Ảnh minh họa: Javelin-Tech. |
Môi trường sống trong một thế giới của con người lượng tử sẽ trông như thế nào? Câu trả lời không phải là những dự án bất động sản truyền thống mất cả thập kỷ mới hoàn thiện và những thiết kế sẽ trở nên lỗi thời vào thời điểm có người dọn vào sống.
Chúng ta đã có các công nghệ - sưởi ấm và làm mát, lọc nước và lưu trữ năng lượng - để biến mọi địa hình - sa mạc, núi, rừng hoặc lãnh nguyên - thành nơi có thể sinh sống được. Chúng ta sẽ cần chúng để đương đầu với cuộc sống di cư. Chúng ta cứ tiếp tục xây dựng quá nhiều nhà cao tầng và tháp thép chằng chịt dây điện lộ thiên làm gì trong khi có thể triển khai các chung cư di động đa năng in 3D theo mô đun và các máy phát điện mặt trời tập trung di động?
Hãy xem xét những người di cư vì khí hậu của Bangladesh. Phần lớn Bangladesh chỉ nằm cao hơn mực nước biển một chút, và bão lũ thường xuyên khiến hơn 1/3 trong tổng số gần 170 triệu dân nước này phải di chuyển. Tổng thống Sheikh Hasina nói: “Một cảm giác vô vọng đang bao trùm lấy người dân”. Và do đó, họ di chuyển - với các tấm pin mặt trời, điện thoại di động, hệ thống lọc nước, con cái, và quần áo.
Tuy nhiên, các cuộc đại di cư đến những khu vực địa lý còn tương đối hoang sơ mang theo khả năng gây thiệt hại còn nghiêm trọng hơn nữa cho con người. Giải pháp là xây dựng bền vững - và mang theo cơ sở hạ tầng đến mọi nơi chúng ta đến. Thay vì đặt nặng vào việc xây dựng các đô thị, chúng ta có thể thiết kế trước các khu định cư di động và tự túc không dính chặt vào lòng đất mà thay đổi tùy theo điều kiện thổ nhưỡng.
Mạng lưới nghiên cứu AudaCities đã cho ra mắt một nguyên mẫu “Ngôi làng có thể di chuyển” với hệ thống lọc nước, thiết bị trồng thực phẩm thủy canh và những thiết bị cần thiết khác được tích hợp vào các ngôi nhà di động và các cơ sở khác. Những thành phố tự túc có thể có các tháp nước tích trữ nước từ mưa, hệ thống khử muối và máy phát điện chạy bằng không khí; các trung tâm năng lượng mặt trời và các trạm đổi pin cho các gia đình; và các trung tâm ủ phân từ thực phẩm, xử lý nước thải, tái chế vật liệu.
Châu Âu đã tháo dỡ hàng nghìn con đập vốn rất cần thiết vào thời của chúng nhưng đã rơi vào tình trạng đổ nát, giúp khôi phục cả những vùng đất ngập nước lẫn nền nông nghiệp. Mỹ càng chuyển sang năng lượng mặt trời, năng lượng hạt nhân và năng lượng gió nhanh bao nhiêu, thì Mỹ càng có thể làm được điều tương tự châu Âu nhanh bấy nhiêu.
Đối với những khu vực chỉ có thể sinh sống được theo mùa, chúng ta có thể dựng lên các thành phố pop-up. Trại tị nạn Zaatar ở Jordan là một ngôi làng không có lưới điện với những căn lều có sức chứa nhiều gia đình, phòng khám y tế, trạm năng lượng mặt trời, cơ sở khử muối cho nước, trường học, trung tâm giới thiệu việc làm và các dịch vụ khác cho 80 nghìn người chủ yếu là người tị nạn Syria. Nó là một “trại” hay một thành phố bán cố định?
Một ví dụ khác là Kumbh Mela của Ấn Độ, lễ hội Ấn Độ giáo diễn ra 12 năm một lần luân phiên giữa bốn thành phố linh thiêng. Hơn 7 triệu người cư ngụ trong khuôn viên lễ hội, với hơn 100 triệu lượt người viếng thăm trong suốt mùa lễ hội. Những vật liệu như tre, nhựa, kim loại nhẹ và vải được sử dụng để lắp ráp - và tháo rời hoàn toàn - toàn bộ cơ sở hạ tầng từ điện, camera an ninh đến hệ thống cấp thoát nước. Địa điểm có diện tích bằng Manhattan này là một “siêu đô thị sớm nở tối tàn” theo cách nói của giáo sư Rahul Mehrotra thuộc Trường Thiết kế Harvard - nhưng nó có thể làm được nhiều thứ hơn nhiều thành phố ở Ấn Độ.
Lối sống đô thị nên được coi là một “điều kiện dễ thay đổi”, được lắp ráp khi và ở những nơi cần thiết chứ không phải là sự cố định đang xuống cấp của những trung tâm mua sắm và sân vận động bị bỏ hoang. Như Mehrotra nói, “Đã biết vạn vật đều vô thường, sao còn đam mê sự cố định?”