Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Số lượng đàn ông Trung Quốc dư thừa sẽ làm gì

Số lượng đàn ông tại Trung Quốc ngày càng lớn gây ra mất cân bằng giới và họ đành phải cưới vợ ở các nước khác.

Sự di cư ồ ạt của hàng trăm triệu người Trung Quốc từ nông thôn ra thành thị đã tiêu diệt truyền thống đại gia đình cùng chung sống dưới một mái nhà có từ hàng nghìn năm trước.

Những người Trung Quốc trẻ hơn không còn ở nhà để chăm sóc cho cha mẹ già ngay lúc dân số già của nước này chạm đỉnh: Đến năm 2030, khoảng 1/4 trong số gần 1,5 tỉ dân của Trung Quốc sẽ trên 65 tuổi, nghĩa là Trung Quốc sẽ có số người cao tuổi tương đương với dân số Mỹ. Vào thời điểm đó (và sau nữa), một người trẻ Trung Quốc sẽ phải đối mặt với vấn đề “4-2-1”: Ở một mình nhưng phải chịu trách nhiệm về tài chính với hai cha mẹ và bốn ông bà.

Ảnh minh họa đàn ông Trung Quốc lấy vợ nước ngoài. Ảnh: Chinese forums.
dan so trung quoc anh 1
dan so trung quoc anh 1

Ảnh minh họa đàn ông Trung Quốc lấy vợ nước ngoài. Ảnh: Chinese forums.

Nhưng chăm sóc người cao tuổi không còn là một công việc dành cho những người Trung Quốc chăm chỉ, thành thị và di động giống như đối với người Mỹ và người Đức, do đó Trung Quốc đã bắt đầu một chiến dịch nhập khẩu phụ nữ hàng loạt. Hàng nghìn phụ nữ Triều Tiên và Myanmar đã được đưa sang Trung Quốc làm cô dâu cho lượng nam giới dư thừa của nước này. Dù có con hay không, thì công việc chính của họ vẫn là chăm sóc cho bố mẹ chồng.

Và cánh đàn ông sẽ làm gì? Đô thị hóa và tự động hóa nhanh đến chóng mặt cũng như sự mất cân bằng giới tính cực lớn của Trung Quốc đã tạo ra một lượng lớn nam giới thiếu việc làm, nhiều người trong số họ không có bằng trung học. Họ chiếm phần lớn trong số 300 triệu người di cư không đăng ký (hộ khẩu) tại nơi họ sinh sống, làm hạn chế khả năng tiếp cận các phúc lợi xã hội của họ.

Gần đây, chính phủ đã bắt đầu loại bỏ các yêu cầu về hộ khẩu để người Trung Quốc có thể di chuyển tự do hơn - nhưng họ cũng đưa vào sử dụng hệ thống tín dụng xã hội, cho phép chính phủ xác định quyền đi đến bất cứ đâu của bất kỳ ai.

Liệu Trung Quốc có một đại kế hoạch để giải quyết những sự bất tương xứng cực lớn về nhân khẩu học của mình không? Hàng triệu người sẽ tiếp tục bị bắt vào quân đội và cảnh sát, hàng triệu người khác sẽ làm việc cho các dự án kỹ thuật thủy điện lớn trên khắp đất nước.

Hơn nữa, hàng triệu người khác sẽ được cử đi phục hồi những vùng đất nông nghiệp, và hàng triệu người khác sẽ làm việc cho các dự án năng lượng và xây dựng trên khắp châu Á, châu Phi, và đến tận Nam Mỹ trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Tất cả điều này sẽ giúp họ không rơi vào cảnh “nhàn cư vi bất thiện”.

Các quốc gia phương Tây và châu Á đã xây dựng một số liên minh để đảm bảo không rơi vào sự thống trị của Trung Quốc, nhưng liệu người nước ngoài có thể thích nghi với một Trung Quốc vốn là một thế giới riêng hay không? Chỉ có 1 triệu người nước ngoài đang sống ở Trung Quốc; một con số cho dù có nhân lên năm lần cũng không đáng kể.

Thứ quan trọng hơn con số là xu hướng. Tại các phân hiệu đại học trên khắp Trung Quốc, chúng ta sẽ tìm thấy một lượng lớn sinh viên đến từ châu Âu, châu Phi, Ả Rập và các nước châu Á khác - tổng cộng gần 500 nghìn người vào năm 2019 (chỉ 12 nghìn trong số đó là người Mỹ).

Ngoài ra, ngày càng có nhiều lao động chuyên nghiệp trẻ tuổi từ Nigeria đến Pakistan học nghề ở Trung Quốc. Như một học giả thuộc Đại học Bắc Kinh đã nói với tôi, “Ngay cả khi số lượng sinh viên đến từ Mỹ khá èo uột, thì số lượng sinh viên đến từ BRI vẫn rất cao”, ý nói gần 100 quốc gia tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Parag Khanna/ NXB Trẻ

SÁCH HAY