Nhiều người biểu tình, cầm cờ và mũ bảo hiểm, xông vào dinh thự của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa để thể hiện sự phẫn nộ khi cho rằng nhà lãnh đạo không thể bảo vệ họ trước cuộc khủng hoảng kinh tế. Từ bên trong nhà của tổng thống, người dân tràn vào các phòng và hành lang, hô vang khẩu hiệu chống ông Rajapaksa. |
Việc cảnh sát bắn chỉ thiên cũng không thể ngăn đám đông giận dữ bao vây tư dinh tổng thống. Nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Sri Lanka cho biết Tổng thống Rajapaksa đã được sơ tán khỏi dinh thự từ tối 8/7 vì sự an toàn của ông do lo ngại biểu tình lớn vào cuối tuần. |
Hàng trăm người cũng tụ tập bên ngoài khuôn viên dinh thự. Cảnh sát Sri Lanka đã phải bắn hơi cay vào đám đông. Ít nhất 21 người, trong đó có hai cảnh sát, bị thương trong các cuộc biểu tình, các nguồn tin từ bệnh viện nói với Reuters. |
Thủ tướng Sri Lanka triệu tập cuộc họp khẩn với các nhà lãnh đạo sau khi vụ việc đám đông xông vào nhà tổng thống. Ông Ranil Wickremesinghe cũng yêu cầu triệu tập Quốc hội. |
Nhiều người cho rằng cuộc khủng hoảng tồi tệ này bắt nguồn từ Tổng thống Rajapaksa. Các cuộc biểu tình ôn hòa lớn đã bắt đầu từ tháng 3 để yêu cầu ông từ chức. |
Bất chấp tình trạng thiếu nhiên liệu trầm trọng khiến các dịch vụ vận tải bị đình trệ, những người biểu tình từ một số vùng đã lên xe buýt, xe lửa và xe tải. |
Sampath Perera, ngư dân 37 tuổi đã bắt xe buýt từ thị trấn ven biển Negombo cách Colombo 45 km về phía bắc, để tham gia cuộc biểu tình ở thủ đô. “Chúng tôi nhắc đi nhắc lại rằng ông Gota hãy từ chức đi, nhưng ông ấy vẫn bám víu vào quyền lực. Chúng tôi sẽ không dừng lại cho đến khi ông ấy từ chức”, anh Perera nói. |
Ngư dân này nằm trong số hàng triệu người bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng thiếu nhiên liệu trầm trọng và lạm phát đạt 54,6% vào tháng 6. Quốc gia 22 triệu dân đang phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt ngoại hối trầm trọng, khiến việc nhập khẩu nhiên liệu, thực phẩm và thuốc bị hạn chế. |
Nền kinh tế Sri Lanka chịu áp lực của các khoản nợ chồng chất, chi phí hàng hóa tăng cao, doanh thu du lịch bị mất và các tác động khác của đại dịch. |
Hôm 22/6, thủ tướng Sri Lanka nói rằng nền kinh tế nước này đã "hoàn toàn sụp đổ". Ông Ranil Wickremesinghe cho rằng quốc gia Nam Á sẽ phải một mình đối mặt với “tình huống nghiêm trọng hơn nhiều” so với tình trạng thiếu hụt hiện tại. Ông cũng cảnh báo về “khả năng rơi xuống đáy vực” của nền kinh tế nước này, theo AP. |
Bất ổn chính trị có thể ngăn cản các cuộc đàm phán của Sri Lanka với Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhằm tìm kiếm khoản cứu trợ 3 tỷ USD, cơ cấu lại một số khoản nợ nước ngoài và huy động vốn từ các nguồn đa phương và song phương để giảm bớt tình trạng thiếu hụt đồng USD. |