Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

IS-K là ai?

Với hệ tư tưởng cực đoan được truyền cảm hứng từ IS toàn cầu, IS-K là nhóm bạo lực nhất trong các nhóm chiến binh thánh chiến ở Afghanistan và là kẻ thù của Taliban.

Mỹ đã đổ lỗi cho Tổ chức Nhà nước Hồi giáo Khorasan (IS-K) gây ra vụ đánh bom liều chết bên ngoài sân bay Kabul, Afghanistan hôm 26/8. Tổ chức này là chi nhánh của IS toàn cầu được hình thành ở miền Đông Afghanistan 6 năm trước, và nhanh chóng phát triển thành một trong những mối đe dọa khủng bố nguy hiểm trên toàn cầu, AP cho biết.

Tổ chức này nhiều năm bị Mỹ và liên quân tấn công, nhưng IS-K vẫn tồn tại để thực hiện vụ tấn công khủng bố đẫm máu mới nhất, khi Mỹ và đồng minh rút khỏi Afghanistan.

Vụ đánh bom liều chết khiến 13 lính Mỹ và 60 thường dân thiệt mạng. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra thời hạn chót để rút các lực lượng Mỹ khỏi Afghanistan vào ngày 31/8.

Những chiến binh Taliban bất mãn

Tổ chức này là chi nhánh ở Trung Á của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tổ chức này được thành lập vào tháng 1/2015, vài tháng sau khi các chiến binh nòng cốt của IS càn quét khắp Iraq và Syria, tạo nên một đế chế Hồi giáo tự xưng vào mùa hè năm 2014.

Chi nhánh của IS ở Afghanistan được lấy theo tên của Đại Khorasan - một khu vực bao gồm phần lớn lãnh thổ Afghanistan, Iran và Trung Á thời Trung cổ.

Tan cong khung bo o Afghanistan anh 1

IS-K theo đuổi hệ tư tưởng cực đoan và bạo lực của IS toàn cầu. Ảnh: BBC.

Ban đầu tổ chức này hình thành từ hàng trăm chiến binh Taliban ở Pakistan - những tay súng bị các chiến dịch quân sự của Mỹ đẩy qua biên giới Afghanistan. Sau đó, họ tập hợp các phần tử cực đoan có cùng chí hướng, bao gồm các chiến binh Taliban bất mãn với tổ chức.

Khi Taliban theo đuổi các cuộc đàm phán hòa bình với Mỹ, những tay súng bất mãn với Taliban đã chuyển sang gia nhập IS-K. Những người này cho rằng Taliban đã trở nên quá ôn hòa. Họ không nên đàm phán với Mỹ, khi đang trên đà tiến tới một chiến thắng quân sự.

IS-K cũng thu hút một lượng lớn những tay súng từ phong trào Hồi giáo Uzberkistan - quốc gia láng giềng với Afghanistan. Họ cũng tập hợp các chiến binh Hồi giáo dòng Sunni ở Iran và thành viên đảng Hồi giáo Turkistan, bao gồm người Duy Ngô Nhĩ ở phía đông bắc Trung Quốc.

Điều gì khiến họ trở nên đáng sợ?

Trong khi Taliban giới hạn cuộc đấu tranh của họ ở Afghanistan, các chi nhánh của IS ở Pakistan và Afghanistan đã chấp nhận lời kêu gọi thánh chiến trên toàn thế giới, chống lại những người không theo đạo Hồi.

Tan cong khung bo o Afghanistan anh 2

Những người bị thương nằm la liệt trong bệnh viện sau vụ đánh bom liều chết bên ngoài sân bay Kabul. Ảnh: AP.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), có trụ sở tại Washington, Mỹ đã thống kê được hàng chục cuộc tấn công của IS-K nhắm vào thường dân ở Afghanistan và Pakistan, bao gồm người Hồi giáo dòng Shiite thiểu số.

IS-K đã gây ra hàng trăm cuộc đụng độ với liên quân Mỹ ở Afghanistan và Pakistan kể từ tháng 1/2017. Tổ chức này vẫn chưa tấn công khủng bố vào nước Mỹ. Washington tin rằng nhóm này là mối đe dọa lâu dài đối với lợi ích của Mỹ và đồng minh ở Nam và Trung Á.

Ngay cả khi có quân đội Mỹ đồn trú ở Afghanistan với các máy bay không người lái theo dõi ngày đêm, IS-K vẫn có thể thực hiện các vụ tấn công liều chết và chấp nhận hàng nghìn thương vong cho chính họ.

Các quan chức cho biết việc Mỹ rút quân đã làm mất đi khả năng tấn công trên bộ ở Afghanistan, đồng thời có thể làm suy yếu khả năng theo dõi các kế hoạch tấn công của IS-K.

Các quan chức của chính quyền Biden cảnh báo rằng IS-K chỉ là một trong nhiều mối đe dọa khủng bố mà Mỹ phải đối mặt trên toàn cầu. Họ nhấn mạnh rằng có thể giám sát khủng bố bằng tài sản tình báo và quân sự đóng quân tại các quốc gia vùng Vịnh, trên tàu sân bay, hoặc địa điểm khác xa hơn.

Nhưng một trong những nỗi sợ hãi lớn hơn là việc Mỹ rút quân, Taliban lên nắm quyền có thể biến Afghanistan thành cái nôi của các tổ chức khủng bố âm mưu tấn công phương Tây.

IS-K có liên hệ với Taliban không?

Phần lớn các thành viên của IS-K bị lôi cuốn bởi hệ tư tưởng bạo lực và cực đoan của IS, bao gồm lời hứa về một vương quốc để thống nhất thế giới Hồi giáo - một mục tiêu mà Taliban không bao giờ đồng ý.

Theo một số nhà nghiên cứu, IS-K có mối liên hệ chặt chẽ với mạng lưới Haqqani của Taliban - nhóm gồm những tay súng khét tiếng nhất Afghanistan.

"Một số cuộc tấn công lớn từ năm 2017 đến nay có liên quan đến sự hợp tác giữa IS-K và mạng lưới Haqqani của Taliban, và các nhóm khủng bố khác có trụ sở tại Pakistan", tiến sĩ Sajjan Gohel, nhà nghiên cứu các mạng lưới chiến binh ở Afghanistan, thuộc Quỹ châu Á - Thái Bình Dương, nói.

Nhưng khi Taliban bắt đầu đàm phán hòa bình với Mỹ, mối quan hệ giữa IS-K và Taliban bắt đầu rạn nứt. Thậm chí, IS-K xem Taliban như kẻ thù. Taliban từng phối hợp với quân đội chính phủ Afghanistan đánh bật IS-K khỏi các khu vực đông bắc Afghanistan.

Một số nhà phân tích nhận định, IS-K sẽ là thách thức an ninh lớn đối với chính quyền sắp tới của Taliban.

Nhân chứng kể lại khoảnh khắc xảy ra vụ đánh bom ở Kabul Hai quả bom đã phát nổ gần sân bay Kabul ở Afghanistan hôm 26/8, nhắm vào những người đang muốn rời khỏi đất nước sau khi Taliban tiếp quản.

Hơn 100 người chết trong vụ đánh bom thảm khốc ở Kabul

Sau các vụ tấn công khủng bố hôm 26/8 khiến hơn 100 người thiệt mạng, bao gồm 90 người Afghanistan và 13 binh sĩ Mỹ, sân bay Kabul trở nên hỗn loạn.

Thế giới lên án vụ đánh bom 'vô nhân đạo' ở Kabul

Các lãnh đạo thế giới chỉ trích vụ tấn công ở gần sân bay Kabul là "man rợ" và "vô nhân đạo", do đó cần nhanh chóng sơ tán người dân trước hạn chót 31/8.

Trung Hiếu

Bạn có thể quan tâm