Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyện sau ngày lịch sử 30/4

Theo đại tá Nguyễn Mạnh Hùng (phóng viên báo QĐND có mặt tại khoảnh khắc lịch sử tháng 4/1975), sau ngày giải phóng, một thế giới mới đầy hứa hẹn mở ra cho người dân vùng tạm chiếm

ngay 30/4 viet nam anh 1

Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Trưởng phòng Văn hoá - Thể thao, báo Quân đội nhân dân hồi tưởng về những ngày tháng làm phóng viên chiến trường năm 1975. Ảnh: Đức Huy.

Ngày 30/4/1975 lịch sử có thể được nhớ tới với các khoảnh khắc như việc ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, lá cờ tung bay trên Dinh Độc Lập... Tất cả điều đó là dấu mốc khởi đầu cho một chặng đường mới mở ra cho thời kỳ thống nhất.

Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Trưởng phòng Văn hóa - Thể thao, báo Quân đội Nhân dân, kể lại những điều ông chứng kiến tại TP.HCM những ngày đầu độc lập.

Không khí báo chí trước ngày giải phóng

- Vào tháng 8/1973, khi đến với báo Quân đội nhân dân, bối cảnh thông tin báo chí lúc đó đang như nào?

- Vào thời điểm nào, thông tin tuyên truyền cũng là một mặt trận. Điều quan trọng lúc đó là chúng tôi có một đội ngũ phóng viên chiến trường giàu kinh nghiệm. Có những người đã bước qua 9 năm kháng chiến chống Pháp.

Tuy nhiên, điều kiện truyền tin lúc đó không hề dễ dàng. Chiếc máy truyền mã Morse có công suất 15W chỉ có thể truyền được các bản tin ngắn. Cùng đó, các bài sâu sẽ gửi qua hệ thống giao liên. Tuy nhiên, giao liên có thể phải mất tới 2-3 tháng để đi từ chiến trường miền Nam ra trụ sở ở Thủ đô.

Trong khi đó, tôi và những phóng viên khác đều hiểu mọi người ở hậu phương luôn nôn nóng từng ngày để nhận được tin tức mới. Niềm tin là điều quan trọng với lòng dân, lòng quân và chúng tôi là những người có thể đem lại điều đó. Đây là khao khát của đội ngũ làm báo chiến trường.

ngay 30/4 viet nam anh 2

Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng vẫn đọc báo hàng ngày và viết các bài cho những dịp lễ quan trọng như 30/4.

- Trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, ông đã nhận những nhiệm vụ gì?

- Tòa soạn thời điểm đó không có thông tin về chiến dịch Hồ Chí Minh 4/1975, nhưng họ đã đưa ra một dự đoán. Vì vậy họ chia ra nhiều mũi tiến vào miền Nam để đưa tin. Ban đầu tôi được giao đưa tin tại chiến trường Đà Nẵng. Sau đó, theo Quân đoàn 2 tôi vào đến Thừa Thiên - Huế. Trận ở Huế kết thúc, tôi lại được cấp trên giao đi cùng đoàn quân tiến vào Sài Gòn.

- Trong quá trình cùng quân đội tiến vào TP.HCM, ông và đồng nghiệp gặp phải những khó khăn ra sao?

- Trên đường đi, chúng tôi đã gặp quân địch chống trả dữ dội. Qua đoạn cầu Thị Nghè (giờ là cầu Sài Gòn), chúng tôi bị chặn lại bởi một chiếc xe tăng của địch bốc cháy. Tôi đổi sang chiếc xe nhỏ hơn của nhà báo Trần Mai Hưởng (phóng viên chiến trường TTXVN). Bàn bạc một lúc tôi bảo mọi người vượt qua cây cầu đó bất chấp tình huống nguy hiểm. May mắn rằng không ai bị thương. Nhờ vậy, chúng tôi đã có mặt tại Dinh Độc Lập cùng quân giải phóng để đưa tin.

Tuy nhiên khó khăn chưa dừng lại ở đó, Dinh Độc lập lúc bấy giờ là điểm nóng, rất khó để gửi tin ra. Máy truyền mã Morse 15W không thể vượt qua lớp sóng của các máy truyền tin quân sự. Do đó, mọi người phải ra tận phía Đông thành phố mới có thể truyền tin đi được. Nhờ sự hiệp lực của các đồng nghiệp, chúng tôi vẫn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tin bài lúc đó nở rộ và nhiều như mưa.

Công cuộc mới mở ra

- Mọi người thường nhớ về ngày 30/4 với những khoảnh khắc đặc biệt như chiếc xe tăng tiến vào Dinh Độc lập, lá cờ Việt Nam tung bay. Vậy sau những khoảnh khắc lịch sử đó, điều gì đã diễn ra?

- Dân và quân như hòa vào làm một. Niềm vui của người giải phóng và người được giải phóng trào dâng. Tôi bất ngờ trước sự chào đón nồng nhiệt của người dân, trong số đó có cả những người thuộc quân Mỹ - Ngụy.

Sau khi chiếm được Sài Gòn, tôi cùng một số người dân đến thăm các trường đại học. Nơi đây sinh viên xúm lại hỏi tôi rằng miền Bắc hiện nay như nào, họ có nghèo như chính quyền trong Nam nói không… Một số giảng viên thì hỏi rằng ở đó trẻ con có được đi học không, chúng có cơ hội ra các nước khác học tập không.

Chưa kịp phỏng vấn gì nhiều, tôi đã phải trả lời hàng loạt câu hỏi. Tôi bảo họ rằng chúng tôi vẫn có cơm ăn áo mặc, con cái tôi một đứa học tại Tiệp Khắc, một đứa học tại Liên Xô. Ôtô xe máy chúng tôi chưa có nhiều nhưng người dân tại miền Bắc vẫn được no ấm đủ đầy. Nghe xong, học sinh, sinh viên và giảng viên cảm động và mong chờ hơn vào một ngày mai tươi sáng khi hòa bình được lập lại. Họ dường như hiểu ra bấy lâu nay, bản thân đã bị lừa dối và hiểu lầm về tình hình tại miền Bắc.

Sau hôm đó về, tôi khản cả cổ, qua mấy ngày, tôi mới hồi phục được vì nói nhiều quá.

ngay 30/4 viet nam anh 3

Một cuốn sách có phần ghi chép về quá trình làm phóng viên trên chiến trường năm 1975 của Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng.

- Khi đi từ Sài Gòn ra Côn Đảo đón tù nhân chính trị, điều gì khiến ông ấn tượng nhất?

- Trong khi quân ta giải phóng Sài Gòn, ngày 1/5, những tù nhân tại Côn Đảo cũng đã nổi dậy. Chúng tôi ra tới nơi, họ xếp thành một hàng dài tiếp đón. Trên người họ không có gì hơn ngoài bộ quần áo đen và một ngôi sao đỏ 5 cánh được cắt từ những cái bát ăn dành cho tù nhân. Tất cả họ đều là chiến sĩ của chúng ta.

Chưa kịp phỏng vấn gì được nhiều, họ đã hỏi tôi rất nhiều về tình hình chiến sự tại miền Nam. Tôi phải mất cả buổi để trả lời họ. Gương mặt ai nấy cũng rạng rỡ hẳn khi nghe tin chúng ta thắng trận.

Bọn tôi cùng nhau bầu người đại diện cho tù nhân Côn Đảo để tổ chức mọi việc. Ông Trần Trọng Tân (bí danh Hai Tân) đã nhận sự tín nhiệm cao nhất. Ông sắp xếp chỗ ăn ngủ cho chúng tôi. Bữa ăn tại Côn Đảo khá đạm bạc chỉ có cơm, cá khô và bí ngô. Nhưng vậy là quá đủ rồi.

- Trong những ngày đầu sau độc lập, nhiệm vụ chính của quân và dân ta lúc đó là gì?

- Tôi đã có một bài phóng sự mang tên Vách thành vững như thành để nói về quá trình tổ chức cuộc sống của dân, bảo vệ giúp đỡ dân. Kết thúc ngày giải phóng, đa phần quân được ở trong nhà của dân. Nhiều người nhường một nửa gian nhà để họ ngủ. Quân ta không yêu cầu gì nhiều, ngủ dưới sàn nhà cũng chẳng nề hà gì.

Điều đáng nói là quân giải phóng là một hình ảnh rất mẫu mực trong mắt người dân Sài Gòn. Nếp ăn, nếp ngủ, sinh hoạt… mọi thứ đều đúng giờ. Cứ 5h sáng, tiếng báo thức vang lên, họ dậy đi tập thể dục. Sau đó họ trở về và quét dọn nhà cửa. Những cái gối, cái chăn được gấp gọn lại cũng khiến ai nấy đều phải trầm trồ.

Quân ta còn tăng gia sản xuất. Lúc đó, giống cây chanh tứ quý đã được trồng ở một số khu vườn. Tận dụng nhiều bãi đất trống, quân ta còn nuôi gà. Nhờ đó, bữa ăn đã được cải thiện. Vào lúc rảnh rỗi, họ đàn hát, nói chuyện vui vẻ cùng mọi người.

Sau ngày độc lập, một công cuộc mới đã mở ra. Phía trước là những ngày tháng thống nhất đầy hy vọng và niềm tin. Tôi cảm thấy mình thật may mắn khi được chứng kiến những điều giản dị đó ở vùng đô thị Sài Gòn sau giải phóng.

Cảm ơn ông đã chia sẻ.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Tác phẩm kinh điển 'Ông già và biển cả' có bản dịch mới

'Ông già và biển cả' là một tác phẩm văn học kinh điển, được đánh giá cao bởi cả giới phê bình và công chúng.

Trong ngục tù vẫn chiến đấu

Họ được giam chung trong một cái hố vuông gần bờ sông, chung quanh quây dây thép gai.

Đức Huy

Bạn có thể quan tâm