Sáng 1/4, VTV24 tổ chức lễ ra mắt chương trình Nói không với thực phẩm bẩn. Chương trình bao gồm những bản tin nhằm phanh phui các loại thực phẩm và cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn/giả, tiếp nhận phản ảnh của người dân cũng như hướng dẫn việc nhận biết và sử dụng các loại thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh.
Ông Trần Bình Minh - TGĐ Đài truyền hình VN ký cam kết trước sự chứng kiến của Bí thư Đinh La Thăng và Thứ trưởng Trần Tuấn Anh. Ảnh: Hà Hương. |
Ông Lê Văn Khoa - Phó Chủ tịch UBND TP HCM - cho rằng việc ra mắt những chương trình cảnh báo về thực phẩm bẩn đáp ứng nhu cầu bức thiết của người dân. Điều này cũng nhằm hạn chế những thông tin không chính xác, gây hoang mang trong dư luận.
"Các loại thực phẩm không an toàn cần phải được phanh phui. TP HCM là một địa bàn trọng điểm cung ứng thực phẩm cho cả vùng. Do vậy, cần phải có sự liên kết giữa các cơ quan, đơn vị để sản xuất thực phẩm an toàn. Bên cạnh đó, phải tổ chức kiểm tra, lấy mẫu, thanh tra các cơ sở sản xuất thường xuyên", ông Khoa nói.
Ông Khoa cũng kỳ vọng những quy định mới về việc xử phạt hình sự các hành vi sử dụng chất cấm trong thực phẩm sẽ đủ sức răn đe, ngăn chặn tình trạng thực phẩm không đảm bảo chất lượng tràn lan trên thị trường.
Lãnh đạo bộ, ban ngành và TP HCM ký cam kết tỏ quyết tâm nói không với thực phẩm bẩn. Ảnh: Hà Hương. |
Đại diện Bộ Công thương, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, đã đến lúc cần phải có những hành động quyết liệt hơn nữa để bảo vệ giống nòi.
"Câu chuyện thực phẩm bẩn không còn là vấn đề của riêng Việt Nam mà còn là hình ảnh của đất nước với thế giới. Chúng ta xuất khẩu hơn 30 tỷ USD các mặt hàng nông lâm thuỷ sản. Sản phẩm của Việt Nam đã có mặt ở các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản..., nhưng tại sao sản phẩm nội địa lại bẩn?", ông Trần Tuấn Anh thắc mắc.
Chương trình Nói không với thực phẩm bẩn có thời lượng 7 phút, bao gồm hai bản tin phát trực tiếp từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần trên VTV1.
Đại tá Lê Tấn Tảo - Phó tổng cục trưởng Tổng Cục cảnh sát, chỉ ra rằng một trong những nguyên nhân khiến thực phẩm bẩn vẫn được sử dụng công khai là tâm lý thỏa hiệp của người dân.
“Một số người ăn thức ăn mà không biết bên nó chứa các chất cấm gây nguy hiểm cho sức khoẻ. Tuy nhiên, nhiều người biết thực phẩm bẩn mà vẫn ăn. Thậm chí, họ thoái thác cho số phận hoặc đổ thừa do di truyền nếu mắc các loại bệnh về ung thư”, ông Tảo nhấn mạnh.
Đại tá Tảo cũng cung cấp những số liệu thống kê đáng báo động từ Bộ Y tế. Theo đó, trong số 100/1.000 người bị ung thư thì có đến 70% do ăn uống, 20% do ô nhiễm môi trường và chỉ có 10% là do di truyền.
Ông Tảo cũng chỉ ra những nguyên nhân gây nên tình trạng thực phẩm bẩn: Đó là sự nhận thức yếu kém của người tiêu dùng, các văn bản quy định của nhà nước còn nhiều kẽ hở, người bán pha trộn chất cấm vào thực phẩm chưa bị xử phạt thích đáng. Bên cạnh đó, do kinh phí ít, hệ thống máy móc hạn chế, cán bộ chưa đủ năng lực và công tác quản lý chưa tốt.
Phát biểu với tư cách là một người dân, TS Lương Hoài Nam cho rằng, để hạn chế thực phẩm bẩn cần phải tấn công vào sự vô cảm, sự vô trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước. “Bởi vì người dân chúng tôi nộp thuế để nuôi bộ máy quản lý Nhà nước, các cơ quan này phải có trách nhiệm trong việc bảo đảm đời sống người dân”, ông Nam nói.
TS Lương Hoài Nam cũng đặt câu hỏi thẳng thắn với những người thực hiện chương trình Nói không với thực phẩm bẩn của VTV: "Các bạn có dám phanh phui sự vô trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước hay không?".