Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

NATO tự đưa mình vào bẫy của Nga?

Việc phương Tây liên tục cáo buộc Nga chuẩn bị phát động chiến tranh với Ukraine khiến Mỹ và các đồng minh cạn dần lựa chọn, qua đó tự đẩy mình vào thế khó.

khung hoang Ukraine anh 1

Những ngày qua, cảnh báo của Mỹ về nguy cơ Nga phát động chiến tranh với Ukraine ngày càng khẩn cấp và nghiêm trọng hơn. Washington tin rằng Ukraine đang ở thế nghìn cân treo sợi tóc. Nhiều nước phương Tây khuyến cáo người dân rời Ukraine, cho thấy những cảnh báo của Mỹ được xem xét nghiêm túc.

Tuy nhiên, việc nhấn mạnh chiến tranh gần như chắc chắn xảy ra, cũng như loan báo về thời điểm cuộc chiến bùng nổ, đang dần lấy đi những lựa chọn của Mỹ và các đồng minh, trong khi cho phép Nga có thêm những phương án hành động.

Lợi thế của Nga

Moscow lúc này vẫn còn đó kế hoạch của riêng mình. Trong bối cảnh giới chức phương Tây lớn tiếng cảnh báo nguy cơ chiến tranh, Điện Kremlin có thể tùy cơ ứng biến để giành được ít nhất là một thắng lợi về ngoại giao, theo Guardian.

Nhiều ý kiến dự đoán Nga có thể tiếp tục duy trì lực lượng ở biên giới Ukraine, không tấn công cũng không lui binh, nhằm kéo dài tình trạng bên miệng hố chiến tranh, theo AP.

Tháng 11/2021, Tổng thống Vladimir Putin lần đầu công khai mục tiêu Nga tăng cường lực lượng tại Đông Âu. Ông nói Nga cần tạo ra sức ép cho phương Tây lâu nhất có thể.

Đến nay, sức ép đã được Moscow duy trì trong 3 tháng. Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu Mỹ và các đồng minh còn có thể đưa ra những cảnh báo nguy cơ xung đột trong bao lâu.

khung hoang Ukraine anh 2

Trực thăng và binh sĩ Nga được triển khai ở Crimea, ảnh chụp hôm 13/2. Ảnh: AP.

Vài tuần trước, Điện Kremlin có thể bị coi là thất bại muối mặt nếu rút quân, sau khi đã ồ ạt điều binh bao vây Ukraine. Nhưng giờ đây, nguy cơ bị chê cười và uy tín bị hủy hoại thuộc về Mỹ, nếu Nga không phát động chiến tranh.

Nhờ chiến dịch tăng cường lực lượng quanh Ukraine, Nga đã hưởng lợi lớn. Nhiều nước đã rút nhân viên ngoại giao, khuyến cáo công dân rời khỏi Ukraine, Mỹ thậm chí đóng cửa đại sứ quán ở Kyiv. Lực lượng Mỹ, Anh, Canada từng huấn luyện quân đội Ukraine cũng đã rời đi nhằm tránh đối đầu trực diện với Nga nếu chiến tranh nổ ra, theo Reuters.

Nếu Nga không phát động chiến tranh, những cáo buộc của phương Tây sẽ bị Moscow lấy ra làm "trò cười". Thể diện của Mỹ và Anh, hai nước lớn tiếng nhất cảnh báo một cuộc tấn công từ Nga, cũng sẽ bị tổn hại nghiêm trọng.

Kịch bản trên đã thực sự nhen nhóm khi hôm 15/2, Nga tuyên bố rút dần một số đơn vị khỏi biên giới Ukraine, bước đầu là các quân khu ở phía tây và phía nam. Tới ngày 16/2, Nga thông báo rút quân khỏi bán đảo Crimea sau khi kết thúc tập trận.

Phát biểu hôm 15/2, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov mỉa mai Ukraine nên "đặt báo thức" để xem Nga tấn công, đồng thời khuyên các chính trị gia phương Tây nên "đi khám tâm thần", theo Reuters.

Dẫu vậy, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết việc Moscow tấn công vẫn còn “là khả năng lớn”. Ông Biden nói bất chấp những khẳng định từ Nga, Washington và đồng minh chưa xác nhận được động thái rút bớt số lượng hàng chục nghìn binh sĩ mà Moscow đang triển khai dọc biên giới với Ukraine.

NATO phản ứng sai lầm?

Phản ứng hiện nay của NATO tại Ukraine đối lập hoàn toàn với cách tiếp cận của khối nhằm bảo vệ các nước Batic, gồm Latvia, Lithuania và Estonia.

Tại Baltic, các đơn vị của NATO kề vai sát cánh với quân đội nước chủ nhà. Điều này đồng nghĩa nếu Moscow tuyên chiến, Nga sẽ phải đối đầu trực diện NATO. Cách tiếp cận của NATO ở Baltic được đánh giá là cực kỳ hiệu quả, theo AP.

Sau khi Nga sáp nhập trái phép Crimea và kích động ly khai ở miền Đông Ukraine, giới chuyên gia cảnh báo các nước Baltic có thể là nạn nhân kế tiếp trong nỗ lực tái định hình cấu trúc an ninh châu Âu của Moscow.

Nhưng lúc này, các nước Baltic được đánh giá là đang an toàn hơn bao giờ hết trong hơn một thế kỷ qua, kể từ khi Liên Xô thành lập.

Giờ đã quá muộn để NATO hành động ở Ukraine như đã làm với Baltic. Việc Anh và Mỹ thậm chí đều tuyên bố sẽ không triển khai quân tới Ukraine, qua đó loại bỏ mối lo ngại lớn nhất của Moscow.

khung hoang Ukraine anh 3

Binh sĩ Ukraine tại tiền tuyến ở vùng Luhansk. Ảnh: AP.

Phạm vi hỗ trợ mà phương Tây dành cho Ukraine có thể bị hạn chế bởi Kyiv chưa phải thành viên NATO. Tuy nhiên, trong quá khứ, không thiếu trường hợp NATO can thiệp quân sự bên ngoài phạm vi lãnh thổ của các thành viên, theo Guardian.

Đến nay, hầu như không chính trị gia phương Tây nào bàn tới khả năng hạn chế ưu thế hỏa lực tầm xa của Nga bằng cách thiết lập vùng cấm bay trên không phận Ukraine. Làm theo cách này, Nga sẽ phải va chạm trực diện với NATO nếu có ý định dùng tên lửa, không quân tấn công Ukraine.

Nga hiện yêu cầu NATO rút khỏi Đông Âu, bởi hiện diện của NATO sẽ cản trở tham vọng duy trì, mở rộng ảnh hưởng của Moscow tại không gian hậu Xô viết.

Có ý kiến cho rằng Nga đang dùng áp lực quân sự để buộc phương Tây phải nhượng bộ. Nhưng một số chuyên gia nhận định NATO tự đẩy mình vào tình thế bất lực như hiện nay tại Ukraine.

Năm 2021, Viện Chatham công bố nghiên cứu về các tình huống Nga có hành vi gây hấn trong quá khứ với tiêu đề "Điều gì có thể răn đe Nga".

Nghiên cứu các tình huống trong nhiều thập kỷ cho thấy kết quả nhất quán rằng Moscow sẽ lấn tới nếu các đối thủ, dù mạnh hơn, tỏ ra yếu thế và không sẵn sàng đối mặt sức ép. Ngược lại khi đối thủ quyết tâm tự vệ, Nga sẽ rút lui.

Hệ thống tuyên truyền do Moscow chỉ huy liên tục đưa ra cảnh báo xung đột quân sự với Nga sẽ leo thang thành chiến tranh hạt nhân.

Nhưng một thực tế khác chính là xung đột quân sự với phương Tây cũng là kịch bản tồi tệ nhất dành cho Nga. Đây cũng là một trong số ít những công cụ răn đe đủ mạnh có thể buộc Moscow lùi bước.

Khả năng NATO trực tiếp can dự và bảo vệ Ukraine tạo ra rủi ro nghiêm trọng hơn nhiều cho kế hoạch phiêu lưu quân sự của Nga, so với những đe dọa trừng phạt kinh tế.

Do đó, trong khi NATO liên tiếp cảnh báo, hăm dọa nhằm ngăn Nga phát động chiến tranh với Ukraine, cách phản ứng của Mỹ và các đồng minh dường như khiến Điện Kremlin tin rằng hậu quả của cuộc chiến chỉ có giới hạn.

Mỹ lên án việc Nga muốn công nhận Donbas độc lập

Mỹ lên án mạnh mẽ việc Quốc hội Nga đề xuất công nhận hai vùng lãnh thổ ly khai ở miền Đông Ukraine là "nước độc lập", cho rằng hành động này vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế.

‘Sốt’ vé máy bay rời khỏi Ukraine

Các hãng đang tổ chức những chuyến bay tăng cường đi từ Kyiv trong tuần này để đáp ứng nhu cầu tăng cao, sau khi các nước châu Âu khuyến cáo công dân rời khỏi Ukraine.

Nga rut bot quan dong gan Ukraine hinh anh

Nga rút bớt quân đóng gần Ukraine

0

Nga cho biết một số lực lượng được triển khai gần biên giới Ukraine bắt đầu trở về căn cứ, trong lúc các nước phương Tây đang lo sợ Điện Kremlin có thể ra lệnh tấn công Ukraine.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm