Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cơn sốt hàng ‘Made in Russia’ tại Trung Quốc

Những cửa hàng tràn ngập hai màu quốc kỳ Trung - Nga, những con búp bê Matryoshka rực rỡ ngay lối vào, kệ sách chứa đầy sữa bột, bánh kẹo, chocolate và mật ong Nga đang trở thành hình ảnh quen thuộc tại Trung Quốc.

Tại Trung Quốc, các cửa hàng chuyên doanh sản phẩm Nga đang mọc lên như nấm, thu hút sự tò mò của nhiều người. Trên mạng xã hội, không ít cư dân mạng thắc mắc: "Tại sao các cửa hàng này lại xuất hiện dày đặc như vậy?".

Trong vài năm qua, hàng nghìn cửa hàng như vậy đã mở cửa trên khắp Trung Quốc, tận dụng mối quan hệ ngày càng khăng khít giữa Bắc Kinh và Moscow, theo CNN.

Một gian hàng thực phẩm theo chủ đề nước Nga tại một khu chợ ở Thượng Hải. Ảnh: Weibo.
hang hoa Nga anh 1
hang hoa Nga anh 1

Một gian hàng thực phẩm theo chủ đề nước Nga tại một khu chợ ở Thượng Hải. Ảnh: Weibo.

Hàng Nga "hợp khẩu vị hơn"

Theo hồ sơ kinh doanh của Trung Quốc, hơn 2.500 công ty chuyên về thương mại hàng hóa Nga đã được đăng ký từ năm 2022, với gần một nửa trong số đó xuất hiện chỉ trong năm qua. Khoảng 80% doanh nghiệp này vẫn đang hoạt động tính đến thời điểm hiện tại.

Ban đầu, phần lớn các công ty tập trung ở tỉnh Hắc Long Giang - nơi có đường biên giới giáp Nga. Tuy nhiên, trong 2 năm qua, cơn sốt này đã lan sang nhiều tỉnh khác.

Một "Cửa hàng hàng nhập khẩu Nga" ở trung tâm thành phố Thiên Tân. Ảnh: CNN.
hang hoa Nga anh 2
hang hoa Nga anh 2

Một "Cửa hàng hàng nhập khẩu Nga" ở trung tâm thành phố Thiên Tân. Ảnh: CNN.

Không chỉ dừng lại ở hải sản và nông sản - hai nhóm hàng thực phẩm Nga xuất khẩu nhiều nhất sang Trung Quốc - các sản phẩm mang thương hiệu Nga như chocolate, bánh quy và sữa bột lại được người tiêu dùng đặc biệt ưa thích.

Tại một cửa hàng chuyên đồ Nga ở trung tâm Bắc Kinh hồi tháng 2, một nhân viên bán hàng tỉ mỉ sắp xếp từng hàng kẹo, bánh quy và sữa bột - những mặt hàng bán chạy nhất.

“Mật ong Nga là sản phẩm hot nhất. Còn đây là chocolate nguyên chất - ngon lắm!”, cô vừa giới thiệu vừa chỉ vào quầy hàng đầy ắp các loại chocolate đủ vị.

Trong khi đó, loa phát thanh trong cửa hàng liên tục phát đi thông điệp chào mừng khách hàng đến với “Gian hàng Nga” và ca ngợi các sản phẩm này vì sự “tự nhiên, tốt cho sức khỏe và chất lượng cao.”

“Đây không chỉ là nơi mua sắm mà còn là cửa sổ giúp khách hàng khám phá văn hóa và sức hấp dẫn của nước Nga”, đoạn quảng cáo nhấn mạnh.

Liang Jinghao, một du khách đến từ tỉnh Sơn Tây, cho biết anh đã thấy rất nhiều cửa hàng như thế này ở quê nhà. “Nga là một đất nước rộng lớn, tài nguyên phong phú, con người thân thiện. Tôi rất có thiện cảm với nước Nga”, anh nói.

hang hoa Nga anh 3

Nhiều loại chocolate và bánh quy Nga được trưng bày tại một cửa hàng đồ Nga ở Bắc Kinh. Ảnh: CNN.

Su, 20 tuổi, là chủ sở hữu ba cửa hàng bán hàng hóa Nga ở Bình Lương, một thành phố nhỏ thuộc tỉnh Cam Túc. Cô mở cửa hàng đầu tiên vào tháng 9 năm ngoái.

“Quan hệ Trung - Nga khá tốt trong những năm gần đây, và cá nhân tôi cũng có ấn tượng tích cực về Nga”, Su chia sẻ.

Cửa hàng của Su cũng bán một số sản phẩm từ Sri Lanka và Australia, nhưng chúng không được ưa chuộng bằng hàng Nga. “Tôi nghĩ các sản phẩm Nga hợp khẩu vị người Trung Quốc hơn”, cô nói.

Sự hậu thuẫn chính thức

Mối quan hệ Trung - Nga ngày càng bền chặt trong bối cảnh cuộc xung đột Ukraine kéo dài. Hai nước xích lại gần nhau không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn do cùng chung quan điểm đối đầu với Mỹ và mong muốn tái định hình trật tự thế giới do Washington dẫn dắt.

Tại Trung Quốc, Nga và nhà lãnh đạo của nước này nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ công chúng.

Theo khảo sát của Trung tâm An ninh và Chiến lược Quốc tế thuộc Đại học Thanh Hoa công bố năm ngoái, 66% người được hỏi bày tỏ quan điểm tích cực về Nga, trong khi 76% có cái nhìn không thiện cảm với Mỹ.

Cơn sốt hàng "Made in Russia" tại Trung Quốc bắt đầu từ đầu năm 2022, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc.

Chỉ vài ngày sau khi xe tăng Nga tiến vào Ukraine, "Gian hàng Quốc gia Nga" - một cửa hàng trực tuyến được Đại sứ quán Nga tại Trung Quốc hậu thuẫn - bỗng chốc gây bão trên mạng xã hội.

Người tiêu dùng Trung Quốc đổ xô mua sắm, chi gần 6 triệu nhân dân tệ (826.000 USD) chỉ trong 3 ngày để sở hữu đủ loại hàng hóa Nga, từ kẹo bánh đến trà.

Trong một đoạn video ngắn trên cửa hàng trực tuyến, một đại diện doanh nghiệp Nga nâng ly chúc mừng "tình hữu nghị lâu đời giữa những người bạn Trung Quốc, giữa bối cảnh quốc tế đầy biến động".

hang hoa Nga anh 4

Anh Deng Haoxian khoe tờ tiền 50 Rub mà anh trúng thưởng trong một cuộc rút thăm sau khi mua sắm tại cửa hàng thực phẩm theo chủ đề Nga ở Thâm Quyến. Ảnh: NVCC.

Tới tháng 4/2023, hơn 300 công ty Nga đã gia nhập các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc như Taobao và JD, theo hãng tin Sputnik.

Năm sau đó, lễ hội và hội chợ "Made in Russia" lần đầu tiên được tổ chức tại Thẩm Dương và Đại Liên - hai thành phố lớn nhất tỉnh Liêu Ninh. Sự kiện này do Trung tâm Xuất khẩu Nga - một cơ quan phát triển thuộc nhà nước - phối hợp cùng chính quyền Moscow và tỉnh Liêu Ninh tổ chức.

Hơn 150 doanh nghiệp Nga đã tham gia sự kiện kéo dài một tuần, mang về doanh thu 2,3 triệu USD từ cả kênh bán hàng trực tuyến lẫn trực tiếp. Kể từ đó, 3 hội chợ tương tự đã diễn ra, bao gồm tại thành phố Thành Đô.

Hiện tại, Trung tâm Xuất khẩu Nga đã cấp phép cho 8 cửa hàng bán lẻ chính thức tại Trung Quốc dưới thương hiệu "Gian hàng Quốc gia Nga". Tuy nhiên, con số này vẫn rất nhỏ so với hàng nghìn cửa hàng không chính thức đang bùng nổ nhờ nhu cầu tăng vọt đối với sản phẩm Nga.

hang hoa Nga anh 5

Những cửa hàng Nga với các chủ đề quảng cáo khác nhau ngày càng mọc lên nhiều tại Trung Quốc. Ảnh: Xiaohongshu.

Dù vậy, sự phổ biến của các cửa hàng hàng Nga cũng kéo theo nhiều hoài nghi từ giới truyền thông và người tiêu dùng Trung Quốc, đặc biệt về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm.

Cuối năm 2023, nhiều khách hàng đã phát hiện một số sản phẩm mang nhãn "Made in Russia" thực chất được sản xuất tại Trung Quốc hoặc Malaysia.

Ngay cả Đại sứ quán Nga tại Trung Quốc cũng phải vào cuộc, cảnh báo người tiêu dùng về tình trạng "hàng giả đội lốt hàng Nga". Các cơ quan chức năng Trung Quốc nhanh chóng vào cuộc, tiến hành kiểm tra và xử phạt những cửa hàng vi phạm.

Những cuốn sách để hiểu về Trung Quốc

Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách nên đọc để hiểu thêm về Trung Quốc - một trong những cường quốc châu Á và đối tác hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.

Độc giả có thể xem thêm tại đây.

Phương Linh

Cùng chuyên mục