Đầu tháng 6, Michelin Guide chính thức vinh danh 103 nhà hàng/quán ăn ở Hà Nội và TP.HCM. Đây là cẩm nang ẩm thực được đội ngũ thẩm định của Michelin đề cử dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau như chất lượng, kỹ năng nấu ăn, hương vị…
Theo công ty phân tích số liệu mạng xã hội YouNet Media, sự xuất hiện của danh sách 103 nhà hàng do Michelin đề cử thu hút lượng lớn sự quan tâm của người dùng.
Chỉ trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm tổ chức, sự kiện này đã dẫn đầu lĩnh vực ăn uống và lọt top 3 sự kiện nóng nhất trên mạng xã hội tại Việt Nam. Tổng cộng, lễ công bố đón nhận hơn 31.000 lượt thảo luận với 154.000 lượt tương tác.
Sức hút của thương hiệu Michelin khiến lượng khách tìm đến các nhà hàng/quán ăn nằm trong cẩm nang ẩm thực tăng đột biến. Không chỉ đón khách hàng tìm đến thưởng thức trực tiếp, đại diện một số cơ cở còn ghi nhận một lượng lớn nhu cầu đặt món qua các ứng dụng.
Đại diện Grab mới đây thông báo một số quán ăn, nhà hàng đối tác của GrabFood được đề xuất trong cẩm nang Michelin chứng kiến lượng đơn đặt hàng gia tăng, thậm chí tăng mạnh so với thời điểm trước sự kiện. Tương tự, ShopeeFood ghi nhận lượt truy cập bình quân vào các nhà hàng đối tác thuộc danh sách Michelin tăng gấp 3 lần thông thường.
Trước sức hút của sự kiện, cả hai ứng dụng đều triển khai tính năng riêng giúp người dùng dễ dàng tìm kiếm và đặt món tại nhà hàng được đề cử. Đây cũng là hai ứng dụng dẫn đầu thị phần gọi đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam theo số liệu năm 2022 của iPOS.
1/3 doanh số hàng ngày của Cơm tấm Ba Ghiền đến từ ứng dụng giao đồ ăn. Ảnh: Đào Phương. |
Trao đổi với phóng viên, anh Trương Vĩnh Thụy - con trai chủ quán Cơm tấm Ba Ghiền (TP.HCM) - cho biết doanh số đặt món qua ứng dụng tăng khoảng 30% so với trước khi lọt vào danh sách Michelin. Đây đồng thời là mức tăng trưởng doanh số ứng với lượng khách đến quán dùng trực tiếp.
“Chúng tôi đã kinh doanh mấy chục năm nay, đều đã quen với việc tiếp nhận lượng đơn hàng lớn nên không gặp nhiều trở ngại khi nhu cầu tăng cao. Ví dụ trước đông 8 phần thì nay đông 10 phần, mọi người trong quán đều phải đẩy nhanh tốc độ hơn”, anh Thụy nói.
Với hai ứng dụng hợp tác hiện nay là Grab và ShopeeFood, lượng đơn hàng từ app đặt đồ ăn hiện chiếm khoảng 1/3 tổng doanh số mỗi ngày của Cơm tấm Ba Nghiền.
Anh Thụy chia sẻ quán từng có nhân viên giao hàng riêng nhưng không thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Sau khi hợp tác với ứng dụng, quán bắt đầu dừng sử dụng nhân viên giao hàng trực tiếp.
Dẫu vậy, một số cửa hàng cho biết nhu cầu đặt đồ ăn trên thực tế không có nhiều biến động rõ ràng. Một phần do đặc thù món ăn chỉ ngon khi nóng sốt, tỷ trọng đơn hàng trên ứng dụng so với tổng doanh số hàng ngày của những quán ăn này không đáng kể.
Điển hình như Bánh cuốn Bà Xuân, đại diện cơ sở này cho biết phần lớn khách hàng tìm đến ăn trực tiếp nên lượng đơn từ ứng dụng không nhiều. Ngoài ra, quán cũng tỏ ra ngần ngại với các đơn đặt đồ ăn do vướng nhiều khúc mắc về vấn đề quyền lợi.
Trong khi đó, quản lý nhà hàng Ốc Vi Sài Gòn cho biết lượng đơn đặt hàng chỉ tăng tương đối. Do chủ yếu bán tại quán, tỷ trọng đơn hàng đặt đồ ăn cũng không chiếm đến 20% trên tổng doanh số.
Dẫu vậy, vị này không phủ nhận sự thuận tiện khi quán hợp tác với ứng dụng. “Trước đây quán không có người giao hàng. Khi khách muốn đặt món thì quán gặp vô số bất tiện, từ tìm shipper, đợi shipper rồi đến thanh toán. Quy trình rất lằng nhằng”, quản lý Ốc Vi Sài Gòn cho biết ngoài Grab và ShopeeFood, quán còn hợp tác với nhiều ứng dụng khác như Baemin.
Theo báo cáo của iPOS, đến hết năm 2022, Việt Nam có khoảng 338.600 nhà hàng/quán cà phê và tiếp tục xu hướng tăng dần đều với tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR) giai đoạn 2016-2022 khoảng 2%.
Qua quá trình khảo sát hơn 2.800 cơ sở kinh doanh F&B trên toàn quốc, chỉ 1.516 đơn vị tham gia bán hàng trực tuyến, chiếm 53,5%. Ở chiều ngược lại, vẫn còn 46,5% cơ sở không tham gia kênh bán hàng này.
Hiện GrabFood và ShopeeFood là hai ứng dụng bán hàng trực tuyến được ưa chuộng nhất khi có lần lượt 29% và 27,8% cơ sở kinh doanh lựa chọn. Kế sau đó là các ứng dụng gọi đồ ăn phổ biến khác như Baemin (18,4%), GoFood (10,5%), Loship (7,7%), beFood (4,4%).
Các kênh bán hàng khác như hotline hay website vẫn được sử dụng thường xuyên, có tỷ lệ lần lượt đạt 25,4% và 14,6%. Mặt khác, kênh mạng xã hội chỉ có 2,9% cơ sở quan tâm và sử dụng.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...