Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Một cuộc chiến khác giữa phương Tây và Nga tại Ukraine

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine đang leo thang trên thực địa, một cuộc chiến khác giữa phương Tây và Nga cũng ngày càng nóng hơn.

khung hoang ukraine anh 1

Tuần qua, Mỹ cho biết Moscow có ý định dàn dựng một video giả, nhằm cáo buộc Ukraine tấn công người nói tiếng Nga, tạo cớ phát động chiến tranh. Washington cáo buộc đoạn video giả sẽ bôi nhọ hình ảnh của không chỉ chính phủ Ukraine mà còn cả đồng minh NATO.

Bởi thông tin chính phủ Mỹ công bố về âm mưu tạo video giả là tin tình báo đã được giải mật, Washington không chia sẻ công khai bằng chứng cho cáo buộc nói trên.

Quyết tâm của phương Tây

Tại một cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Mỹ tuần trước, khi phóng viên chất vấn về bằng chứng cho cáo buộc chống lại Nga, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price khẳng định Washington tự tin về những gì mình nắm trong tay nhưng từ chối chia sẻ chi tiết hơn, theo CNN.

"Những gì chúng tôi đang cố gắng làm là răn đe không để Nga tiếp tục thực hiện loại âm mưu như vậy. Đó là lý do thông tin được công khai. Nếu bạn (phóng viên) nghi ngờ mức độ tin cậy của chính phủ Mỹ, chính phủ Anh hay bất cứ chính phủ nào khác và muốn tin vào những gì Nga nói, đó là việc của bạn", ông Price nói.

Trước đó, chính phủ Anh cảnh báo Nga có kế hoạch lật đổ chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky để thay thế bằng một nhân vật thân Mocsow. London cho biết đây là thông tin tình báo nhưng từ chối cung cấp bằng chứng cụ thể.

Giới chuyên gia nhận định phương Tây đã quyết tâm hơn đối đầu Nga trong cuộc chiến thông tin, trò chơi mà từ lâu Điện Kremlin thường ở thế cửa trên.

khung hoang ukraine anh 2

Binh sĩ Nga mặc trang phục không phù hiệu đứng sau màn sáp nhập Crimea. Ảnh: Reuters.

Nhưng chiến tranh thông tin luôn tiềm ẩn rủi ro với các nước theo mô hình dân chủ phương Tây.

Với các nước phương Tây, việc ngăn chặn các chiến dịch tuyên truyền thông tin sai lệch của đối thủ như Nga là một chuyện, còn tìm cách thuyết phục công chúng về một mối đe dọa đang nhen nhóm chỉ dựa vào thông tin tình báo là một nhiệm vụ hoàn toàn khác.

Cáo buộc Nga dàn dựng video giả được đưa ra trong bối cảnh niềm tin của công chúng dành cho các chính phủ Mỹ - Anh đang thấp kỷ lục. Bởi vậy, giới chức Mỹ - Anh đứng trước áp lực nặng nề hơn phải vén bức màn bí mật vốn bủa vây thế giới tình báo.

"Trong thế giới đa cực, với nhiều mối đe dọa, có nhiều vùng xám hơn, bởi thế cần có nhiều thông tin, bằng chứng hơn để một chính sách nhận được sự ủng hộ", Dan Lomas, chuyên gia an ninh và tình báo Đại học Brunel, nhận định.

Các chuyên gia cho biết Mỹ đang giải mật và công khai thông tin tình báo ở quy mô chưa từng có tiên lệ. Phương Tây cho thấy hành động phủ đầu nhằm ngăn chặn những chiêu bài tuyên truyền thông tin sai lệch của đối thủ - chiến thuật mà Nga từng áp dụng khi sáp nhập Crimea năm 2014.

AFP tuần trước đưa tin Đại sứ Nga tại EU Vladimir Chizhov cho biết Moscow không có kế hoạch dàn dựng bất cứ vụ tấn công giả nào nhằm lấy cớ phát động chiến tranh.

Thế khó của Mỹ - Anh

Có những lý do hiển nhiên khiến giới chức Mỹ - Anh không thể công bố quá chi tiết các thông tin tình báo. Nếu làm vậy, rủi ro cao là nguồn cung cấp thông tin, cách thức thu thập thông tin, sẽ bị lộ.

Chính phủ Anh đã được dạy một bài học từ năm 1927. Khi đó, để xin lệnh lục soát phái đoàn đại diện thương mại Liên Xô ở London, chính phủ Anh đã công khai thông tin tình báo tại Quốc hội.

"Liên Xô sau đó biết thông tin liên lạc đã bị người Anh đọc được, kết quả là họ thay đổi toàn bộ hệ thống truyền tin", ông Lomas nói.

Báo giới phương Tây có lý do để hoài nghi trước những thông tin mà họ không thể kiểm chứng độc lập, đặc biệt khi Washington và London không dưới một lần hành động theo những thông tin sai lệch, để lại hậu quả tồi tệ.

Tháng 8/2021, Không quân Mỹ phóng tên lửa vào một ôtô ở Kabul, tin rằng họ đang tiêu diệt một phần tử của ISIS-K chịu trách nhiệm vụ đánh bom khủng bố ở sân bay Kabul làm gần 200 người chết. Điều tra sau đó xác nhận tất cả người chết trong vụ không kích là thường dân.

Đáng kể nhất là những bằng chứng về vũ khí hủy diệt hàng loạt, dẫn đến cuộc chiến tranh Iraq năm 2003, sau này được chứng minh là không chính xác. Cuộc chiến Iraq đến nay vẫn là nỗi ám ảnh về cách mà giới chức Mỹ - Anh thu thập, xử lý thông tin tình báo.

khung hoang ukraine anh 3

Tổng thống Ukraine Zelensky thị sát cuộc tập trận ở Kherson. Ảnh: AFP.

Hồi tháng 1, khi London cáo buộc Nga có kế hoạch đảo chính ở Kyiv, thời điểm trùng với cuộc khủng hoảng chính trị bủa vây Thủ tướng Boris Johnson vì bê bối mở tiệc trong thời gian phong tỏa.

Khi đó, cáo buộc của Anh đối mặt cái nhìn hoài nghi của một số chuyên gia, cho rằng có khả năng London cứng rắn với Nga nhằm đánh lạc hướng dư luận, giải tỏa sức ép cho ông Johnson.

Những khó khăn của Mỹ - Anh khi phải đưa ra các cáo buộc dựa trên tin tức tình báo mà không thể công bố bằng chứng cụ thể cho thấy chiến tranh thông tin giữa Nga và phương Tây là cuộc đối đầu bất đối xứng, mà Moscow ở thế cửa trên.

Chiến tranh thông tin

Chiến tranh thông tin từ lâu đã được Nga sử dụng hiệu quả. Kể từ 2014, khi lực lượng ly khai thân Nga nổi dậy ở miền Đông Ukraine, thông tin sai lệch chống lại chính phủ Ukraine đã xuất hiện và ngày càng nhiều hơn.

"Đáng nói là kể từ tháng 12/2021, Nga đã đẩy mạnh lan truyền cáo buộc chiến tranh có thể nổ ra do âm mưu làm giả bằng chứng từ phía Ukraine", Bret Schafer, chuyên gia tổ chức nghiên cứu an ninh châu Âu Alliance for Securing Democracy, nói.

Cuối tháng 12/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cáo buộc Mỹ đưa lính đánh thuê vào Ukraine để đào tạo biệt kích, chuẩn bị có hành vi thù địch ở miền Đông.

Theo một tài liệu đăng tải trên website chính phủ Nga, ông Shoigu cáo buộc các nhà thầu quốc phòng Mỹ vận chuyển hóa chất không xác định vào miền Đông Ukraine, ám chỉ vũ khí hóa học, "chuẩn bị gây hấn". Các kênh truyền thông Nga sau đó liên tục đăng tải lại cáo buộc này.

khung hoang ukraine anh 4

Tình nguyện viên Ukraine tham gia huấn luyện sử dụng vũ khí. Ảnh: AFP.

Những năm gần đây, các công ty mạng xã hội trấn áp quyết liệt phần mềm tin tức tự động của Nga, do đó những trang tin nổi tiếng hay quan chức cấp cao như ông Shoigu đóng vai trò ngày càng nổi bật trong cuộc chiến thông tin của Moscow.

Từ tháng 11/2021, Nga đẩy mạnh tuyên truyền rằng Ukraine là quốc gia thất bại, chính giới Ukraine là phát xít mới, còn NATO và Mỹ phải chịu trách nhiệm cho nguy cơ chiến tranh nổ ra.

Tổ chức nghiên cứu Centre for Information Resilience cho biết số bài đăng cáo buộc Ukraine gây hấn với Nga thời gian qua tăng 200% so với năm 2021. Chuyên gia Jankowicz nói những thông tin cáo buộc chính phủ Ukraine là phát xít mới, NATO gây hấn cũng tăng mạnh trong vài tuần qua.

Bộ Ngoại gao Mỹ cho biết Washington đang cố gắng chủ động hơn nhằm lật tẩy các cáo buộc chống lại Ukraine, ngăn Nga tuyên truyền thông tin sai lệch phục vụ mục tiêu chính sách.

Giải mật thông tin là công cụ hữu hiệu chống lại tuyên truyền thông tin sai lệch, từng được Anh sử dụng thành công trong vụ cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái bị ám sát bằng chất độc thần kinh Novichok năm 2018.

Theo bà Jankowicz, London khi đó giải mật các bằng chứng nhạy cảm "rất nhanh khi vụ việc vừa xảy ra", nhờ thế đẩy lùi được cuộc chiến thông tin từ Moscow.

Về cáo buộc Nga sản xuất video giả để phát động tấn công, ông Schafer cho rằng Mỹ có hai lựa chọn.

Một là Washington có thể học theo cách của Anh năm 2018 và cung cấp thêm thông tin, với rủi ro để lộ nguồn tin. Nếu không, Mỹ chỉ có thể chấp nhận những thông tin đã công bố là không đủ với những người hoài nghi, kèm lời giải thích với công chúng rằng Washington không thể tiết lộ thêm.

Xe tăng, máy bay, tên lửa Nga phô diễn hỏa lực thị uy Ukraine Hàng nghìn phương tiện chiến đấu của Nga đồng loạt nhả đạn phô diễn sức mạnh trong cuộc tập trận chung với Belarus, khi căng thẳng với Ukraine đang diễn biến phức tạp.

Mỹ tung chiến thuật làm rối loạn tính toán của ông Putin

Việc Mỹ chấp nhận rủi ro khi công bố những thông tin tình báo nhạy cảm là canh bạc nhằm ngăn cản Nga phát động chiến tranh với Ukraine.

Động thái trái ngược phương Tây của tổng thống Ukraine

Bất chấp Ukraine đang là trung tâm của cuộc khủng hoảng an ninh căng thẳng nhất châu Âu thời hậu Chiến tranh Lạnh, Tổng thống Volodymyr Zelensky vẫn đưa ra thông điệp lạc quan.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm