Là cha mẹ, có thể bạn nhận thấy một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của mình là nuôi dạy con sao cho chúng trở nên tự tin, hạnh phúc, sao cho chúng cảm thấy hài lòng với bản thân, đưa ra những lựa chọn tích cực và chuẩn bị sẵn sàng để trở thành một con người khỏe mạnh và có ích cho đời. Khi gia đình bạn có một phụ huynh ái kỷ, việc giúp con cái phát triển giá trị bản thân vừa tối quan trọng lại vừa là một thách thức.
Nhiều năm qua, các nhà tâm lý và các chuyên gia về sự phát triển của trẻ đã tin rằng xây dựng lòng tự tôn ở trẻ là cách tốt nhất để phát triển cảm thức lành mạnh của con về giá trị bản thân. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây hơn đã gợi ý rằng tự trắc ẩn là yếu tố hiệu quả hơn nhiều để xây dựng giá trị bản thân. Thế thì, khác biệt là ở đâu?
Xét tận cốt lõi, lòng tự tôn được hình thành dựa trên quan điểm, đánh giá của chính chúng ta về bản thân, chúng ta cảm thấy thế nào về giá trị cá nhân, về tiêu chuẩn giá trị của mình. Lòng tự tôn dựa trên sự so sánh xã hội.
Để được chọn trao một phần thưởng nào đó, thắng một cuộc đua nào đó, nhận huy chương hay những sự ghi nhận khác, một đứa trẻ phải giỏi hơn, phải vượt lên trên những đứa trẻ còn lại. Kiểu so sánh xã hội này thường đi kèm với cảm giác mình đẳng cấp hơn người khác, hoặc dìm người khác xuống để mình cảm thấy vui hơn, để nâng mình lên hoặc để chiến thắng.
Một khía cạnh đặc biệt có hại của việc phải hơn người khác để có được lòng tự tôn chính là nó tạo ra niềm tin cho rằng là người bình thường thì không tốt, không nên. Nhưng, cuộc sống của đa số chúng ta hầu như đều được tạo thành bởi những khoảnh khắc bình thường.
Điều này khiến giá trị bản thân phụ thuộc chỉ duy nhất vào việc trở nên vượt trội so với người khác. Nó cũng khiến cho một người dễ cảm thấy lo âu, trầm cảm hơn, và thậm chí là dễ cảm thấy bất an khi mọi thứ không đi theo kế hoạch.
Con lắc tự tôn lên xuống theo nguyên tắc bạn thành người giỏi nhất khi bạn chiến thắng và cảm giác như bạn là một kẻ thất bại khi thua cuộc, con lắc ấy thật mệt mỏi và thực sự thiếu thực tế. Bạn có thể nghĩ về lòng tự tôn như một quả bóng khi được thổi lên thì trông có vẻ căng tràn và tuyệt đẹp nhưng lại rất dễ vỡ vụn chỉ bằng một tác động nhỏ. Khi ấy, chẳng gì còn lại trong đó ngoài sự trống rỗng.
Lòng tự tôn lên xuống thất thường kiểu này là một trong những yếu tố căn bản của những người có tính ái kỷ hoặc rối loạn nhân cách ranh giới.
Trong lòng, người ái kỷ cảm thấy như thể mình là kẻ thất bại, không được yêu thương, họ e sợ người khác sẽ phát hiện ra cái vẻ ngoài hoàn hảo và luôn đúng của họ chỉ là giả tạo trong khi những người có đặc điểm rối loạn nhân cách ranh giới hiếm khi cảm thấy họ được chấp nhận hoặc có đủ tiêu chuẩn. Cả hai đều tập trung toàn bộ cảm thức về giá trị bản thân vào những gì người khác nghĩ.
Là cha mẹ, họ thường so sánh con mình với con người khác và đưa ra những tiêu chuẩn hoàn hảo, thiếu thực tế. Bởi thế, họ liên tục cảm thấy thất vọng về các con mình. Điều này có thể dẫn đến việc làm cho trẻ thiếu động lực, chán nản và mặc cảm về khả năng của mình. Thay vào đó, chúng tôi nhiệt liệt gợi ý bạn nên giúp trẻ tìm ra cảm thức về giá trị bản thân thông qua lòng tự trắc ẩn, thay vì so sánh với những tiêu chuẩn độc đoán.
Nhà nghiên cứu về lòng trắc ẩn, tiến sĩ Kristen Neff, đã gợi ý rằng tự trắc ẩn đem đến những lợi ích tương tự như lòng tự tôn nhưng không có những điểm bất cập độc hại trong sự liên tục so sánh với người khác hoặc thông qua việc trở thành người đặc biệt, trên mức tầm thường và chỉ dựa vào mỗi thành công.
Bác sĩ Neff định nghĩa tự trắc ẩn có ba yếu tố: tử tế với bản thân, tức là chúng ta tử tế, thấu hiểu bản thân thay vì chỉ trích và phán xét; công nhận tính người phổ quát của chúng ta, tức là với vai trò là con người, chúng ta gắn bó với nhau thay vì sống cô độc và cô lập; và tỉnh thức, tức là chúng ta ý thức được những trải nghiệm của mình ngay trong khoảnh khắc hiện tại. Tự trắc ẩn thực sự là sự kết hợp của ba yếu tố này.
Trong hơn một thập kỷ nghiên cứu, bác sĩ Neff và đồng nghiệp đã liên tục nhận ra “tự trắc ẩn là phiên bản thay thế hoàn hảo cho công cuộc mệt mỏi của lòng tự tôn.” Lợi ích của lòng tự trắc ẩn rất lớn, cụ thể như:
- Giảm lo âu và trầm cảm;
- Giảm cảm giác xấu hổ hoặc bối rối khi mọi chuyện không tiến triển tốt.
- Ổn định hơn, kiên định hơn về giá trị bản thân trong đời sống trưởng thành;
- Đạt được những kỹ năng giải quyết vấn đề hiệu quả;
- Hạnh phúc hơn;
- Trắc ẩn với người khác.
Nếu chúng ta so sánh lòng tự tôn với một quả bóng thì có lẽ ta cũng có thể hình dung tự trắc ẩn như một điều gì đó vững chắc hơn, như quả táo chẳng hạn. Nó có vật chất lấp đầy bên trong, nhờ vật chất ấy mà quả táo có hình dạng bên ngoài như thế. Thậm chí ngay cả khi có chuyện gì đó xảy ra ở bên ngoài thì bên trong vẫn vững chắc.
Ý kiến bạn đọc
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng.
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
Xem thêm bình luận