tranh chấp về lĩnh vực thương mại và tình hình xung đột tại Ukraine.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp mặt trực tiếp nhiều nhà lãnh đạo trong chuyến công du tham dự các hội nghị quốc tế ở khu vực Đông Nam Á vào tháng 11. Ảnh: Xinhua. |
"Chỉ cần nhìn số lượng các nguyên thủ quốc gia và nhà lãnh đạo muốn gặp mặt trực tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình, tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn có thể nói rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đạt được thành công lớn trong chuyến đi vừa qua", Wen-Ti Sung, một nhà chính trị học tại Đại học Quốc gia Australia nhận định.
Với nụ cười và những cái bắt tay, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã có những cuộc gặp với người đồng cấp của ông từ các nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ, Australia, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Indonesia, Philippines và Papua New Guinea. Trong số này, bao gồm cả những nhà lãnh đạo từng chỉ trích ông Tập trong quá khứ.
Trong nhiều bài phát biểu tại các sự kiện quốc tế vừa qua, ông Tập đã khắc họa bản thân là một nhà lãnh đạo đứng đầu phong trào thúc đẩy sự đoàn kết quốc tế.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã chỉ trích "chủ nghĩa phân chia tư tưởng, chính trị khối và tâm lý chiến tranh lạnh" của một số quốc gia. Ông cũng lên án hành vi vũ khí hóa quan hệ kinh tế và trao đổi thương mại.
Trong 2 hội nghị của nhóm G20 và APEC, ông Tập đã có một lịch trình bận rộn với 20 cuộc gặp song phương. Trong đó, một số cuộc gặp đã kéo dài tới đêm. ông cũng chủ động tổ chức các cuộc gặp tại khách sạn nơi ông đang ở.
Theo Jean-Pierre Cabestan, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Tin lành Hong Kong, các cuộc gặp này được thiết kế để thể hiện sức ảnh hưởng của Trung Quốc.
"Các nhà lãnh đạo đều kiên nhẫn sắp xếp cuộc gặp với nhà lãnh đạo Trung Quốc", giáo sư Cabestan cho biết.
Chủ tịch Tập Cận Bình là một trong những tâm điểm chú ý tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm G20 và Hội nghị thượng đỉnh APEC, sự kiện Tổng thống Mỹ Joe Biden đã không tham dự. Ảnh: Reuters. |
Tuy vậy, bên cạnh những cử chỉ thân thiện và thái độ hòa nhã, ông Tập cũng sẵn sàng tỏ ra cứng rắn với những cử chỉ được ông cho là mang tính thiếu tôn trọng.
Trong một khoảnh khắc được máy quay ghi lại, ông Tập được nhìn thấy đang trao đổi với Thủ tướng Canada Justin Trudeau, tỏ sự không hài lòng vì thông tin về nội dung cuộc trò chuyện trước đó giữa 2 nhà lãnh đạo bị tiết lộ ra ngoài. Khi cuộc đối thoại giữa 2 ông kết thúc, ông Tập đã miêu tả Thủ tướng Trudeau là một người "rất ngây thơ".
"Tương tác giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Trudeau cho thấy phong cách ngoại giao hòa nhã của nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng có giới hạn. Nếu bạn làm ảnh hưởng tới lợi ích của Trung Quốc, bạn sẽ bị phản ứng", ông Cabestan cho biết.
Mục tiêu
Đối với ông Tập, các buổi tiếp xúc ngoại giao với những nhà lãnh đạo phương Tây là bước quan trọng đầu tiên nhằm bình thường hóa quan hệ giữa các quốc gia, vốn bị tổn hại bởi chính sách đối ngoại cứng rắn của Bắc Kinh và phong cách "ngoại giao chiến lang" của các nhà ngoại giao Trung Quốc.
Bắc Kinh đang bắt đầu lo ngại về quá trình tách rời nền kinh tế của nước này và phương Tây. Tình trạng tăng trưởng kinh tế chậm lại cùng với hàng loạt lệnh cấm trong lĩnh vực chất bán dẫn được Mỹ áp dụng lên Trung Quốc đang khiến nền kinh tế số hai thế giới phải nỗ lực đảo ngược quá trình trên.
Trong các cuộc tiếp xúc với các nhà lãnh đạo nước ngoài tại chuỗi hội nghị quốc tế vừa qua, ông Tập sẵn sàng từ bỏ thái độ hòa nhã nếu nhận định lợi ích của Trung Quốc bị ảnh hưởng. Ảnh: CNN. |
Đáng chú ý, một trong những nhà lãnh đạo mà ông Tập gặp mặt tại bên lề Hội nghị thượng đỉnh nhóm G20 tại Bali, Indonesia là Thủ tướng Mark Rutte của Hà Lan, nơi đặt trụ sở của "gã khổng lồ" trong ngành công nghiệp chất bán dẫn ASML. Hà Lan đang chịu áp lực lớn từ phía Mỹ về việc dừng bán các sản phẩm bán dẫn cho Trung Quốc.
Trong cuộc gặp, ông Tập đã kêu gọi Thủ tướng Rutte "không tham gia vào quá trình tách rời các nền kinh tế" và "không chính trị hóa các vấn đề về kinh tế và thương mại". Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng mời thủ tướng Hà Lan thăm Bắc Kinh vào năm 2023.
"Trong khi Tổng thống Biden đang cố gắng xây dựng liên minh dựa trên các giá trị chung nhằm đối phó Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang tìm cách làm suy yếu liên minh này bằng các cuộc tiếp xúc trực tiếp với lãnh đạo từng nước", ông Sung, nhà khoa học chính trị phân tích.
Trong khi Mỹ cố gắng xây dựng liên minh các quốc gia dựa trên các giá trị chung, Trung Quốc cố gắng phá vỡ liên minh này dựa trên các cuộc gặp cấp cao trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo. Ảnh: China Ministry of Foreign Affairs. |
Các cuộc gặp của ông Tập với lãnh đạo nhiều quốc gia đồng minh của Mỹ càng trở nên đặc biệt hơn khi quan hệ giữa các quốc gia này và Trung Quốc đang trong tình trạng căng thẳng do những bất đồng về địa chính trị và trao đổi thương mại.
Trong các cuộc gặp đa phương khác như Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới G7, các bên tham gia đã ra tuyên bố chung bày tỏ sự lo ngại về chính sách đối nội của Trung Quốc tại đặc khu Hong Kong, khu tự trị Tân Cương và tình hình an ninh tại eo biển Đài Loan.
"Trong bối cảnh này, ông Tập đã chứng minh Bắc Kinh vẫn còn đủ vị thế và sức hấp dẫn để khiến các quốc gia này tìm cách làm việc với Trung Quốc. Theo góc nhìn này, đây là một thành công về mặt đối ngoại của ông Tập", ông Sung nhận định.
Ngoài thủ tướng Hà Lan, Chủ tịch Tập cùng gửi lời mời thăm Trung Quốc vào năm 2023 tới Ngoại Trưởng Mỹ Antony Blinken, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng mới đắc cử của Italy Giorgia Meloni.
Thông điệp trong nước
Những hành động của ông Tập tại các hội nghị quốc tế vừa qua cũng là một thông điệp gửi tới người dân Trung Quốc.
Đối với nhà lãnh đạo này, thông điệp quan trọng nhất ông muốn truyền tải tại quê nhà đã được nêu lên trước cuộc gặp đầu tiên giữa ông và Tổng thống Biden trên cương vị nhà lãnh đạo 2 cường quốc.
"Việc ông Tập nói chuyện với phong thái tự tin và luôn nở nụ cười trong cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Biden đã truyền đi thông điệp rằng kỷ nguyên của 'nhóm G2' đã tới", ông Sung cho biết.
Từ khi lên nắm quyền, ông Tập đã nói về "giấc mộng Trung Hoa", đưa đất nước trở về thời kỳ hoàng kim, lấy lại vị thế nhà lãnh đạo của thế giới mà nước này từng có trong quá khứ.
Thông qua cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch Tập Cận Bình muốn truyền đi thông điệp tới người dân Trung Quốc rằng nước này và Mỹ giờ đây là 2 quốc gia ngang hàng. Ảnh: Reuters. |
Trong những năm gần đây, ông Tập cũng thường xuyên cổ vũ nhận định rằng phương Tây đang trong thời kỳ suy thoái và thời đại của phương Đông đã tới.
"Đối với công chúng Trung Quốc, hình ảnh của 'nhóm G2', bao gồm Mỹ và Trung Quốc đại diện cho cả 2 góc nhìn mà ông Tập muốn thúc đẩy. Trung Quốc giờ đây có thể nói chuyện với Mỹ như những quốc gia ngang hàng", ông Sung nhận định.
Tuy nhiên, không thể dự đoán được liệu những nhà lãnh đạo này sẽ đến thăm một Trung Quốc không còn các biện pháp phong tỏa phòng dịch và hạn chế du lịch hay không.
Sự bùng nổ của Trung Quốc
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả cuốn sách “Sự bùng nổ của Trung Quốc” do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản tháng 4/2021. Cuốn sách được kết cấu thành 2 phần, bắt đầu với việc phác thảo bối cảnh lịch sử diễn ra sự bùng nổ tư bản (vốn) của Trung Quốc và cơ cấu tổ chức xã hội - chính trị những năm 1980 dẫn tới sự bùng nổ này.
G20 Indonesia
Tổ chức quy mô lớn Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024
Bộ Quốc phòng Việt Nam sẽ tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 với quy mô và tầm vóc lớn, gồm nhiều hoạt động nổi bật.
Thủ tướng chia sẻ về năm tháng tuổi trẻ tại Romania
Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân thăm chính thức Romania từ ngày 20-22/1. Nhân dịp này, Thủ tướng đã trả lời phỏng vấn Tập đoàn truyền thông Clever Group, Romania.
Thủ tướng: Việt Nam kiên trì chính sách để trở thành điểm đến hàng đầu
Thủ tướng cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược gồm xây dựng hạ tầng chiến lược để giảm chi phí logistics, chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.
Tổng thống Indonesia kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới VN
Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Indonesia đã kết thúc tốt đẹp; qua đó, thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống, Đối tác Chiến lược VN-Indonesia đi vào chiều sâu và hiệu quả.
Phấn đấu đưa kim ngạch thương mại Việt Nam-Indonesia sớm đạt 15 tỷ USD
Tại buổi hội đàm, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt 15 tỷ USD hoặc cao hơn.