Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyển dịch công nghệ thúc đẩy làn sóng di cư mới

Sự phát triển của công nghệ thông tin có thể khiến nhiều người mất việc làm và buộc phải di cư sang vùng đất mới.

lan song di cu anh 1

Người thân của những người di cư xấu số ở Hy Lạp. Ảnh: Reuters.

Trên khắp châu Á, chuyển dịch công nghệ đang thúc đẩy những làn sóng di cư mới. Ở Trung Quốc, tự động hóa đã cướp đi việc làm của hàng triệu lao động ở độ tuổi đẹp nhất từ công nhân nhà máy đến huấn luyện viên thể dục, buộc họ phải tỏa đi khắp đất nước và xa hơn để tìm kiếm việc làm mới. Lao động công nghiệp lương thấp [...] đang có nguy cơ bị mất việc làm khi các nhà sản xuất điện tử và xe hơi triển khai những binh đoàn robot công nghiệp.

Ở đất nước Ấn Độ có nền tảng công nghệ thông tin mạnh mẽ, các thuật toán và chatbot đang cướp đoạt những công việc chăm sóc khách hàng, và nhờ chi phí rẻ, chúng hất cẳng những lao động trẻ có chuyên môn sáng giá ra khỏi Bangalore không lâu sau khi họ đến. Hàng triệu người châu Á không còn đủ khả năng ở lại nơi họ đang sống, và tại sao phải ở lại nếu không có việc làm? Vì vậy, họ di chuyển.

Những người di cư kinh tế sẽ kéo theo những làn sóng di cư ngày càng mạnh mẽ. Vào thế kỷ 20, người ta tin rằng những người lao động tạm thời đến cuối cùng sẽ trở về quê nhà sau một vài năm: Việc gửi tiền về quê nhà cũng được cho là sẽ ngăn cản “họ” đến với “chúng ta” với số lượng lớn hơn bao giờ hết. Nhưng thay vào đó, những người di cư đã định cư và tiết kiệm đủ tiền để thu xếp cho gia đình họ đến sống cùng họ ở phương Tây.

Di cư kinh tế đã trở thành di cư dây chuyền. Vì kiều hối có thể không chắc chắn, chính sách nhập cư có thể thay đổi và giá trị đồng tiền có thể biến động, nên các gia đình thà tự bứng rễ và trở thành người di cư. Trong những cộng đồng gia đình ở hải ngoại này, các thành viên cá nhân thường đi theo những hướng khác nhau và chia sẻ tiền với nhau bằng các ứng dụng tài chính không biên giới như Remitly.

Hàng tỉ người thuộc tầng lớp trung lưu châu Á có thể muốn di chuyển vì họ đã trở nên đủ giàu để làm như vậy hoặc vì việc làm đã biến mất ở quê nhà. Trong khi đó, các kỹ năng mà họ có được trong lĩnh vực công nghệ thông tin, xây dựng và y tế mang tính di động, khiến họ có đủ điều kiện để xin thị thực cho những công việc trả lương cao hơn ở nước ngoài.

Theo Cẩm nang quốc tế về di cư (International Handbook on Migration), di cư sẽ tăng đáng kể khi thu nhập bình quân đầu người tăng từ khoảng 2 nghìn đôla lên 10 nghìn đôla, chính là đường cong mà các quốc gia ngày nay đều đang nằm trên đó khi dân số đô thị hóa nhanh chóng và nền kinh tế trở nên theo định hướng dịch vụ hơn.

Từ một số quốc gia, di dân đã giảm dần khi thu nhập vượt qua mức 10 nghìn đôla trên đầu người - nhưng tự động hóa đang ngăn trở nhiều người đạt được tình trạng thu nhập trung bình đó. Vì vậy, họ di chuyển đến những nơi có việc làm.

Người châu Á vốn dĩ đã đại diện cho phần lớn trong số 150 triệu người lao động nước ngoài bán thường trực đang làm việc ở khắp các vùng đất nông nghiệp, công trường xây dựng và các dự án cơ sở hạ tầng khác trên thế giới. Ngoài người Ấn Độ và Pakistan, đàn ông Indonesia không được sử dụng đúng mức cũng sẽ được hưởng lợi từ sự đào tạo cơ bản về nghề mộc và gia công kim loại, và sẽ được sử dụng hiệu quả hơn ở các quốc gia khác so với ở quê nhà.

Ngoài ra, có gần 1 triệu thủy thủ chủ yếu là người châu Á trong các đội tàu thương mại và buôn bán đang giong buồm qua các đại dương trên những con tàu chở hàng khổng lồ (400 nghìn người trong số họ đã bị mắc kẹt trên biển trong thời gian phong tỏa vì Covid-19), các tuyến đường của họ trở nên ngoằn ngoèo khi các hải cảng mới được xây dựng và dân số chuyển dịch.

Chẳng bao lâu nữa, chúng ta có thể sẽ nhìn thấy những đạo quân nông dân và thợ thuyền châu Á xây dựng các thành phố ở Bắc Cực. Thế giới cần những người trẻ châu Á chân không yên này luôn di chuyển.

Parag Khanna/ NXB Trẻ

SÁCH HAY