Một tiếng nổ lớn làm giường của tôi rung chuyển, âm thanh của kính vỡ phát ra từ mọi nơi quanh tôi. Cả căn hộ chìm trong bóng tối. Còi báo động không kích vang lên, và đêm đen trở nên ồn ào hơn. “Nole! Nole!” Cha tôi hét. Mẹ tôi nhảy ra khỏi giường khi nghe tiếng nổ, trượt chân, ngã về phía sau và đập đầu vào bộ tản nhiệt. Cha cố gắng giúp mẹ hồi tỉnh.
Hiếm có VĐV thể thao nào đã trải qua tuổi thơ dữ dội như Djokovic. |
Nhưng em tôi ở đâu? Marko lên 8. Djordje lên 4. Tôi là anh cả, 11 tuổi và tự chịu trách nhiệm về sự an toàn của mình kể từ khi lực lượng NATO bắt đầu ném bom quê hương Belgrade. Cách đó 300 m, gia đình dì tôi sống trong một tòa nhà có hầm tránh bom. Nếu có thể đến đó, chúng tôi sẽ an toàn.
Một tiếng rít cao vút khác vang lên, và một tiếng nổ làm rung chuyển tòa nhà của chúng tôi. Mẹ tôi tỉnh lại, chúng tôi lết xuống cầu thang, đi ra con đường tối tăm.
Thành phố chìm trong bóng tối hoàn toàn, và với tiếng còi báo động không kích vang lên, chúng tôi hầu như không thể nhìn hoặc nghe thấy gì. Cha mẹ bế các em tôi và tôi chạy ngay sau họ. Cho đến khi chân tôi va vào thứ gì đó, ngã sấp xuống vỉa hè, trầy xước ở tay và đầu gối. Nằm trên nền bê tông lạnh lẽo, tôi bỗng thấy cô đơn.
"Mẹ! Cha!" Tôi kêu lên, nhưng họ không thể nghe thấy tôi. Tôi thấy hình dáng họ nhỏ dần và mờ đi, biến mất vào màn đêm. Từ đằng sau, tôi nghe thấy tiếng gì đó xé toạc bầu trời, như thể một chiếc xẻng xúc tuyết khổng lồ đang cạo băng khỏi những đám mây. Vẫn nằm dài trên mặt đất, tôi quay lại nhìn lại tòa nhà của mình. Vươn lên từ trên nóc tòa nhà là hình tam giác màu xám thép của một chiếc máy bay ném bom F-117.
Tôi kinh hãi nhìn cái bụng kim loại vĩ đại của nó mở ra ngay phía trên tôi, và hai tên lửa dẫn đường bằng laze lao ra, nhắm vào gia đình tôi, bạn bè tôi, khu phố của tôi, tất cả những gì tôi từng biết. Những gì xảy ra tiếp theo sẽ không bao giờ rời xa ký ức của tôi. Thậm chí ngày nay, những âm thanh lớn còn khiến tôi sợ hãi.
Những ngày kỳ diệu trước khi bom rơi
Trước khi Belgrade bị NATO không kích, tuổi thơ của tôi thật kỳ diệu. Tôi may mắn chứng kiến Pete Sampras vô địch Wimbledon và quyết tâm theo bước anh ấy. Hơn thế nữa, tôi được ban phước khi, trong cùng năm đó, điều không tưởng đã xảy ra: Chính phủ quyết định xây dựng một học viện quần vợt ở khu nghỉ mát nhỏ trên núi Kopaonik, đối diện với nơi cha mẹ tôi kinh doanh tiệm bánh pizza Red Bull.
Người đã dạy Djokovic những cú đánh bóng đầu tiên, bà Jelena Gencic. |
Kopaonik là thị trấn trượt tuyết, nơi gia đình tôi nghỉ hè để tránh cái nóng của Belgrade. Gia đình tôi luôn yêu thích thể thao, cha tôi là một VĐV trượt tuyết và chúng tôi cũng yêu bóng đá. Nhưng bề mặt sân phẳng lì này là một thứ gì đó hoàn toàn xa lạ. Không ai tôi quen biết chơi quần vợt. Nó đơn giản không phải là môn thể thao mà người Serbia chú ý đến.
Khi các lớp học bắt đầu, tôi thường đứng bám tay vào hàng rào, xem các học viên tập. Nhịp điệu và thứ tự của trò chơi khiến tôi sững sờ. Cuối cùng, sau nhiều ngày nhìn tôi lảng vảng, một người phụ nữ bước đến chỗ tôi. Tên cô ấy là Jelena Gencic, và cô là HLV tại học viện. Cô cũng từng là một VĐV quần vợt chuyên nghiệp và từng huấn luyện Monica Seles.
“Cháu có biết đây là cái gì không? Cháu muốn chơi?", cô ấy hỏi tôi. “Hãy trở lại vào ngày mai.”
Ngày hôm sau, tôi xuất hiện với chiếc túi vợt. Bên trong là mọi thứ mà một tay vợt chuyên nghiệp cần: vợt, chai nước, khăn tắm, áo dự phòng, dây đeo cổ tay và bóng, tất cả đều được xếp gọn gàng. “Ai đóng gói cái này cho cháu?”, Jelena hỏi.
Tôi cảm thấy bị xúc phạm. “Cháu đã làm”, tôi nói với cô, thu hết niềm tự hào của đứa trẻ 6 tuổi.
Sau vài ngày, Jelena bắt đầu gọi tôi là “cậu bé vàng” của cô ấy. Cô nói với cha mẹ tôi: “Đây là tài năng tuyệt vời nhất mà tôi từng thấy kể từ sau Monica Seles”.
Mỗi ngày sau giờ học, tôi phớt lờ những đứa trẻ khác và lao về nhà luyện tập. Mỗi ngày, tôi đánh hàng trăm cú thuận tay, trái tay, giao bóng, cho đến khi các chuyển động cơ bản của quần vợt trở nên tự nhiên đối với tôi như đi bộ.
Cha mẹ tôi không thúc ép, HLV không cằn nhằn, nhưng tôi luôn muốn tập. Jelena không chỉ dạy tôi về quần vợt. Cô trở thành một đối tác với gia đình tôi trong việc giáo dục tôi. Jelena cho tôi nghe nhạc cổ điển và đọc thơ Pushkin để giúp tôi bình tĩnh và tập trung đầu óc. Gia đình khuyến khích tôi học ngôn ngữ, vì vậy tôi đã học tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Italy ngoài tiếng Serbia bản địa của mình.
Các bài học về quần vợt và các bài học về cuộc sống trở thành một. Tất cả những gì tôi muốn làm là ra sân đấu với Jelena và tìm hiểu thêm về môn thể thao này, về bản thân và về thế giới. Tôi lấy những chiếc cốc, bát hoặc miếng nhựa khác nhau làm chiếc cúp của mình, đứng trước gương và nói: “Nole là nhà vô địch! Nole là số một!”.
Tôi không thiếu tham vọng. Tôi không thiếu cơ hội. Và theo Jelena, tôi không thiếu tài năng. Tôi thực sự được ban phước. Nhưng sau đó là chiến tranh.
Sự sợ hãi không làm tan biến niềm đam mê
Tôi chứng kiến cặp tên lửa sinh đôi từ bụng chiếc máy bay xé toạc bầu trời. Tôi nhớ mùi cát bụi, kim loại trong không khí và cả thành phố rực rỡ như một quả quýt chín.
Lúc đó, tôi có thể nhìn thấy cha mẹ tôi đang chạy ở đằng xa, và tôi bật dậy phóng theo. Chúng tôi đến tòa nhà của dì tôi. Có những người khác từ tòa nhà, khoảng hai mươi gia đình. Tất cả đều xuống hầm với chăn màn, thức ăn, nước uống, vì không ai biết chúng tôi sẽ ở lại đó bao lâu.
Djokovic rất gắn bó với cha mẹ của anh. |
Trong 78 đêm liền, tôi và gia đình trốn trong hầm tránh bom. Cả đêm, chúng tôi nghe tiếng nổ. Cảm giác bất lực chi phối cuộc sống của chúng tôi. Chúng tôi không thể làm gì khác ngoài việc ngồi chờ đợi, hy vọng và cầu nguyện.
Nhưng chiến tranh không ngăn cản tôi theo đuổi quần vợt. Tôi gặp Jelena đâu đó ở Belgrade để luyện tập. Cô gắn bó với tôi và cố gắng giúp tôi sống một cuộc sống bình thường, ngay cả sau khi em gái cô bị tử thương vì bị một bức tường đổ đè lên người.
Chúng tôi sẽ đến địa điểm xảy ra các cuộc tấn công gần nhất, nghĩ rằng nếu họ mới đánh bom ngày hôm qua, thì có lẽ họ sẽ không trở lại hôm nay. Chúng tôi tập không có lưới, trên nền bê tông vỡ. Bạn tôi, Ana Ivanovic, phải tập trong một bể bơi bỏ hoang.
Chúng tôi tập mỗi ngày từ bốn đến năm giờ, thậm chí còn đấu các giải nghiệp dư trong thời gian bị đánh bom, điều đó mang lại cho chúng tôi rất nhiều niềm vui. Ngay cả khi chúng tôi tự hỏi liệu có sống sót sau chiến tranh hay không, cha mẹ tôi làm mọi thứ có thể để khiến cuộc sống trở nên bình thường. Cha tôi vay tiền ở mọi nơi, nhưng ông không muốn chúng tôi biết mình nghèo như thế nào.
Còn mẹ tôi thì rất mạnh mẽ. Chúng tôi thường chỉ có điện vài giờ mỗi ngày, vì vậy mẹ phải sẵn sàng nấu ăn nhanh nhất có thể. Mỗi buổi sáng lại có một miệng hố mới, một tòa nhà bị cháy, một đống đổ nát mới từng là nhà, xe cộ, cuộc sống. Chúng tôi tổ chức sinh nhật lần thứ 12 của tôi. Khi cha mẹ tôi đang hát bài “Happy Birthday”, giọng của họ bị át đi bởi tiếng gầm rú của những chiếc máy bay ném bom trên đầu.
Chúng tôi quyết định ngừng sợ hãi. Sau quá nhiều cái chết, quá nhiều sự tàn phá, chúng tôi chỉ đơn giản là ngừng ẩn náu. Một khi bạn nhận ra rằng bạn thực sự bất lực, một cảm giác tự do nhất định sẽ chiếm lấy bạn. Điều gì xảy ra sẽ xảy ra, và bạn không thể làm gì để thay đổi nó. Những người đồng hương của tôi bắt đầu chế giễu hoàn cảnh. NATO đang ném bom những cây cầu bắc qua sông Danube, họ tụ tập tại những cây cầu với những con bò đực sơn trên áo của họ, thách thức những quả bom đánh trúng họ. Một người bạn tôi thậm chí còn nhuộm tóc để trông giống hồng tâm.
Vào mùa xuân năm 2013, khi tôi đang thi đấu ở giải Pháp mở rộng, tôi nhận được tin Jelena đã qua đời. Nhưng những bài học cô dạy tôi không bao giờ rời xa tôi.
Cuốn tự truyện “Unstoppable: My life so far” của Maria Sharapova với chấp bút của nhà báo Rich Cohen xuất bản năm 2017, kể về sự nghiệp vượt qua nhiều hà khắc của búp bê Nga để từng có lúc vươn lên thành tay vợt số một thế giới và giành nhiều Grand Slam. Không chỉ vậy, cuốn tự truyện còn chỉ ra những mối quan hệ phức tạp của tay vợt này.