Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sự trỗi dậy của châu Á như một miền đất hứa mới

Với các điều kiện phúc lợi và cơ sở hạ tầng hiện nay, châu Á dần trở thành một miền đất hứa đối với lực lượng lao động thế hệ Millennial và Z.

di cu chau a anh 1

Ảnh minh họa lao động tại châu Á. Nguồn: Driving Change.

Khách du lịch và khách doanh nhân châu Á vốn dĩ đã có mặt ở mọi ngóc ngách trên thế giới - nhưng cường độ di chuyển xuyên biên giới trong khu vực của họ cao gấp đôi so với ngoài khu vực. Trong hàng nghìn năm, châu Á đã có nhiều nền văn minh độc đáo và sâu sắc; giờ đây lục địa này cũng có những yếu tố để trở thành một nền văn minh chung.

Đông Nam Á, khu vực đông dân thứ ba trên thế giới sau Trung Quốc và Ấn Độ, cũng là một trong những khu vực trẻ nhất, với hơn một nửa trong số 700 triệu dân ở độ tuổi dưới 30. Họ cũng có hai suy nghĩ trong đầu: Chuyển lên thành phố và thu được các kỹ năng phù hợp. Với khả năng di chuyển lao động tự do trong toàn khu vực, chúng ta rất dễ bắt gặp những người thuộc thế hệ millennial đang phất lên ở Singapore và Bangkok từng sống ở ba hoặc bốn quốc gia.

Thế hệ millennial Đông Nam Á có tỉ lệ kết hôn đa chủng tộc ngày càng tăng và có chung một cái nhìn lạc quan và tinh thần cấp tiến. Bất chấp dân số vốn đã khổng lồ của mình, các quốc gia châu Á cũng đã mở rộng cửa cho đầu tư nước ngoài và nhân tài. Bắt đầu từ những năm 1960, Singapore mới độc lập đã mời gọi những công ty đa quốc gia và lao động, hai lực lượng song song giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đa dạng hóa của nước này.

Năm mươi năm sau, 1/3 dân số của Singapore là người nước ngoài và họ được xếp vào top những nền kinh tế đổi mới sáng tạo nhất thế giới. Các quốc gia như Indonesia, Philippines đang tư nhân hóa các công ty tiện ích, ngân hàng, nông trại, hãng hàng không và các công ty quốc doanh lớn khác, thu hút nguồn vốn và đội ngũ quản lý mới từ khắp nơi trên thế giới để dẫn dắt những khoản đầu tư hiệu quả hơn.

Số lượng người nước ngoài sinh sống ở Đông Nam Á đang tăng lên hàng năm khi các quốc gia này trải thảm đỏ mời gọi họ với thị thực dễ dàng, trường học tốt, dịch vụ y tế chất lượng và khả năng kết nối nhanh chóng. Sau khi chứng kiến Mỹ và phần lớn châu Âu xử lý virus corona kém như thế nào, người phương Tây sinh sống ở châu Á không có kế hoạch tự nguyện trở về những quê nhà tăng trưởng thấp và dân túy của họ.

Trong thời kỳ đại dịch, một số người phương Tây sống ở nước ngoài bị mất việc làm và phải hồi hương mặc dù không muốn, nhưng cùng lúc đó, số người Mỹ và Australia nộp đơn đăng ký chương trình “Elite Residence” (Cư trú tinh hoa) của Thái Lan tăng cao do tỉ lệ lây nhiễm thấp và các dịch vụ du lịch kết hợp chữa bệnh hợp túi tiền của nước này.

Châu Á ngày nay đang có nhiều hơn bao giờ hết những người vốn chưa bao giờ nghĩ rằng họ sẽ sống ở đó: Không chỉ người phương Tây mà chính những người châu Á đã rời bỏ quê hương để Tây tiến nhiều thập kỷ trước nhưng đã trở lại với tư cách các nhà điều hành và nhà khởi nghiệp - và với gia đình của họ. Những người “tìm lại cội nguồn” này là một phần của câu chuyện di cư toàn cầu vĩ đại, và họ đông đảo đến mức chúng ta cần đảo ngược những công thức quen thuộc: Tôi sử dụng thuật ngữ “Người Mỹ gốc Á” để mô tả bản thân mình và hàng nghìn người Mỹ gốc Á đã quay trở lại châu Á mặc dù cha mẹ và anh chị em của chúng tôi vẫn ở các nước phương Tây. Lựa chọn di chuyển này rất tốt cho tương lai gần, nhưng nếu mọi thứ thay đổi, chúng ta luôn có thể di chuyển một lần nữa.

Parag Khanna/ NXB Trẻ

SÁCH HAY