Xe đạp công cộng sắp được thí điểm ở trung tâm TP.HCM với mục đích kết nối di chuyển của người dân, góp phần bảo vệ môi trường.
Hiện chưa có chung cư nào ở TP.HCM ứng dụng xe đạp công cộng. Song, có không ít tổ hợp chung cư rộng lớn gồm nhiều tòa, cùng đa dạng, phong phú tiện ích nội khu và ngoại khu. Xe đạp công cộng có thể trở thành phương tiện hữu ích để cư dân kết nối di chuyển trong khu.
Trong cộng đồng cư dân, không ít người cảm thấy dịch vụ này hữu ích và mong muốn được sử dụng.
Giải pháp tiện lợi ở các chung cư lớn
Chị Hồng Vi (cư dân chung cư Sky Garden, quận 7) làm nội trợ trong gia đình. Hàng ngày chị đều đi siêu thị hoặc chợ, trước dịch còn đưa đón con trai đi học trường gần đó. Phương tiện di chuyển chị đang dùng là xe máy.
“Nếu có xe đạp công cộng ở ngay tòa chung cư, tôi chỉ cần xuống mặt đất là có phương tiện đi trong 1-2 giờ, thay vì xuống hầm lấy xe máy lên. Đi xe máy sẽ tốn xăng và tôi phải đi một đoạn khá xa ngoài chung cư để đổ xăng. Đạp xe cũng là cách tôi tranh thủ vận động và bảo vệ môi trường”, chị Vi nói.
Khi được hỏi lý do không mua xe đạp riêng, chị Hồng Vi cho hay gia đình chị không có nhu cầu sử dụng xe đạp thường xuyên để thể dục hay di chuyển chính. Nếu thỉnh thoảng đi dạo với gia đình, xe đạp công cộng sẽ phù hợp với nhà chị hơn.
Xe đạp công cộng được cho là sẽ thuận tiện cho cư dân tại các tổ hợp chung cư có nhiều tòa, nhiều công trình tiện ích nội và ngoại khu như Vinhomes Central Park, Sky Garden... Ảnh: Duy Hiệu, Sky Garden. |
Khu chung cư Sky Garden (quận 7) nơi chị Hồng Vi sống có công viên, khu vui chơi trẻ em, hồ bơi, phòng gym, sân tennis, sân nướng BBQ. Ngoài ra, xung quanh khu này tập trung nhiều nhà hàng, quán cà phê, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, các dịch vụ làm đẹp, thú nuôi, thời trang, giặt ủi, thể thao…
Sky Garden cũng tập trung đông người nước ngoài. Xe đạp có thể giúp nhóm người này di chuyển dễ dàng hơn thay vì xe máy hoặc khi không đặt được xe ôm công nghệ.
Còn anh Bùi Nguyên (cư dân tòa P3, chung cư Vinhomes Central Park, quận Bình Thạnh) làm việc ở tòa Landmark 81 cùng khu. Bình thường anh đi bộ lên văn phòng và về nhà. Tuy nhiên, do nhà nuôi chó anh thường về nhà buổi trưa cho chúng ăn, hoặc đôi khi nhà có việc anh phải chạy về gấp.
“Tôi ước có chiếc xe đạp để sẵn ở trước tòa Landmark81, tôi chạy ào về nhà rồi lên chỗ làm nhanh hơn. Nếu đi xe đạp riêng tôi lại phải mang xuống hầm, khá bất tiện”, anh Nguyên giãi bày.
Anh cho biết đồng nghiệp của mình cũng thích thú với ý tưởng có xe đạp công cộng ở nội khu Vinhomes Central Park. Họ có thể thuê xe đạp đi ăn trưa ở các nhà hàng, quán cà phê tại các tòa khác, hoặc đi dạo công viên để giải lao.
Tại khu chung cư Vinhomes Central Park (quận Bình Thạnh), nhiều dịch vụ đã mở ra ở khắp các tòa phục vụ cư dân và người đi làm ở đây. Trong đó, các nhà hàng, quán cà phê, cửa hàng tiện lợi chiếm phần lớn, còn lại là tiện ích nội khu cho cư dân. Hơn nữa, công viên Vinhomes Central Park rộng 14 ha có đường nội khu chạy dọc bờ sông Sài Gòn là nơi lý tưởng để cư dân đạp xe.
Đội tình nguyện cư dân ở chung cư Vinhomes Central Park sử dụng xe đạp để di chuyển giữa các tòa trong đợt giãn cách xã hội. Ảnh: Victor Vladovich cung cấp. |
TP.HCM còn các chung cư lớn khác như Sunrise City, Panorama (quận 7), Masteri Thảo Điền, Masteri An Phú (TP Thủ Đức), Sunrise Riverside (huyện Nhà Bè)…
Nhìn vào quy mô về diện tích và tiện ích, anh Bùi Nguyên nêu suy nghĩ rằng xe đạp công cộng có thể không phải một dịch vụ quan trọng ở chung cư, nhưng nếu có thì vẫn phục vụ được nhu cầu một lượng cư dân nhất định và thường xuyên.
Cư dân đề xuất giải pháp
Với nhu cầu cần xe đạp thời vụ như Hồng Vi, chị đề xuất các chung cư nên đặt trạm xe đạp ở trước cửa chính của tòa hoặc dưới hầm gửi xe tại tầng gần mặt đường nhất, để cư dân dễ sử dụng.
“Bất kỳ ai nhất là phụ nữ, trẻ em, người lớn tuổi cũng có thể sử dụng phương tiện này dễ dàng hơn nếu vị trí tiếp cận xe thuận tiện. Chung cư tôi ở có 42 tòa, mỗi tòa đặt khoảng 5-10 xe đạp trước sảnh chung cư thì ổn”, chị Vi nghĩ.
Minh Thuận (cư dân chung cư Diamond Lotus, quận 8) nói chung cư có thể cho thuê theo buổi hoặc cả ngày bên cạnh theo giờ, để dành cho những cư dân có nhu cầu dùng lâu hơn như đi học, đến trung tâm thể thao, đi sang khu khác chơi…
Người này cũng nhắc đến việc chủ quản dịch vụ này cũng nên linh động việc trả xe ở các trạm khác nhau. Ví dụ như lúc đi bạn dùng xe đạp, lúc về bị mưa lớn hoặc các bạn mệt, có thể gửi xe tại trạm chỗ này và về bằng phương tiện khác.
Đồng thời, trong khu cần có thêm các cơ sở sửa xe đạp cho cả loại dịch vụ công cộng lẫn xe đạp riêng của cư dân.
Còn theo anh Mạnh Cường (cư dân chung cư Sunrise City View, quận 7), chi phí thuê xe đạp công cộng khoảng 10.000 đồng/giờ như thành phố áp dụng thì khá hợp lý.
“Hoặc chung cư nào ‘chịu chơi’ có thể đầu tư các loại khác nhau như xe trẻ em, xe thể thao, xe có giỏ chở đồ… giá chênh lệch nhau 1-2 chục nghìn cũng không đáng kể”, anh Cường tính.
“Sau đợt dịch vừa rồi, tôi giả sử dịch bệnh bùng lên tiếp, chung cư ngăn shipper, người lạ gửi đồ vào từng tòa. Thay vào đó, đồ được gửi ở cổng ngoài cùng của chung cư, cư dân có thể đạp xe ra lấy vào. Vừa phần nào giữ an toàn, vừa giảm tải công sức của đội tình nguyện nếu có”, anh Cường góp ý.
Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.