Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Điềm báo IS và al-Qaeda trỗi dậy sau khi Mỹ rút quân

Nhiều cảnh báo cho thấy các tổ chức khủng bố có dấu hiệu trỗi dậy ở Afghanistan, khi Mỹ và đồng minh rút khỏi đất nước này sau 20 năm đóng quân tại đây.

Vụ đánh bom liều chết ở sân bay Kabul hôm 26/8 khiến hơn 100 người tử vong, bao gồm 13 lính Mỹ, củng cố quan ngại của nhiều người rằng Afghanistan sẽ trở thành "hang ổ" của các tổ chức khủng bố, như al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS), theo New York Times.

Trên thực tế, vài ngày trước khi vụ đánh bom xảy ra, Mỹ liên tục cảnh báo công dân nước này không nên kéo đến sân bay Kabul do lo ngại nguy cơ khủng bố.

Trong hai mươi năm đóng quân ở Afghanistan, Mỹ và đồng minh đã gây thiệt hại nặng nề cho al-Qaeda và IS, tiêu diệt nhiều chiến binh và thủ lĩnh của các tổ chức này.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia về khủng bố, hai tổ chức này có khả năng thích ứng và phát triển thêm nhiều nhóm nhỏ, để liên tục thực hiện các hành vi bạo lực cực đoan trên toàn thế giới.

ISIS va al-Qaede khung bo anh 1

Vào ngày 26/8, hai kẻ đánh bom liều chết đã tấn công vào sân bay quốc tế Hamid Karzai, khiến hơn 100 người tử vong, trong đó có 13 lính Mỹ. Ảnh: New York Times.

Vụ đánh bom liều chết ở sân bay Kabul vừa qua cho thấy mức độ nguy hiểm của các tổ chức này vẫn không thể bị xem thường, mặc cho những nỗ lực chống khủng bố của Mỹ.

Vụ việc cũng dấy lên một câu hỏi cho Taliban: Liệu tổ chức này có thể giữ lời hứa với cựu Tổng thống Trump vào năm 2020 rằng Afghanistan sẽ không là "cái nôi" cho những cuộc tấn công vào Mỹ và các nước đồng minh không?

IS vẫn là mối nguy hiểm

Việc Taliban nắm chính quyền không đồng nghĩa với việc tổ chức này kiểm soát toàn bộ phần tử quá khích ở Afghanistan. Nhóm Nhà nước Hồi giáo Khorasan (ISIS-K) quy mô nhỏ hơn nhưng đã tổ chức nhiều cuộc tấn công nhằm vào người dân và viên chức Afghanistan, cũng như vào Taliban.

Vài tháng trước khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, khoảng 8.000-10.000 chiến binh thánh chiến từ Trung Á, Bắc Kavkaz, Pakistan... đổ về Afghanistan, theo báo cáo của Liên Hợp Quốc hồi tháng 6.

Phần lớn các chiến binh này thuộc Taliban và al-Qaeda. Tuy nhiên, một bộ phần nhỏ những chiến binh này theo ISIS-K - kẻ thù của Taliban.

Tuy các chuyên gia về khủng bố cho rằng lực lượng IS ở Afghanistan không thể chống lại các đòn tấn công quy mô lớn của các nước phương Tây, họ nói lực lượng này giờ đây nguy hiểm hơn hẳn các nhánh của al-Qaeda hoạt động rải rác ở các khu vực khác nhau.

"Rõ ràng là IS là mối nguy hiểm lớn hơn al-Qaeda ở Iraq, Syria, châu Á và châu Phi", theo ông Hassan Abu Hanieh, một chuyên gia về phong trào Hồi giáo. "IS đang mở rộng địa bàn của mình và chiêu mộ thế hệ chiến binh mới hơn".

ISIS va al-Qaede khung bo anh 2

Người dân Afghanistan ở sân bay Kabul hiện là mục tiêu tấn công của các tổ chức khủng bố. Ảnh: New York Times.

Vào ngày 25/8, giới chức Mỹ cảnh báo về nguy cơ tấn công từ IS, bao gồm những kẻ đánh bom liều chết trà trộn vào đám đông bên ngoài sân bay quốc tế Hamid Karzai.

Một nhánh nhỏ, gọi là ISIS-K, được thành lập vào năm 2014 bởi các chiến binh Taliban chống đối chính phủ Pakistan. Trong năm nay, nhóm này tổ chức nhiều đợt tấn công hơn, theo báo cáo của Liên Hợp Quốc.

Người sáng lập ISIS-K, Hafiz Saaed Khan, đã bị tiêu diệt trong cuộc không kích của Mỹ vào năm 2016, theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). Vào năm 2017, Mỹ thả bom MOAB vào hang ổ của ISIS-K, tiêu diệt nhiều chiến binh. Đến nay, nhóm này chỉ còn khoảng 1.500-2.000 chiến binh chủ chốt ở tỉnh Konar và Nangahar.

Tuy nhiên, vào tháng 6/2020, Shahab al-Muhajir trở thành chỉ huy mới, chiêu mộ những chiến binh Taliban và các phần tử quá khích khác. Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho rằng ISIS-K vẫn "hoạt động mạnh mẽ và nguy hiểm".

Lực lượng IS ở Afghanistan là kẻ thù của Taliban. Hai tổ chức này từng chiến đấu với nhau giành địa bàn, chủ yếu là ở miền Đông Afghanistan. Mới đây, IS đã tuyên bố không công nhận việc Taliban nắm chính quyền Afghanistan. Một số nhà phân tích cho biết các chiến binh Taliban có nhiều kinh nghiệm chinh chiến đã rời lực lượng này và gia nhập IS.

Cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng

Về phần mình, al-Qaeda đã thay đổi nhiều so với khi trùm khủng bố quá cố Osama bin Laden là lãnh đạo. Lực lượng này thành lập nhiều "chân rết" ở Yemen, Iraq, Syria, cũng như nhiều nơi ở châu Phi và châu Á.

Trong quá trình hoạt động, một số nhóm điều chỉnh, hoặc thậm chí bãi bỏ, tư tưởng gốc của al-Qaeda để đạt được mục đích riêng. Thủ lĩnh hiện tại của al-Qaeda, Ayman al-Zawahri, nay đã cao tuổi và được cho là đang dưỡng bệnh ở Afghanistan.

Nhìn chung, al-Qaeda không thể kiểm soát được các nhóm nhỏ của mình như Nhà nước Hồi giáo, theo ông Hassan Hassan, tổng biên tập của tạp chí Newlines.

"Với al-Qaeda, tổ chức này cử một thành viên bất kỳ để quản lý các nhóm nhỏ", ông cho biết. "Ngược lại, Nhà nước Hồi giáo sẽ cử một thành viên cấp cao từ tổ chức gốc để kiểm soát những nhóm nhỏ này".

ISIS và al-Qaeda vẫn là hai tổ chức thù địch, cạnh tranh trong việc chiêu mộ và huy động tài chính. Bên cạnh đó, hai tổ chức này nhiều lần đấu tranh trực tiếp với nhau ở Afghanistan, Syria và nhiều nơi khác.

Giờ đây, trong bối cảnh Mỹ rút quân và Taliban mở rộng tầm kiểm soát, Afghanistan có thể trở thành chiến trường chính của al-Qaeda và ISIS.

ISIS va al-Qaede khung bo anh 3

Cách quản lý nhà nước của Taliban sẽ quyết định tương lai của các tổ chức khủng bố ở Afghanistan. Ảnh: Reuters.

Thách thức cho Taliban

Theo nội dung thỏa thuận với chính quyền cựu Tổng thống Trump vào năm 2020, Taliban cam kết sẽ không để cho al-Qaeda hay IS dùng lãnh thổ Afghanistan để chuẩn bị cho các cuộc tấn công vào Mỹ.

Cách Taliban quản lý nhà nước sẽ quyết định tương lai của các nhóm khủng bố ở Afghanistan. Trong bài phát biểu sau khi nắm quyền kiểm soát ở Kabul, giới chức Taliban cho biết họ sẽ không áp đặt các luật lệ hà khắc như năm 2001.

Tuy nhiên, ông Abu Hanieh, chuyên gia về phong trào Hồi giáo, cho biết nội bộ Taliban không hoàn toàn thống nhất. Nhiều thành viên chủ chốt của Taliban sẽ đầu quân cho IS nếu lực lượng này không cứng rắn trong việc quản lý nhà nước, đặc biệt là việc thực thi luật Hồi giáo nghiêm ngặt.

"Đây sẽ là thử thách lớn cho Taliban", ông Hanieh cho biết. "Lực lượng này sẽ khó có thể bãi bỏ khía cạnh cực đoan, kể cả khi họ muốn".

IS-K là ai?

Với hệ tư tưởng cực đoan được truyền cảm hứng từ IS toàn cầu, IS-K là nhóm bạo lực nhất trong các nhóm chiến binh thánh chiến ở Afghanistan và là kẻ thù của Taliban.

Đám đông ở sân bay Kabul trước khi vụ đánh bom xảy ra

Nhiều người Afghanistan và quân đội Mỹ đã tụ tập tại một cổng bên ngoài sân bay Kabul vào ngày 26/8, chỉ vài giờ trước khi hai vụ nổ xé toạc đám đông và giết chết cả trăm người.

Thế Hào

Bạn có thể quan tâm