“Đợi mãi nước mình mới có xe đạp công cộng, tôi sẽ là một trong những người trải nghiệm sớm nhất. Còn việc sử dụng lâu dài hay không thì phải đợi đi thử mới tính tiếp”, chị Thùy An (26 tuổi, ngụ quận 3) chia sẻ.
Dự kiến trong tháng 11, TP.HCM thí điểm cho thuê xe đạp công cộng ở trung tâm thành phố. Trong đó, 43 trạm với 388 xe đạp sẽ được bố trí trên vỉa hè hai tuyến đường là Điện Biên Phủ và Võ Thị Sáu (quận 3), gần trạm xe buýt.
Theo Sở GTVT TP.HCM, mục tiêu của việc thí điểm cho thuê xe đạp công cộng ở trung tâm thành phố sẽ góp phần hạn chế xe máy và ôtô cá nhân, hỗ trợ kết nối hình thức di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng.
Ủng hộ xe đạp công cộng
Trong tưởng tượng của An, khi có xe đạp công cộng, cô sẽ sử dụng để đi chơi, dạo phố nhiều hơn. An cảm thấy việc dừng, đỗ xe đạp thuận tiện hơn nhiều so với xe máy và ôtô.
“Tôi có thể mang xe đạp dắt vào công viên, dựng ngay bên cạnh mình ngồi hóng mát, ăn uống, trò chuyện với bạn bè. Hoặc đến mấy hàng quán, cửa hàng mua sắm hạn chế chỗ trông xe, tôi thấy xe đạp sẽ được ưu tiên giữ trước cửa, không phải đi gửi cách một đoạn”, An nói ra suy nghĩ.
Trần Hiền (quận Tân Phú) lại hứng thú với xe đạp công cộng sử dụng như một phương tiện dạo phố cuối tuần.
Nhu cầu đạp xe ở TP.HCM sau giãn cách tăng. Ảnh: Ý Linh. |
“Những người vừa không có xe đạp riêng, vừa ở xa trung tâm thành phố như tôi có thể đi xe máy lên trạm xe đạp, chi vài chục nghìn là có phương tiện đi chơi thoải mái, không lo tốn xăng”, Hiền nói.
Từng sống lâu năm ở châu Âu, nơi người dân sử dụng xe đạp phổ biến, anh Việt Lê hoàn toàn ủng hộ xe đạp công cộng ở TP.HCM.
Theo quan sát của anh, việc thay thế xe đạp sẽ làm giảm mức độ khí thải và tiếng ồn động cơ từ xe cơ giới. Bên cạnh đó, người dân có cơ hội vận động nhiều hơn, cải thiện sức khỏe và tinh thần.
“Việc ứng dụng xe đạp công cộng ở TP.HCM thành công hay không thì cần thời gian và một số tình huống xảy ra thì mới khắc phục dần dần được”, anh Việt Lê nói.
Chỉ để trải nghiệm cho biết
Minh Thuận (26 tuổi, ngụ quận 8) cũng ủng hộ xe đạp công cộng. Tuy nhiên, anh cho rằng mô hình này chỉ phục vụ được số ít nhu cầu người dân thành phố.
“Theo tôi, xe đạp công cộng sẽ được quan tâm bởi những người mới trải nghiệm cho biết, khách du lịch, một số người đi làm hoặc sống gần trạm xe có nhu cầu đi đâu đó quãng đường ngắn”, anh cho ý kiến.
Những ai đi làm quãng đường xa như Thuận (từ quận 8 đến quận 1) thì nhu cầu dùng xe đạp công cộng hầu như không có. “Hoặc dân văn phòng làm theo giờ hành chính ra ngoài ăn trưa thì có thể thuê xe đạp cho tiện”, Thuận nói.
Hoàng Sang ngụ tại nhà trong hẻm trên đường Võ Thị Sáu (quận 3), tuyến đường thí điểm đặt trạm xe đạp công cộng. Tuy vậy anh cũng không “mặn mà” với mô hình này.
“Tôi đi làm ở quận khác đến tối mới về. Gần nhà lại có cửa hàng tiện lợi, muốn mua nhiều đồ thì phải đi xe máy mới chở được. Xe đạp công cộng có được đặt ngay trước cửa nhà thì tôi cũng rất ít dịp sử dụng”, Sang giải thích.
Xe đạp công cộng ở TP.HCM được cho là chưa phục vụ nhiều đối tượng người dân. Ảnh: Ý Linh. |
Còn theo chị Hà My (29 tuổi, ngụ quận 4), xe đạp công cộng không phục vụ cho nhu cầu người đi chơi và thể dục. Là người đạp xe thể dục hàng ngày, chị nghĩ xe cá nhân sẽ tiện hơn.
“Đạp xe đi chơi, hoặc nhất là mục đích thể thao, người dùng thường thích chọn xe đẹp và xe chuyên dụng. Nếu không sở hữu, hiện nay họ chọn cách đi thuê để được lựa chọn mẫu mã”, chị My cho biết.
Hiện các cơ sở cho thuê xe đạp có ở nhiều quận, người dùng có thể đến cơ sở gần nhà nhất, quãng đường đạp đi đạp về sẽ tiện hơn. Thay vì nếu dùng xe đạp công cộng thì bạn phải đi xe máy đến trung tâm, gửi xe máy, đi bộ ra trạm xe đạp rồi lặp lại các bước khi quay về.
“Nếu tính ứng dụng của xe đạp công cộng đa năng hơn, ví dụ như có các loại xe phục vụ mục đích thể thao, phù hợp chiều cao cho cả người Tây lẫn trẻ em, có thể trả xe ở nhiều điểm khác nhau, thì tôi nghĩ người dân sẽ sử dụng nhiều hơn là trải nghiệm cho biết”, chị Hà My bày tỏ quan điểm.
Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.