Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đặc điểm tư duy của thế hệ Z và Millennial

Tư duy của thế hệ Z hay Millennial ngày nay đang hướng tới hai việc xây dựng hình ảnh "công dân toàn cầu" và "công dân thế giới" nhiều hơn.

gen z la gi anh 1

Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Người trẻ ngày nay thuộc về đâu? Họ có thể cảm thấy mình là một công dân, không chỉ xét về tư cách thành viên và nghĩa vụ theo pháp luật, mà còn về việc cam kết trung thành bất kể quốc tịch thực sự của họ ở đâu? Một người có thể là một “công dân toàn cầu” (global citizen) hay “công dân của thế giới” (citizen of the world) không?

Hai thuật ngữ này có liên quan nhưng không giống nhau. Cụm từ “công dân toàn cầu” thường đề cập đến sự gắn bó danh tính của một người với tính con người nói chung và sự quan tâm dành cho những mối quan tâm toàn cầu như nhân quyền hoặc môi trường.

Ngày nay, có nhiều tổ chức và phong trào mang tên “Công dân Toàn cầu”, từ những tổ chức phi chính phủ (NGO) chống đói nghèo đến những chương trình đào tạo lãnh đạo người trẻ thúc đẩy sự chung tay nhiều hơn của người dân.

Từ các nhà trẻ Montessori đến các trường quốc tế cao cấp, người trẻ đang được nuôi dạy để nghĩ mình là công dân toàn cầu thông qua số lượng ngày càng tăng các trường dạy những lớp “công dân toàn cầu” và chương trình giảng dạy Tú tài Quốc tế (International Baccalaureate - IB) ngày càng phổ biến đang được áp dụng tại các trường trung học phổ thông trên toàn thế giới.

Phong trào Trường Liên kết Thế giới (United World College - UWC) có hơn một chục trường IB trên khắp thế giới với hàng nghìn học sinh tự ý thức được mình là một thành viên trong một cộng đồng lớn hơn. Có định hướng sứ mệnh trở thành một phần của bản sắc của họ. Họ không chỉ được dạy để “là” mà còn để “làm”.

Không khó để tóm lược tư duy của thế hệ Millennial hay Thế hệ Z: Họ muốn làm việc để sống chứ không phải sống để làm việc. Họ muốn được hạnh phúc, làm việc thiện và không nghèo.

Các công ty đang để ý rất kỹ đến những thay đổi trong mối quan tâm của nhân viên, cung cấp nhiều cơ hội để phát triển cá nhân và nghề nghiệp. Credit Suisse có một chương trình “Công dân toàn cầu” cho phép những người có hai năm kinh nghiệm trong ngân hàng này đi làm việc thực địa trong hai tháng, làm tình nguyện viên cho Hội Chữ thập đỏ, các tổ chức tài chính vi mô ở châu Phi, các tổ chức phi lợi nhuận về giáo dục ở châu Mỹ Latin và nhiều tổ chức từ thiện khác mà công ty đang hỗ trợ. Hoạt động tình nguyện được trả tiền giúp xây dựng lòng trung thành, tính cách và tình thân, đồng thời mang lại những lợi ích hữu hình cho xã hội.

Còn “công dân của thế giới” thì sao? Nói một cách đơn giản nhất, cụm từ này nói đến tất cả những người từng đi và sống ở nhiều nơi. Tương tự “công dân toàn cầu”, thuật ngữ này cũng trở nên thịnh hành vào những năm 1990 để nói đến tầng lớp những người sống ở nước ngoài và du mục toàn cầu ngày càng đông đảo, cho dù là sinh viên, khách du lịch ba lô, giám đốc điều hành, nhà khởi nghiệp hay những người khác mà những trải nghiệm quốc tế đang thấm nhuần một ý thức bản sắc đa nguyên vào con người họ - một lòng trung thành toàn cầu bổ sung cho lòng trung thành quốc gia của họ.

“Công dân của thế giới” cũng mang biệt danh này với niềm tự hào khi họ theo đuổi những trải nghiệm và cơ hội ở bất cứ đâu họ đến.

Parag Khanna/ NXB Trẻ

SÁCH HAY