“Nếu Điện Kremlin đồng ý đề xuất trên, điều này đồng nghĩa với việc chính phủ Nga hoàn toàn chối bỏ cam kết của mình trong Thỏa thuận Minsk (văn kiện được ký năm 2015 để giải quyết xung đột Ukraine)”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói trong tuyên bố ngày 16/2, theo AFP.
Ông Blinken bổ sung rằng việc đồng ý đề xuất trên sẽ đi ngược lại cam kết của Moscow đối với việc “tiếp tục đối ngoại để đạt được giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng này”. Điều này sẽ buộc Mỹ cùng đồng minh và đối tác có phản ứng "mạnh mẽ và nhanh chóng".
Lực lượng phiến quân ly khai đang kiểm soát Donetsk và Luhansk. Ảnh: AP. |
Trước đó, Hạ viện Nga ngày 15/2 thông qua dự luật cho phép công nhận độc lập đối với khu vực Donbas, gồm hai vùng lãnh thổ Luhansk và Donetsk của Ukraine. Dự luật này sẽ được gửi cho Điện Kremlin xem xét.
Hai vùng lãnh thổ tại Donbas hiện nằm dưới quyền kiểm soát của nhóm ly khai thân Nga. Việc Moscow công nhận Donbas độc lập sẽ vi phạm Thỏa thuận Minsk.
Nguyên nhân là theo văn kiện này, Nga công nhận Donbas là một phần lãnh thổ của Ukraine. Đổi lại Kyiv phải cải tổ hiến pháp, trao quyền tự trị lớn hơn cho Donetsk và Luhansk.
Trả lời phỏng vấn MSNBC vào ngày 16/2, ông Blinken cho biết bất chấp thông báo rút quân, Nga đã và đang di chuyển các đơn vị thiết yếu sát biên giới Ukraine.
“Chúng tôi chưa thấy Nga có bất cứ động thái rút quân nào”, ông nói. “Chúng tôi tiếp tục thấy các đơn vị thiết yếu di chuyển về phía biên giới mà không phải ngược lại”.