Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dinh thự xa hoa của tổng thống và nỗi khốn khổ của người dân Sri Lanka

Mỗi ngày trôi qua, người dân Sri Lanka càng thêm khốn khổ. Đa số họ ăn không đủ no, không có xăng để di chuyển, không đủ thuốc men để chữa bệnh,...

Khi những người biểu tình xông vào dinh thự tổng thống hôm 10/7, họ chứng kiến một cảnh tượng choáng ngợp. Hồ bơi rộng. Những món nội thất xa xỉ. Phòng tập thể dục riêng. Đó dường như là một thế giới khác so với cuộc sống mà những người biểu tình phải chịu đựng những tháng qua.

Ở bên ngoài dinh thự, trong các con phố trên khắp Sri Lanka, những chiếc xe tuk-tuk xếp hàng dài chờ đổ xăng trông như những con trăn kim loại khổng lồ.

Những tài xế buộc phải dành nhiều ngày xếp hàng để có thể tiếp tục chạy xe. Với bình chứa xăng 8 lít, một chiếc xe tuk-tuk chỉ có thể chạy trong khoảng 48 giờ. Sau đó, những tài xế lại tiếp tục gia nhập vào đoàn người chờ mua xăng. Họ còn mang theo chăn gối, quần áo và nước để sinh hoạt trên xe.

Nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu và thượng lưu từng mang đồ ăn và nước ngọt đến cho những người xếp hàng trong khu phố của họ. Nhưng gần đây, họ hiếm khi làm vậy, bởi chi phí thực phẩm, gas, điện, quần áo và phương tiện đi lại đã tăng vọt khi giá trị của đồng rupee giảm mạnh.

Nền kinh tế Sri Lanka đang rơi vào khủng hoảng trầm trọng, lạm phát tăng cao kỷ lục lên gần 60% và chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Đa số người dân không mua được đủ đồ ăn, không thể mua thuốc chữa bệnh, trẻ em thì không được đến trường.

Theo BBC, đây là một cuộc khủng hoảng xảy ra ở mọi cấp độ, từ kinh tế vĩ mô đến cấp độ phân tử.

Tổng thống Gotabaya Rajapaksa ngày 9/7 đã chấp nhận từ chức trước sức ép từ các cuộc biểu tình.

Nguoi dan Sri Lanka kho khan anh 1

Những hàng dài xe tuk-tuk chờ đổ xăng đã trở thành cảnh tượng quen thuộc ở Sri Lanka trong nhiều tháng qua. Ảnh: BBC.

Những bữa ăn thiếu dinh dưỡng

Trong các khu phố của tầng lớp lao động, các gia đình quây quần bên bếp lửa củi để chuẩn bị những bữa ăn đơn giản chỉ với cơm và cùi dừa khô (món dừa sambol).

Ngay cả món súp dhal, một món ăn cơ bản trong chế độ ăn của người Nam Á giờ đây cũng trở nên xa xỉ đối với người lao động Sri Lanka.

Các món thịt lại càng nằm ngoài tầm với của họ khi giá thịt đã tăng gấp 3 lần.

Cá tươi từng rất dồi dào với giá cả phải chăng. Nhưng giờ đây, tàu thuyền không thể ra khơi vì không có dầu diesel. Những ngư dân có thể ra khơi thì bán cá với mức giá cao ngất ngưởng cho các khách sạn và nhà hàng, nằm ngoài khả năng chi trả của hầu hết mọi người.

Đa số trẻ em Sri Lanka hiện nay buộc phải ăn theo chế độ hầu như không có protein. Sữa bột, hầu hết là hàng nhập khẩu, hầu như không xuất hiện trên các kệ hàng trong nhiều tháng.

Liên Hợp Quốc mới đây đã cảnh báo về tình trạng suy dinh dưỡng và một cuộc khủng hoảng nhân đạo tại đất nước này.

Nguoi dan Sri Lanka kho khan anh 2

Nhiều người Sri Lanka chuyển sang dùng củi thay cho gas giữa lúc nước này thiếu hụt nhiên liệu trầm trọng. Ảnh: BBC.

Cạn kiệt nhiên liệu

Do thiếu hụt ngoại hối nghiêm trọng, Sri Lanka không thể nhập khẩu nhiên liệu. Nguồn cung xăng dầu vốn đã khan hiếm trên quốc đảo này hiện nay hầu như cạn kiệt.

Trên thị trường chợ đen, nhiên liệu được bán với giá cao ngất ngưởng.

Các trường học hiện phải đóng cửa để tiết kiệm nhiên liệu. Học sinh và sinh viên phải học trực tuyến đến năm thứ 3 liên tiếp.

Không đủ tiền mua xăng, nhiều người lao động Sri Lanka đã cố gắng mua xe đạp để đi làm, nhưng tỷ giá hối đoái hiện nay khiến họ nhận ra ngay cả phương tiện di chuyển này cũng đã vượt quá tầm với của họ.

Những người may mắn mua được vé tàu xe thì thường phải di chuyển trên những chiếc xe buýt và tàu hỏa với lượng hành khách đông nghịt.

Trên những đoàn tàu, những người đàn ông trẻ tuổi bám víu vào thành tàu mặc nguy hiểm, trong khi đám đông ở bên trong toa thì chen chúc đến ngạt thở.

Nguoi dan Sri Lanka kho khan anh 3

Những đoàn tàu ngày càng trở nên đông đúc. Nhiều người phải bám víu vào thành tàu. Ảnh: BBC.

Ngành y tế hết thuốc

Ngành y tế Sri Lanka đã không còn đủ khả năng để cung cấp nhiều loại thuốc.

Tại thành phố Anuradhapura, một thanh niên 16 tuổi bị rắn cắn đã chết sau khi cha anh tuyệt vọng chạy từ hiệu thuốc này sang hiệu thuốc khác để tìm kiếm loại thuốc chống nọc độc mà bệnh viện công đã hết.

Hồi tháng 5, một đứa trẻ 2 ngày tuổi bị vàng da đã qua đời sau khi cha mẹ em không thể tìm thấy một chiếc xích lô để đưa em đến bệnh viện.

Ngọn lửa phẫn nộ

Ngày càng có nhiều quan điểm cho rằng chính sự coi thường của giới tinh hoa chính trị và tài chính đối với thường dân đã khiến đất nước lâm vào cảnh khốn cùng. Giờ đây, chính tầng lớp trung lưu và lao động là những người đang phải hứng chịu hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ này.

Đợt cắt điện tồi tệ hồi tháng 3 đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình lan rộng ở thủ đô Colombo. Khoảng thời gian đó, những đợt cắt điện kéo dài 13 giờ mỗi ngày đã khiến người dân Sri Lanka kiệt quệ trong những tuần nóng nhất trong năm.

Sự mệt mỏi đã làm bùng lên ngọn lửa phẫn nộ. Một đám đông hàng nghìn người đã đổ về vùng ngoại ô phía đông Colombo và biểu tình trước dinh thự của tổng thống.

Nguoi dan Sri Lanka kho khan anh 4

Ngày 9/7, hàng nghìn người biểu tình vượt rào chắn của cảnh sát và xông vào dinh thự của tổng thống Sri Lanka ở thủ đô Colombo nhằm gây sức ép, yêu cầu nhà lãnh đạo từ chức. Ảnh: Reuters.

Trên mạng xã hội, các chính trị gia tỏ ra cảm thông. Họ đăng tải những bức ảnh về tình cảnh khó khăn của người dân và kêu gọi sự thay đổi.

Nhưng làm vậy chẳng khác nào thêm dầu vào lửa. Người dân cho rằng chính các chính trị gia là những người đẩy đất nước và nhân dân vào tình cảnh này.

Vậy mà giờ đây, cũng chính những nhà lãnh đạo bị cáo buộc đẩy Sri Lanka xuống vực thẳm khủng hoảng khẳng định chỉ có họ mới có thể vực dậy hòn đảo này.

Trên thực tế, các chính sách mà họ đưa ra đã vấp phải nhiều chỉ trích gay gắt.

Chẳng hạn, họ kêu gọi người dân ra nước ngoài làm người giúp việc, tài xế và thợ máy ở Trung Đông, với hy vọng lực lượng xuất khẩu lao động sẽ gửi thu nhập về nước.

Tuy nhiên, điều này có thể sẽ chỉ làm tăng thêm sự khốn khổ cho tầng lớp công dân dễ bị tổn thương nhất của Sri Lanka. Bởi lẽ, những người Sri Lanka nghèo không có hy vọng tìm được việc làm tại địa phương, buộc phải rời bỏ gia đình để đến các quốc gia khác sẽ nhận được rất ít sự bảo hộ ở nước ngoài.

Người biểu tình nô đùa sau khi xông vào nhà tổng thống Sri Lanka Sau khi Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa tháo chạy khỏi dinh thự ở Colombo, báo địa phương Daily Mirror đăng video cho thấy người biểu tình nô đùa ở bể bơi của tòa nhà.

Từ nơi ẩn náu, thủ tướng Sri Lanka đồng ý từ chức

Văn phòng Thủ tướng Sri Lanka nói vị này sẵn sàng từ chức để mở đường thành lập chính phủ mới có đại diện mọi bên. Hiện vẫn chưa rõ ông ẩn náu ở đâu trước làn sóng biểu tình.

Đám đông giận dữ xông vào dinh thự tổng thống Sri Lanka

Hàng nghìn người biểu tình ngày 9/7 vượt rào chắn của cảnh sát và xông vào dinh thự của tổng thống Sri Lanka ở thủ đô Colombo nhằm gây sức ép, yêu cầu nhà lãnh đạo từ chức.

Lê Ngọc

Theo BBC

Bạn có thể quan tâm