Chuyển đến Việt Nam gần 2 năm, Andrii (38 tuổi, TP Thủ Đức) hầu như chỉ sử dụng xe ôm công nghệ khi có việc cần đi lại. Người đàn ông gốc Ukraine cho biết anh ưu tiên gọi xe 2 bánh khi đi một mình hoặc xe taxi khi đi với bạn bè.
Trung bình mỗi tháng, anh chi trả 2-3 triệu đồng cho khoản này. Sau giãn cách xã hội, taxi công nghệ và các phương tiện vận tải hành khách công cộng hoạt động lại, riêng xe ôm thì chưa.
Cần phương tiện đi lại
Để thích ứng với tình hình, Andrii tìm thuê xe máy thông qua ý kiến bạn bè. Anh được giới thiệu đến một cửa hiệu cho thuê gần nhà.
“Tôi trả 1 triệu đồng/tháng để thuê một chiếc Vespa cũ. Trong dịch, giá thuê được giảm còn 500.000-700.000 đồng/tháng. Tôi thấy mọi thứ khá hợp lý”, anh bộc bạch.
Sau hơn 3 tháng trải nghiệm, Andrii đúc kết rằng thuê xe khá tiện lợi. Anh có thể tự do chạy từ nơi này sang nơi khác thay vì phụ thuộc vào ứng dụng đặt xe. Bất tiện duy nhất anh gặp phải là tìm chỗ gửi xe, song anh đang dần làm quen với điều này.
Trong tương lai không xa, người đàn ông này dự tính mua hẳn xe máy để đi lại quanh thành phố. “Tôi dự tính ở Việt Nam lâu dài nên mua xe là khoản đầu tư cần thiết. Mua rồi thì sau này có bán lại giá cả cũng sẽ không lỗ là bao. Thậm chí nếu không mua, tôi cũng duy trì thuê xe chứ không phụ thuộc vào xe ôm công nghệ nữa”, Andrii tâm sự.
Các địa chỉ cho thuê xe máy tập trung ở quận 1, quận 7 và TP Thủ Đức là những nơi có nhiều cư dân ngoại quốc sinh sống. Ảnh: Ý Linh. |
Làm việc tại quận 1, Jessica (27 tuổi, quận 7) thường mất 20 phút để di chuyển đến công ty mỗi ngày. Đôi lúc, thời gian kéo dài thêm 5-10 phút nếu các ứng dụng đặt xe như ứng dụng Grab, Be hay Gojek rơi vào giờ cao điểm.
Cũng như Andrii, cô tham khảo qua các dịch vụ cho thuê xe máy gần nhà và quyết định thuê một chiếc Yamaha Nouvo màu xám để đi tạm thời.
"Nhờ tự đi xe mà tôi khám phá ra nhiều địa điểm thú vị trong thành phố. Tôi cảm thấy rất hứng thú nhưng một phần tôi cũng lo ngại khi chạy xe một mình vào buổi tối. Khu đường về nhà tôi khá vắng vẻ, ít đèn đường nên có hơi nguy hiểm", cô nói.
Cách đây 1 tuần, Jessica gặp sự cố trên đường về nhà. Bánh xe bị thủng lốp, cô phải đẩy xe một đoạn dài để tìm điểm sửa chữa. Rất may, cô nàng ngoại quốc nhận được sự giúp đỡ của vài người ven đường.
Mỗi ngày, Jessica đọc báo và mong chờ thông tin về các ứng dụng xe ôm công nghệ. Cô cho biết mình vẫn sẽ ủng hộ các hãng sau khi họ hoạt động trở lại.
Nhu cầu thuê xe giảm sau dịch
Trao đổi với Zing, anh Trần Thái (quản lý cửa hàng Tigit Motobikes, khu đô thị Sala, TP Thủ Đức) cho biết trước đây người nước ngoài thuê xe máy chỗ anh chủ yếu là khách du lịch, chiếm số lượng ít hơn là những cư dân sinh sống ở TP.HCM. Họ thường thuê theo một tháng, vài tháng hoặc một năm, thỉnh thoảng có người thuê theo tuần.
“Sau giãn cách xã hội, người nước ngoài thuê xe máy ở cửa hàng tôi không nhiều. Đa phần là khách quen đến thuê xe tiếp để đi làm, di chuyển trong thành phố”, anh Thái cho hay.
Vì người nước ngoài thường thuê xe thời vụ, cửa hàng Tigit Motobikes có quy định mỗi tháng người thuê phải mang xe đến bảo trì và thanh toán phí nếu tiếp tục thuê tháng sau. Trước khi thuê, khách có thể lên trang web của cửa hàng để xem giá, liên hệ trước rồi đến nơi nhận xe.
Tại phố Tây (đường Phạm Ngũ Lão, quận 1), cửa hàng Trung chuyên cho thuê xe máy mở cửa vài ngày sau khi thành phố hết giãn cách xã hội.
“Tôi mở cửa hàng để kết hợp bán tạp hóa, chứ không xác định có thu nhập từ việc cho thuê xe. Người nước ngoài ở quanh đây trước thì toàn du khách hoặc người bị kẹt lại, họ đã trả xe để về nước hoặc chuyển đi rất nhiều”, chủ cửa hàng tâm sự.
Nhiều cửa hàng, cơ sở lưu trú cho thuê xe ở phố Tây đã đóng cửa. Hiện, hai con đường Phạm Ngũ Lão và Bùi Viện chỉ còn 3-4 địa chỉ còn treo biển cho thuê xe.
Anh Phú Nguyễn (chủ cửa hàng Phú Scooters, phường Thảo Điền, TP Thủ Đức) đã giảm 50% tiền thuê xe cho những khách ngoại quốc đang ở TP.HCM trong đợt giãn cách xã hội.
Người nước ngoài thường chọn xe ga cho dễ điều khiển. Ảnh: Quỳnh Trang. |
“Thời gian đó, khách không sử dụng xe nhiều, không mang đi sửa được nếu bị hỏng, đồng thời cũng có khách gặp khó khăn tài chính, do đó tôi chủ động giảm giá. Tuy nhiên, số khách tiếp tục thuê còn rất ít, vì phần lớn họ về nước”, anh Phú kể.
Những khách người nước ngoài về nước trong 4 tháng giãn cách xã hội không thể mang xe đi trả và anh Phú cũng không đến lấy xe được. Tuy vậy, anh rất mừng và biết ơn vì đa phần chủ nhà, ban quản lý chung cư hay bạn bè của họ đều vui vẻ giữ giúp và thiện chí giao xe khi anh đến lấy.
Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.