Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội chiều 1/4, đại biểu Lê Thị Nga cho hay, nếu chúng ta không ngăn chặn được vấn nạn thực phẩm bẩn thì không thể đảm bảo quyền tiếp cận thực phẩm sạch của người dân. Đồng thời, không có một nền nông nghiệp sạch, chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà trước các sản phẩm sạch ngoại nhập.
Dẫn chiếu một loạt những điều luật quy định về xử lý hành vi tiêu thụ thực phẩm bẩn, đại biểu Lê Thị Nga đặt câu hỏi “pháp lý đã đầy đủ nhưng vì sao vi phạm ngày càng nhiều?”.
Theo bà Nga, nguyên nhân của vấn nạn thực phẩm bẩn là do việc tổ chức thực thi luật còn nhiều yếu kém. Quản lý tại nhiều ngành, nhiều cấp còn buông lỏng, cá biệt có trường hợp tiếp tay, làm ngơ cho sai phạm nhưng lại không bị phát hiện, xử lý.
Bà Nga lấy ví dụ từ việc salbutamol - chất có tác hại lớn đối với con người khi dùng làm thức ăn chăn nuôi nhưng lại có tác dụng sản xuất thuốc chữa bệnh. Chất này bị Bộ Nông nghiệp cấm nhập nhưng lại được Bộ Y tế cho phép nhập với số lượng lớn (hơn 9 tấn trong 2 năm). Sau khi vào được nội địa, cơ quan chức năng đã không kiểm soát được đường đi của chất này.
"Hiện chưa ai trả lời được có bao nhiêu tấn được dùng vào sản xuất thuốc, có bao nhiêu bị sử dụng sai mục đích, tuồn ra thị trường làm chất tạo nạc"- đại biểu Nga nêu vấn đề.
Đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga. Ảnh: Ngọc Ý.
|
Bà Nga đề nghị Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các Bộ Y tế, Nông nghiệp, Công thương và Công an làm rõ để trả lời công luận và báo cáo Quốc hội.
Vị phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề xuất Chính phủ phải sớm rà soát, bổ sung, quy định rõ ràng, minh bạch hơn về danh mục chất cấm, quy chuẩn ngưỡng cho phép tồn dư hoá chất, kháng sinh, phương thức giám định xác định tỷ lệ tổn hại sức khoẻ do thực phẩm bẩn gây nên để vừa xử lý nghiêm minh nhưng cũng tránh oan sai và hình sự hóa các vi phạm hành chính.
Theo bà Nga, dù chế tài hành chính hiện đã quy định rõ, phạt tối đa tới 200 triệu đồng, phạt gấp 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm nhưng xử lý nhìn chung không nghiêm, có vụ phạt cho tồn tại, không loại trừ tiêu cực trong xử phạt. Hiếm có trường hợp xử lý hình sự.
“Để chuẩn bị áp dụng Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm tại Điều 317 Bộ luật Hình sự mới với mức phạt tiền cao nhất là 500 triệu đồng, phạt tù cao nhất là 20 năm, đề nghị Chính phủ sớm rà soát, bổ sung, quy định rõ ràng, minh bạch hơn về danh mục chất cấm, quy chuẩn ngưỡng cho phép tồn dư hóa chất, kháng sinh, phương thức giám định xác định tỉ lệ tổn hại sức khỏe do thực phẩm bẩn gây nên để vừa xử lý nghiêm minh nhưng cũng tránh oan sai và hình sự hóa các vi phạm hành chính”- Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội nói.
Quốc hội phải vào cuộc cùng Chính phủ
Bên cạnh những kiến nghị với Chính phủ, đại biểu Nga cũng cho biết, nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII chúng ta chưa tổ chức một cuộc giám sát tối cao hoặc tái giám sát của Quốc hội, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay một phiên giải trình của Ủy ban chuyên môn riêng về nội dung này, mới chỉ có chất vấn hoặc phát biểu riêng lẻ của các Đại biểu Quốc hội.
"Cử tri cho rằng hiện không có cơ quan nào giúp đại biểu để đánh giá độc lập về tình trạng thực phẩm bẩn” - đại biểu Nga nói.
“Bộ trưởng nói lực lượng mỏng, phương tiện yếu, kinh phí thiếu. Đại biểu không kiểm chứng được và không lý giải được tại sao công nghệ thông tin, chính phủ điện tử, máy móc kỹ thuật ngày càng được đầu tư hiện đại mà người ngày càng thiếu, phương tiện ngày càng yếu", bà Nga phàn nàn.
Vị phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, trước vấn nạn thực phẩm bẩn hiện nay, phương thức giám sát như vừa qua là chưa phát huy được sức mạnh của toàn thể Quốc hội để góp phần cùng Chính phủ chặn đứng tình hình.