Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Để hiểu toan tính của ông Putin, hãy nhìn vào căn cứ nhạy cảm ở Ba Lan

Một cơ sở quân sự của Mỹ tại bìa rừng Ba Lan được cho là lý do sâu xa ẩn sau những toan tính của Điện Kremlin khi cho điều quân tới gần khu vực biên giới Ukraine.

cang thang nga my anh 1

Tomasz Czescik, nhà khảo cổ học và nhà báo truyền hình người Ba Lan, mỗi sáng đều dắt chó đi dạo qua một khu rừng gần nhà ở sườn phía đông của NATO.

Ông tận hưởng bầu không khí trong lành và buổi sáng yên tĩnh, cho đến khi loa phát thanh ở phía bên kia hàng rào, có gắn biển báo “Tránh xa” bằng tiếng Ba Lan, tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Nga, bắt đầu phát nhạc.

“Tôi chưa thấy ai từng vào trong đó”, ông Czescik nói, chỉ tay qua hàng rào về phía tòa nhà ở đằng xa.

Hàng rào là vành đai bên ngoài của cơ sở quân sự rất nhạy cảm của Mỹ, dự kiến ​hoạt động trong năm nay. Đây là “vũ khí” mà Washington khẳng định sẽ giúp bảo vệ châu Âu và Mỹ khỏi tên lửa đạn đạo từ Iran.

Nhưng đối với Tổng thống Nga Vladimir V. Putin, căn cứ quân sự ở Ba Lan và căn cứ khác ở Romania là bằng chứng cho mối đe dọa NATO sẽ mở rộng về phía đông. Đây được coi là một phần lý do cho việc ông đưa quân tới gần biên giới với Ukraine, theo New York Times.

Lầu Năm Góc mô tả hai địa điểm này là để phòng thủ và không liên quan đến Nga, nhưng Điện Kremlin tin rằng chúng có thể được sử dụng để bắn hạ tên lửa của Nga hoặc bắn tên lửa hành trình tấn công vào Moscow.

"Lằn ranh đỏ" của NATO

Ông Putin đã yêu cầu NATO giảm bớt hành động quân sự ở Đông và Trung Âu - điều mà Washington và châu Âu thẳng thừng từ chối.

Ông Putin quan tâm đến tên lửa của Mỹ gần biên giới Nga kể từ khi địa điểm ở Romania đi vào hoạt động vào năm 2016. Tuy nhiên, cơ sở của Ba Lan, nằm gần làng Redzikowo, chỉ cách lãnh thổ Nga khoảng 160 km và cách Moscow gần 800 km.

Hôm 16/2, căng thẳng ở Ukraine có dấu hiệu hạ nhiệt khi Nga tuyên bố rút thêm quân và Ukraine tỏ ý sẵn sàng từ bỏ tham vọng gia nhập NATO - một vấn đề quan trọng hiện nay với Moscow.

Căn cứ tại Ba Lan - chứa hệ thống có tên Aegis Ashore, trang bị các radar tinh vi với khả năng theo dõi tên lửa của đối thủ và dẫn hướng các tên lửa đánh chặn hạ gục chúng trên bầu trời. Nó cũng được trang bị bệ phóng tên lửa MK 41, thứ mà người Nga lo ngại có thể dễ dàng thay thế bắn các tên lửa tấn công như Tomahawk.

Đối với người dân ở Redzikowo, họ lo lắng khi phải sống ở nơi là mối lo an ninh hàng đầu của ông Putin.

Ryszard Kwiatkowski, kỹ sư dân dụng làm việc trong lĩnh vực xây dựng, cho biết khách hàng đặt căn hộ trong khu nhà công ty anh đang xây đã gọi điện hủy hợp đồng vì lo ngại Nga tấn công cơ sở phòng thủ tên lửa ở Redzikowo.

Không ai thực sự nghĩ rằng Nga sẽ tấn công cơ sở này bởi điều đó sẽ đưa Nga vào xung đột trực tiếp với NATO. Ba Lan đã là thành viên liên minh từ năm 1999. Nhưng giả định về một châu Âu thống nhất và hòa bình sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đang tan vỡ khi quân đội Nga đóng ở biên giới với Ukraine và Mỹ gửi hàng nghìn binh sĩ bổ sung đến Ba Lan.

Ông Kwiatkowski, người tham gia biểu tình phản đối xây dựng cơ sở của Mỹ tại Redzikowo vào năm 2016, cho biết Nga gây khó chịu khi phóng đại mối đe dọa từ NATO. Tuy nhiên, ông nói thêm cả hai bên đã tạo ra “cỗ máy sợ hãi” khi không biết chắc chắn những gì bên kia đang làm.

Thomas Graham, người từng làm trong Hội đồng An ninh Quốc gia của Tổng thống George W. Bush, cho biết Moscow chưa bao giờ tin những lời đảm bảo của Washington rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của họ nhằm vào Iran chứ không phải Nga.

“Cuộc khủng hoảng hiện tại thực sự rộng hơn nhiều so với Ukraine”, ông Graham nói, “Ukraine là điểm đòn bẩy nhưng giờ lại nghiêng về Ba Lan, Romania và các nước vùng Baltic. Người Nga cho rằng đã đến lúc sửa đổi dàn xếp hậu Chiến tranh Lạnh ở châu Âu theo hướng có lợi cho họ”.

Trong cuộc gặp với ông Putin hôm 14/2, Ngoại trưởng Nga Sergey V. Lavrov nhấn mạnh Nga muốn thấy "những thay đổi căn bản trong lĩnh vực an ninh châu Âu", vượt ra ngoài Ukraine, bao gồm NATO rút quân ở Đông Âu, giới hạn triển khai vũ khí tấn công và hạn chế tên lửa tầm trung.

Tomasz Smura, Giám đốc nghiên cứu của Casimir Pulaski Foundation, cho biết: “Đây là vấn đề rất lớn đối với Nga”.

Nhưng việc đóng cửa Redzikowo theo ý muốn của Moscow, ông nói thêm, là “lằn ranh đỏ” mà Mỹ và Ba Lan sẽ không vượt qua, mặc dù NATO - để đáp ứng yêu cầu của Moscow vào tháng 12/2021 - gần đây đã đề nghị thảo luận về “cơ chế minh bạch” với hy vọng xoa dịu những lo ngại của Nga về các địa điểm ở Ba Lan và Romania.

"Lợi ích của Nga đang bị chà đạp"

Nhưng Moscow còn muốn nhiều hơn thế.

Nga từ lâu coi phòng thủ tên lửa là nỗ lực nguy hiểm của Mỹ nhằm làm suy yếu vị thế cường quốc của Moscow - quốc gia có kho vũ khí hạt nhân khổng lồ.

Khả năng Mỹ có thể bắn hạ tên lửa đạn đạo của Nga làm suy yếu học thuyết răn đe lẫn nhau - khi cả hai cường quốc hạt nhân lớn nhất không bao giờ xảy ra chiến tranh hạt nhân vì cả hai đều bị tiêu diệt.

Trong Chiến tranh Lạnh, Nga và Mỹ nỗ lực phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa, nhưng đã đồng ý từ bỏ chương trình vào năm 1972 với hy vọng hòa bình.

Gần 30 năm sau, Tổng thống George W. Bush đã chọc giận ông Putin khi Mỹ rút khỏi hiệp ước năm 1972 và chỉ đạo Lầu Năm Góc xây dựng hệ thống để ngăn chặn các mối đe dọa từ tên lửa của Iran.

Việc Mỹ rút khỏi những gì từng là nền tảng của quan hệ siêu cường trong nhiều thập niên đã được Điện Kremlin nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Moscow cho rằng đây là khởi đầu cho những bất đồng với Mỹ, và ông Putin tin rằng lợi ích của Nga đang bị chà đạp.

“Trong một thời gian dài, chúng tôi cố gắng thuyết phục các đối tác không làm điều này”, ông Putin nói. “Tuy nhiên, Mỹ vẫn làm - rút khỏi hiệp ước. Giờ đây, các bệ phóng tên lửa đạn đạo đã được triển khai ở Romania và đang được thiết lập ở Ba Lan”.

cang thang nga my anh 4

Nga không tin Mỹ dùng căn cứ quân sự ở Đông Âu chỉ để phòng thủ Iran. Ảnh: New York Times.

Ông Putin nhấn mạnh nếu Ukraine xích lại gần NATO, “nước này sẽ chứa đầy vũ khí. Các vũ khí tấn công hiện đại sẽ được triển khai trên lãnh thổ của Ukraine giống như ở Ba Lan và Romania”.

Địa điểm Aegis Ashore ở Romania đã hoạt động trong 5 năm mà không xảy ra sự cố, nhưng Nga xem cơ sở phòng thủ tên lửa của Ba Lan là mối đe dọa nghiêm trọng hơn.

Tuy nhiên, lời nói “chúng tôi chỉ quan ngại Iran” của Mỹ đã bị Tổng thống Donald Trump xóa sạch. Ông từng tuyên bố hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ “phát hiện và tiêu diệt bất kỳ tên lửa nào được phóng chống lại Mỹ ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, bất kỳ nơi nào”.

Washington cũng phải vật lộn để thuyết phục ông Putin hai địa điểm phòng thủ tên lửa ở Đông Âu không có khả năng tấn công dễ dàng nhằm vào mục tiêu của Nga.

NATO tuyên bố các tên lửa đánh chặn triển khai trên bờ biển Aegis “không thể làm suy yếu khả năng răn đe chiến lược của Nga”, và “không sử dụng cho mục đích tấn công”. Các tên lửa đánh chặn không chứa chất nổ và không thể đánh trúng mục tiêu mặt đất.

“Ngoài ra, chúng tôi còn thiếu phần mềm, phần cứng và cơ sở hạ tầng cần thiết để phóng tên lửa tấn công”, NATO cho hay.

Tuy nhiên, một số chuyên gia độc lập tin rằng các bệ phóng MK 41 lắp đặt ở Ba Lan và Romania có thể bắn cả tên lửa đánh chặn phòng thủ và tên lửa tấn công.

Matt Korda, nhà phân tích tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, cho biết “nếu không kiểm tra trực quan, không có cách nào xác định liệu phần cứng và phần mềm dành riêng cho Tomahawk đã cài đặt tại các địa điểm Aegis Ashore ở châu Âu hay chưa”.

Cho đến nay, chỉ có binh lính NATO mới được phép đến bất cứ nơi nào gần bệ phóng hoặc các đơn vị kiểm soát.

Beata Jurys, người dân Redzikowo, cho biết bà chưa bao giờ vào bên trong cơ sở này. Bất kể ai đang nói sự thật, bà Jurys nói Moscow và Washington đã biến ngôi làng trở thành mục tiêu tiềm năng trong trường hợp chiến tranh xảy ra. “Nếu có điều gì đó xảy ra, thật không may chúng tôi sẽ là những người đầu tiên biết”, bà nói.

Xe tăng, máy bay, tên lửa Nga phô diễn hỏa lực thị uy Ukraine Hàng nghìn phương tiện chiến đấu của Nga đồng loạt nhả đạn phô diễn sức mạnh trong cuộc tập trận chung với Belarus, khi căng thẳng với Ukraine đang diễn biến phức tạp.

NATO tự đưa mình vào bẫy của Nga?

Việc phương Tây liên tục cáo buộc Nga chuẩn bị phát động chiến tranh với Ukraine khiến Mỹ và các đồng minh cạn dần lựa chọn, qua đó tự đẩy mình vào thế khó.

Tình báo Estonia phát hiện dấu hiệu khác thường của binh sĩ Nga

Người đứng đầu Cơ quan Tình báo Đối ngoại Estonia hôm 16/2 tiết lộ Nga đang tiếp tục điều quân tới biên giới và nhiều khả năng sẽ tiến hành tấn công quân sự hạn chế vào Ukraine.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm